Sở Tài nguyên Môi trường vừa kiến nghị UBND TP HCM xây dựng 9 trạm quan trắc tự động chất lượng không khí. Đơn vị này mong muốn ưu tiên thực hiện trước 4 trạm với kinh phí khoảng 78 tỷ đồng.
Năm 2003, TP HCM được Na Uy và Đan Mạch hỗ trợ xây 9 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, trong đó 5 trạm xung quanh và 4 trạm ven đường. Tuy nhiên, hệ thống này đến năm 2012 xuống cấp trầm trọng, không còn sử dụng được.
Hiện, thành phố chuyển sang sử dụng hệ thống quan trắc bán tự động tại 16 điểm. Thời gian thực hiện là 8h-9h và 15h-16h không phù hợp với điều kiện thực tế bởi sau giờ này lượng xe tải mới được phép lưu thông.
Ngoài ra, kết quả dựa vào phương pháp bán tự động (nhân viên đi lấy mẫu đem về phòng thí nghiệm phân tích) nên chưa cung cấp toàn diện số liệu. Do đó, khó đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí của thành phố một cách chính xác, đồng bộ.
Một trạm quan trắc không khí bị hỏng ở TP HCM. Ảnh: NLĐ |
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất UBND TP HCM đầu tư dự án 27 trạm quan trắc tự động và 225 trạm bán tự động. Việc xây dựng dự kiến bắt đầu từ nay đến năm 2020 với kinh phí khoảng 495 tỷ đồng.
Trong báo cáo do Trung tâm Quan trắc và Phân tích Môi trường – Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM – thực hiện, chỉ số khí độc hại CO (cacbon mônoxit), tiếng ồn và bụi… ở thành phố đang ở mức báo động khi đã vượt số liệu giai đoạn 2010-2014. Nồng độ CO được ghi nhận tăng vọt ở nhiều điểm như An Sương, ngã tư Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh, Hàng Xanh, Gò Vấp…
Chất lượng tại các điểm cấp nước cũng có sự thay đổi. So với năm 2014, các chỉ tiêu pH, COD, BOD, độ mặn... có xu hướng tăng tại 50-83% các điểm quan trắc. Chỉ tiêu DO (lượng oxy hoà tan trong nước cần thiết cho sự hô hấp của các sinh vật nước) lại giảm tại 83% các điểm quan trắc. Hầu hết các tuyến kênh đều bị ô nhiễm vi sinh vật, hàm lượng Coliform cao và đều vượt quy chuẩn cho phép QCVN.
Theo vnexpress.net