|
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung |
Tại sao lại phải ứng tiền để cắt ngọn công trình 8B Lê Trực?
Theo đó, cử tri Phạm Huy Hòa (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) cho rằng, đường lối chủ trương quy hoạch ngắn hạn tầm nhìn dài hạn là rất tốt, tuy nhiên tại sao tổ chức thực hiện nhiều khi không đạt mục đích? Trong nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan thì ông Hòa cho rằng nguyên nhân chính là do cán bộ, do con người thực thi công việc đó.
“Ví dụ, Hà Nội có chủ trương loại bỏ cây hỏng, trồng cây mới là đúng nhưng thực hiện thì rất nhiều cây xanh chưa hỏng bị chặt, đặc biệt qua cơn bão số 1 hàng ngàn cây bị đổ. “Cây chết đổ dân nói nó được sống bao giờ đâu mà chả chết) vì bị bọc nilon” – ông Hòa nhấn mạnh.
Cũng nêu lên những bức xúc của người dân về tòa nhà số 8B Lê Trực, cử tri Nguyễn Văn Kiên (Hàng Bông, Hoàn Kiếm) cho rằng: Nhà nước quản lý bằng Hiến pháp pháp luật, người dân sống và làm việc theo hiến pháp pháp luật. Nhưng luật còn thiếu, văn bản dưới luật còn nợ đọng nhiều, chưa đi vào cuộc sống. Nhiều luật Chính phủ phải can thiệp như quán cà phê Xin chào, vụ cháu bé ăn cắp bánh mỳ, tuy nhiên vụ Vinaconex cụ thể là ông Phí Thái Bình có ảnh hưởng rất lớn đến người dân, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng lại không truy cứu trách nhiệm.
Ông Kiên cũng chỉ thêm hay như tòa nhà số 8 Lê Trực, xây dựng trái phép tuy nhiên không làm nghiêm. Qua 2 kỳ Thủ tướng chỉ đạo dứt điểm phải phá dỡ những phần sai phép nhưng chưa xong. Mới đây, theo ông Kiên được biết là UBND quận Ba Đình phải ứng tiền để phá.
“Tại sao chúng ta lại để chuyện này xảy ra? Phải bắt buộc chủ đầu tư làm, không làm chúng ta có thể cắt nước, cắt điện? Không nên tạo thành tiền lệ xấu cho những công trình sai phép thì chủ đầu tư cứ chây ì” – ông Kiên nói.
Thành phố đã phong tỏa tài khoản chủ đầu tư
Trả lời những băn khoăn này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết: trước đây có 24 công ty tham gia trồng cây xanh trên địa bàn thành phố. Trong tuần tới sẽ công khai danh tính các công ty trồng cây xanh mà bị bật gốc, lộ bọc nilon trong bão số 1 vừa qua.
Ông Chung cũng cho biết, chủ trương trồng mới và cải tạo cây xanh của thành phố trước đây là xã hội hóa, có nhiều nhà đầu tư tham gia. Các kế hoạch trồng được Sở Xây dựng phê duyệt về chủng loại, kích cỡ, khoảng cách, nhưng công tác giám sát lại chưa nghiêm túc về quy cách, chất lượng.
"Trong các đợt mưa bão từ năm trước, trên nhiều tuyến đường như Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi, Bắc - Nam Từ Liên, ngoại thành..., cây đổ lộ rõ gốc còn buộc nguyên nilon, dây thép, dây vải", ông Chung cho biết.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do có nhiều đơn vị tham gia nên không thống nhất được quy cách kỹ thuật trồng, chăm sóc… Ông Chung cho biết, thành phố mới đây đã quyết định giao lại toàn bộ việc trồng mới và cải tạo cây xanh cho Công ty công viên cây xanh Hà Nội. Quy về một đầu mối để kiểm soát chất lượng tốt hơn. "Thành phố sẽ chấn chỉnh và khắc phục, không để lặp lại tình trạng như thời gian qua", ông Đức Chung nói.
Đối với sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho hay Hà Nội ứng tiền đề đẩy nhanh tiến độ phá dỡ phần sai phép tại 8B Lê Trực, toàn bộ chi phí chủ đầu tư phải hoàn trả.
Theo đó, thành phố cương quyết thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, phá dỡ các phần sai phạm của chủ đầu tư. “Ở giai đoạn 1 do phương tiện phá dỡ cũ, nhà 8B Lê Trực lại xây kiên cố nên mọi việc tiến hành chậm. Nay thành phố đã thay công ty phá dỡ với công nghệ mới, cho phép ngăn một nửa đường Nguyễn Trung Trực để cắt tầng nhanh hơn", ông Chung thông tin.
Chủ tịch Hà Nội cho biết, thành phố đã ra văn bản và phong tỏa tài khoản của chủ đầu tư. Trước mắt, để đầy nhanh tiến độ, thành phố giao cho UBND quận Ba Đình tạm thời ứng tiền ngân sách cho việc phá dỡ. Nhưng toàn bộ chi phí phá dỡ, tiền lãi phát sinh, chủ đầu tư 8B Lê Trực phải chịu. Đồng thời, Hà Nội đã rà soát các dự án của chủ đầu tư này, nếu sai phạm tại 8B Lê Trực không khắc phục nghiêm túc sẽ không được tiếp tục đầu tư trên địa bàn thành phố.
N. Huyền