Hầu hết nước mặt ở các hồ ao, sông đều ô nhiễm
Báo cáo Môi trường quốc gia gần đây nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, Hà Nội có mức độ ô nhiễm cao hơn TP Hồ Chí Minh dù dân số và phương tiện cơ giới ít hơn. Năm 2013, Hà Nội có tới 237 ngày chất lượng không khí kém, 21 ngày chất lượng không khí xấu và một ngày chất lượng không khí vào mức nguy hại.
Hà Nội có mức độ ô nhiễm cao hơn TP Hồ Chí Minh |
Theo ông Ngô Thái Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), giai đoạn 2011-2015, chất lượng không khí tại các khu vực dân cư, đường giao thông, làng nghề và công nghiệp có xu hướng được cải thiện, nhưng riêng chỉ tiêu benzen tại hầu hết các vị trí quan trắc không khí giao thông đều vượt tiêu chuẩn QCVN06: 2009/BTNMT và có xu hướng tăng do gia tăng phương tiện giao thông và sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng).
Cụ thể, chất lượng môi trường không khí tại 8 khu công nghiệp, 22 cụm công nghiệp ở mức từ trung bình đến tốt, đang có xu hướng được cải thiện. Tuy nhiên, tại một số khu dân cư như thị trấn Văn Điển, Yên Viên, Vĩnh Tuy, Yên Nghĩa, Ngọc Hồi, Quan Hoa... thông số quan trắc bụi tổng số (TSP), CO, SO2, NO2 đều vượt ngưỡng quy chuẩn 1,04 - 2 lần. Chất lượng môi trường không khí tại các khu vực giao thông, hầu hết đều vượt QCVN từ 1,3 đến 2 lần.
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới nhiễm không khí tại Hà Nội. Trong đó, chủ yếu bắt nguồn từ hoạt động giao thông và xây dựng. Ước tính, Hà Nội có hơn 5,3 triệu phương tiện giao thông cơ giới được đăng ký, chưa kể số xe vãng lai từ các địa phương khác; nhiều xe trong số đó đã cũ, nát, không bảo đảm tiêu chuẩn phát thải. Tình trạng ùn tắc giao thông cũng làm gia tăng nguồn khí thải tại các nút giao vào giờ cao điểm. Ngoài ra, tại Hà Nội xe máy chiếm 95% số lượng phương tiện, chỉ tiêu thụ 56% xăng, nhưng lại thải ra 94% hydro cacbon (HC), 87% cacbon ôxit (CO), 57% ôxit nitơ (NO)... trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới và là nguồn chính gây ô nhiễm không khí.
Đối với tình trạng ô nhiễm nước, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cũng cảnh báo khá nghiêm trọng ở nước mặt ao, hồ, sông trên địa. Cụ thể tới hơn 110 ao, hồ, đa số đều ô nhiễm. Đặc biệt, một số hồ có lưu lượng nước thải chảy vào vượt quá khả năng tự làm sạch của hồ, đã bị ô nhiễm hữu cơ, dầu mỡ, kim loại nặng, vi sinh. Với hệ thống sông: Đuống, Cầu, Cà Lồ, Đáy, Nhuệ, Tích, Tô Lịch, Kim Ngưu... kết quả quan trắc hằng năm đều cho thấy, nhiều thông số hóa lý (TSS), chất hữu cơ (COD, BOD), chất dinh dưỡng (amoni, nitrit, phosphat)... vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Đáng chú ý, hệ thống nước ngầm cũng đứng trước nguy cơ ô nhiễm do việc khoan khai thác quá mức nhưng không lấp giếng khi không còn sử dụng. Cùng với đó là ô nhiễm tầng nước mặt, do chôn lấp chất thải, gia súc, gia cầm bị dịch bệnh không đúng quy cách nên đã dẫn đến tình trạng thẩm thấu xuống các tầng nước ngầm.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, hầu hết hồ trong nội thành đều là hồ điều hòa, có chức năng chủ yếu là chứa và tiêu thoát nước mưa. Tuy nhiên, do hệ thống thoát nước thải chưa hoàn thiện, chưa được tách riêng với thoát nước mưa, nên nước thải sinh hoạt vẫn chảy trực tiếp vào hồ, ao. Tình trạng nuôi thả cá kinh doanh và ý thức giữ gìn cảnh quan, môi trường hồ của một bộ phận người dân chưa cao cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm nước hồ. Tương tự, 4 con sông thoát nước chính của thành phố là Lừ, Sét, Kim Ngưu, Tô Lịch cũng đang tiếp nhận nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, nên dù đã được cải tạo, nạo vét, kè bờ, làm đường hai bên... nhưng nguồn nước vẫn ô nhiễm nặng. Cũng theo ông Mai Trọng Thái, ngoài nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, làng nghề không có hệ thống xử lý tập trung, thải trực tiếp ra hệ thống thoát nước cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm nước mặt.
Giải pháp nào?
Để giảm tình trạng ô nhiễm không khí, Hà Nội đã tập trung phát triển giao thông công cộng trong đó xe bus vẫn là chủ lực nhằm từng bước hạn chế phương tiện cá nhân. Ngoài ra, tránh ùn tắc, góp phần gia tăng ô nhiễm không khí, Hà Nội cũng đã không cấp phép thêm cho xe taxi hoạt động trên địa bàn.
Đối với tình trạng ô nhiễm sông, hồ, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, từ năm 1995 đến nay, thành phố triển khai đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc kêu gọi doanh nghiệp hợp tác cải tạo nhiều ao, hồ bị ô nhiễm, xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung. Đến nay, tình trạng ô nhiễm ao, hồ đã bước đầu được cải thiện. Nhiều ao, hồ từ chỗ là nơi đổ đất, rác thải đã thành điểm vui chơi, sinh hoạt cộng đồng cho khu dân cư. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm sông, hồ, thành phố cần đầu tư hệ thống thoát nước thải sinh hoạt riêng, trong đó có các nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn trước khi đưa ra kênh, sông thoát nước chính.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đang xem xét để ban hành kế hoạch chống ồn, bụi trên địa bàn với rất nhiều mục tiêu, như ngăn ngừa, kiểm soát, xử lý, giảm phát sinh các nguồn gây ô nhiễm không khí; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường; tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân hướng tới phát triển bền vững. Cùng với đó, thành phố cũng đặt ra những nhiệm vụ cụ thể, như hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; giảm nguồn phát sinh bụi, phát tán bụi... Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch là một quá trình liên tục, lâu dài, liên quan tới cộng đồng và phải áp dụng nhiều giải pháp tổng hợp về truyền thông, cơ chế chính sách, cải tiến công nghệ, quy hoạch. Đặc biệt, cần phải có là sự chung tay của cộng đồng, ý thức của người dân.
Theo infonet.vn