Ngày 4/8, ông Đinh Thế Huynh (Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban bí thư) tiếp xúc cử tri thành phố Đà Nẵng để thông báo kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14.
Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh tại cuộc tiếp xúc cử tri thành phố Đà Nẵng sáng 4/8. Ảnh: N.Đ. |
Tại đây, nhiều cử tri đề cập sự cố ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung do Formosa Hà Tĩnh gây ra. "Nguyên Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự nói trên báo rằng việc ký quyết định cấp phép Formosa đầu tư 70 năm đã được 12 bộ ngành đồng ý. Nay xảy ra sự cố nghiêm trọng sao chưa thấy làm rõ trách nhiệm", cử tri Trà Thanh Lợi (quận Sơn Trà) nêu vấn đề.
Ông Đinh Thế Huynh cho biết chủ trương của Đảng, Nhà nước là rà soát toàn bộ quá trình cấp phép, phê duyệt dự án với Formosa, đặc biệt là phê duyệt hệ thống xả thải để xử lý những cá nhân vi phạm; bên cạnh đó, cũng cần làm rõ trách nhiệm cơ quan đánh giá tác động môi trường, hệ thống giám sát, quan trắc...
Thường trực Ban bí thư cho rằng, ông Võ Kim Cự nói ký quyết định vì có 12 bộ ngành đồng ý thì cần kiểm tra lại xem có đúng như vậy. "Không thể có chuyện anh lên báo nói mấy câu là xong việc, cứ để kiểm tra làm rõ. Luật quy định thời hạn 50 năm, chỉ có đặc biệt mới 70 năm. Phải kiểm tra xem trường hợp Formosa có đặc biệt không", ông Huynh nói.
"Sự cố Formosa là bài học đau xót. Chúng ta không được quên rằng, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường", ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh và khẳng định nếu Formosa tái phạm thì sẽ bị đóng cửa.
Cùng ngày, trong cuộc tiếp xúc cử tri của ông Nguyễn Văn Bình (Trưởng ban Kinh tế trung ương) tại Quảng Bình, cử tri cũng phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến sự cố môi trường biển miền Trung do Formosa gây ra.
Ông Nguyễn Văn Bình khẳng định tới đây sẽ có những chính sách tổng thể và phù hợp với từng vùng miền để tháo gỡ khó khăn cho bà con ngư dân. “Trên địa bàn Quảng Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ nghiên cứu từng trường hợp cụ thể, chuyển đến các cơ quan chức năng giải quyết, giúp bà con từng bước khắc phục khó khăn”, ông Bình nói. Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh các địa phương trong đó có Quảng Bình cần phát triển kinh tế một cách bền vững, gắn liền với bảo vệ thiên nhiên môi trường.
Ông Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: T.D |
Trước đó, ngày 3/8, tiếp xúc cử tri tỉnh Hà Tĩnh, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các tỉnh thống kê, điều tra xác minh thiệt hại, sắp tới sẽ ban hành chính sách ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất tại vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường. Đối tượng áp dụng của chính sách là các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có liên quan đến hoạt động khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản, nghề muối, dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường.
Gói chính sách bao gồm các công việc như: khôi phục tái tạo nguồn lợi hải sản và nơi cư trú của các giống loài hải sản, cho vay vốn khôi phục sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm và bảo hiểm y tế; hỗ trợ tín dụng đóng mới tàu cá…
Hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế khiến đời sống người dân 4 tỉnh miền Trung lao đao. Ngày 30/6, Formosa đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra thảm họa cá chết và cam kết bồi thường 500 triệu USD để khắc phục hậu quả và cải tạo môi trường. |
Theo vnexpress.net