Dự án đường sắt đô thị số 3 Cát Linh – Hà Đông được chính thức khởi công từ 10/10/2011. Toàn tuyến có chiều dài khoảng 13,5km, đi hoàn toàn trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi.
Tuyến có điểm khởi đầu đặt tại nhà ga Cát Linh (Q. Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (Q. Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai III - Thanh Xuân III - Bến xe Hà Đông - Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới) và khu Depo (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, Q. Hà Đông.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng thầu EPC (Trung Quốc) tại cuộc họp giao ban định kỳ nhằm kiểm điểm tình hình thực hiện, kế hoạch, tiến độ thi công Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông vào chiều ngày 5/8, trong 6 tháng đầu năm, với tình hình rất khó khăn về nguồn vốn nhưng các nhà thầu phụ đã không ngừng thi công và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ. Hiện công tác thi công đã hoàn thành toàn bộ bệ trụ, thân trụ, xà mũ.
Phải đến giữa năm 2017, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới được đưa vào khai thác thương mại. (Ảnh: Tuấn Minh) |
Ngoại trừ ga Cát Linh và ga Vành đai 3, còn lại 10 nhà ga khác đã xong toàn bộ kết cấu chính. Hiện nay đang thi công kết cấu phụ trợ, thang lên xuống và kết cấu thép.
Theo báo cáo, nhà điều hành khu Depot đang thi công kết cấu chính tầng 4, các công trình kiến trúc khác đang thi công phần móng cọc, bệ trụ. Công tác lao dầm cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn lại 18 phiến. Tỷ lệ ký kết hợp đồng với nhà thầu phụ đạt 90%, 10% còn lại chưa ký kết chủ yếu là hoàn thiện công trình phụ trợ, dự kiến sẽ ký xong vào cuối tháng 9.
Về tình hình giải ngân, thanh toán cho các nhà thầu phụ, đại diện Tổng thầu EPC cho biết, sau khi Tổng thầu điều động 60 triệu NDT vốn lưu động sang để chi trả, đơn vị này đã lần lượt thanh toán cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp vật tư và thanh toán chi phí quản lý dự án. Hiện còn nợ 340 tỷ, sau khi nhận được 19 triệu USD tạm ứng phần bổ sung, Tổng thầu sẽ lần lượt thanh toán cho các đơn vị.
Giữa năm 2017 sẽ đưa vào khai thác
Chủ trì cuộc họp, sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, về dự án này, Bộ GTVT khẳng định tổng tiến độ sẽ không thay đổi, có nghĩa là trước Tết Âm lịch cơ bản xong phần xây lắp. 6 tháng đầu năm 2017 sẽ chỉ lắp đặt thiết bị và chạy thử, để giữa năm 2017 đưa vào khai thác cơ bản.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Hồng Trường, thời gian vừa qua, dự án chậm tiến độ 2 tháng nhưng với khối lượng không lớn. Mặc dù vậy, các đơn vị vẫn phải tập trung nguồn lực, tăng ca để bù tiến độ tất các các gói thầu.
Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị, trong tháng 8, Tổng thầu EPC triển khai việc thanh toán cho các nhà thầu phụ bao gồm 2 gói 12 triệu USD và 19 triệu USD, giải ngân triệt để cho nhà thầu Việt Nam (khoảng 600 tỷ đồng); cung cấp kịp thời những vấn đề còn lại về kỹ thuật, dự toán của gói thầu thiết bị để có thể hoàn tất được 11 gói thiết bị cũng như ký hợp đồng chính thức.
Tổng thầu phối hợp với Ban QLDA đường sắt tiến hành ký kết các hợp đồng với nhà thầu phụ còn lại, làm cơ sở cho các nhà thầu chuẩn bị vật liệu và đẩy nhanh thi công; có sắp xếp, điều chỉnh lại tiến độ để dồn vào 5 tháng còn lại của năm 2016 để hoàn thiện các hạng mục thi công còn lại của 12 nhà ga, Depot, dầm, ray, tà vẹt, lan can…
Ông Trường cũng đề nghị Ban QLDA đường sắt, Tổng thầu tập trung hoàn thiện các thủ tục ký gói thiết bị, tiến tới ký hợp đồng chính thức trong tháng 8 này; triển khai kiểm tra, nghiệm thu đoàn tàu; rà soát, yêu cầu các nhà thầu phụ đẩy nhanh tiến độ bằng cách tăng lượng quân số, năng lực thiết bị máy móc và con người cũng như việc thanh quyết toán kịp thời để không làm ảnh hưởng tiến độ thi công ngoài hiện trường.
Cùng với đó, phối hợp với UBND Hà Nội, với công ty quản lý khai thác sau này trong việc cùng tiếp nhận, kiểm soát, đảm bảo chất lượng số lượng đầu tàu, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.
Do tính phức tạp của dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu phải thành lập ngay Tổ tổng hợp hồ sơ hoàn công để phục vụ hoàn thiện các thủ tục phục vụ công tác nghiệm thu; phối hợp Hội đồng nghiệm thu nhà nước triển khai công việc kịp thời, tránh sau này khi lắp đặt đoàn tàu phát sinh ảnh hưởng tiến độ chung của dự án.
Để không làm chậm tiến độ, Thứ trưởng yêu cầu họp Ban QLDA đường sắt cùng các đơn vị liên quan tiến hành họp giao ban hàng tháng, kịp thời báo cáo Bộ GTVT xem xét giải quyết các phát sinh trong quá trình hoàn thành dự án.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng khuyến khích Ban QLDA đường sắt, Tổng thầu chủ động phát động phong trào thi đua trên công trường và đưa ra các giải thưởng đối với nhà thầu phụ làm tốt, đảm bảo tiến độ, an toàn lao động, tạo khí thế trên công trường cùng nhau đẩy mạnh phong trào thi công hiệu quả trên công trường dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Tuấn Minh - infonet.vn