Người Việt Odessa
Tin trong nước

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phải xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể vụ Formosa

Chủ nhật, 07/08/2016 | 06:32
"Các bác lo bồi thường xong chúng ta cho qua, không phải đâu, TƯ đã họp chỉ đạo nhiều lần. Đây mới là xử lý bên ngoài, còn đi sâu vào bên trong xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể, kết luận ngay thì chưa được, nhưng phải làm”- TBT nói.

Tại buổi tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc tổ bầu cử số 1 tại Quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hà Nội sáng 6/8, nhiều cử tri bày tỏ sự bức xúc trước sự cố môi trường do Formosa gây ra.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phải xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể vụ Formosa
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc với cử tri

 

Bức xúc chuyện Formosa, bổ nhiệm, cấp phép giả

 

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã nghe Thiếu tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh thủ đô thay mặt các đại biểu báo cáo về kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14. Ngay sau đó, các cử tri tại đây đã nêu nhiều vấn đề mà nhân dân, dư luận quan tâm, bức xúc trong thời gian qua.

Theo đó, cử tri Phạm Huy Hòa (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) cho biết, cử tri lo ngại sự cố môi trường biển do Formosa gây ra cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung vừa qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân các tỉnh này. Mới đây, lại phát hiện Formosa vận chuyển chất thải rắn ra chôn ở một điểm khác ở Hà Tĩnh cũng như chuyển chất thải rắn ra cả Phú Thọ.

Quốc hội đã đã giao Uỷ ban KHCN giám sát, cử tri theo dõi. Tuy nhiên, theo cử tri Hòa, trường hợp ông Võ Kim Cự, người đã ký cấp phép cho Formosa 70 năm, lại chưa được xem xét.

“Một người như vậy không xứng đáng đại diện cử tri, ông Cự nên ứng xử văn hóa là từ chức”- ông Hòa nhấn mạnh.

Đồng tình với điều này, cử tri Đặng Tài Tính (phường Cống Vị, Ba Đình) cũng cho rằng, đại biểu ở cấp nào cũng cần có cái tâm và khi đã được bầu rồi thì không nên thất hứa.

"Vụ việc chẳng hạn như Formosa, hay phân bón giả, hơn 800 sản phẩm được Bộ NNPTNT cấp giấy phép giả hay như vụ việc bổ nhiệm tại Bộ Công thương cần làm cho rõ ràng ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm và xử lý cho đến cùng dù là ai. Đất nước ta dù có nhiều thành công nhưng còn nghèo nên đừng để nghèo thêm, khó khăn thêm. Mong Quốc hội không chỉ chất vấn Bộ trưởng mà chất vấn cả Chủ tịch UBND các tỉnh...", ông Tính nhấn mạnh.

Bổ sung thêm về vấn đề này, cử tri Nguyễn Văn Tỉu (Hàng Đào, Hoàn Kiếm) cho rằng, sự cố môi trường do Formosa khiến cử tri lo lắng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và phát triển đất nước.

“Tổ chức nào, cá nhân nào ký kết với tập đoàn Foromosa trong vòng 70 năm. Trước khi ký kết, tổ chức này, cá nhân này có hiểu về Formosa đến mức độ nào? Tại thời điểm này ngoài mục đích kinh tế họ còn mục đích nào khác?” – cử tri Tỉu đặt câu hỏi.

Cư tri Tỉu cũng cho biết thêm, cá ngoài khơi không chết trôi vào bờ 4 tỉnh miền Trung, chất độc không thải ra biển, không được chôn lấp… liệu chúng ta có phát hiện ra? Liệu 70 năm người Việt liệu có còn được sống trên đất nước chúng ta?

“Việc xử lý Formosa như thế nào? Đến khi nào việc đánh bắt cá gần bờ được thực hiện? Những vấn đề này cử tri vô cùng quan tâm và lo lắng. Đất nước còn nghèo nhưng không vì 500 triệu USD mà bỏ qua. Chúng ta cần xem xét lại chính sách đầu tư. Nếu Formosa ở Việt Nam 70 năm chắc chắn hậu họa sẽ khôn lường” – cử tri Tỉu nhấn mạnh.

Xử lý cá nhân, tập thể liên quan: Sẽ phải làm

Sau khi nghe các cử tri bày tỏ ý kiến, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã cảm ơn các cử tri đã tín nhiệm bầu ông làm ĐBQH khóa XIV, nhiệm kỳ 2016- 2021; cảm ơn các cử tri đã tham dự tiếp xúc cử tri. Đây là buổi tiếp xúc cử tri đông nhất từ trước đến nay.

“Ý kiến của các bác rất phong phú, đa diện nhiều chiều, xác đáng, đề cập những vấn đề lớn, chung của đất nước có tầm vĩ mô, trong đó có một số vấn đề liên quan đến thành phố HN” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Về sự cố môi trường ở Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung, Tổng Bí thư cho rằng: "Riêng vụ này tốn biết bao công sức của chúng ta. Đây là đấu tranh chứ không phải cuộc thương lượng. Đấu tranh có chứng cớ, có lý, có tình buộc người sai phạm nhận lỗi cúi đầu xin lỗi trước Chính phủ, trước nhân dân, hứa khắc phục hậu quả, nhận đền bù, thay đổi dây chuyền và không tái phạm. Nếu tái phạm chúng ta có bài khác, không thể thế là xong” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Tổng Bí thư cũng cho biết thêm, từ vụ việc này cho ta bài học, không phải chấp nhận đầu tư bằng bất cứ giá nào mà phải chú ý đến bảo vệ môi trường: "Bài học này sâu sắc lắm, đắt giá lắm. Việt Nam nghèo, nên cứ thấy dự án là phấn khởi, không lo mặt trái của nó là cái gì. Các bác rất đúng khi quan tâm vấn đề môi trường. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội đã đề cập đến vấn đề môi trường, cần giám sát việc cụ thể này, từ đây cho ta bài học lớn: Xây dựng môi trường, muốn phát triển nhanh phải bền vững.

Các bác lo bồi thường xong chúng ta cho qua, không phải đâu, TƯ đã họp chỉ đạo nhiều lần. Đây mới là xử lý bên ngoài, còn đi sâu vào bên trong xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể, kết luận ngay ai phải thế này thế kia thì chưa được, nhưng phải làm”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận.

N. Huyền - infonet.vn

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN