9h sáng 23/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì cuộc gặp các cơ quan báo chí, tham dự có các Phó chủ tịch Quốc hội: bà Tòng Thị Phóng, ông Đỗ Bá Tỵ, ông Uông Chu Lưu và Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Chia sẻ cảm xúc sau một ngày tuyên thệ nhậm chức, bà Ngân cho biết cảm thấy trách nhiệm nặng nề khi đảm nhận những nhiệm vụ quan trọng mà cử tri, nhân dân cả nước giao phó.
“Quốc hội khoá 14 sẽ đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân”, Chủ tịch Kim Ngân đưa ra thông điệp.
Bà nhấn mạnh đến việc đổi mới quy trình làm việc của Quốc hội, nâng cao chất lượng trong các nội dung làm việc, chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận, thảo luận. “Tăng tính tranh luận nhiều hơn thì hiệu quả thảo luận tại hội trường sẽ tốt hơn”, bà Kim Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, bà học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ những người tiền nhiệm, đặc biệt là nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
“Bản lĩnh chính trị khi đứng trước những vấn đề, quyết định khó khăn và tính quyết đoán khi thấy việc đó là đúng với đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước. Còn nếu quyết đoán của mình sai thì sẵn sàng nhận trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Cuộc gặp của Chủ tịch Quốc hội với báo chí diễn ra sáng 23/7. Ảnh: Giang Huy. |
Trả lời câu hỏi về việc đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) kiến nghị Quốc hội lập ủy ban lâm thời điều tra vụ Formosa gây sự cố môi trường biển, bà Kim Ngân nói hiện chưa có chủ trương lập ủy ban lâm thời. Theo bà Ngân, Chính phủ đã huy động lực lượng lớn cơ quan chức năng, các nhà khoa học trong và ngoài nước, đấu tranh để buộc Formosa phải cúi đầu nhận lỗi, chấp nhận bồi thường.
“Dân thì nói Chính phủ chậm, nhưng chúng tôi muốn nói rằng đây là vấn đề rất lớn, Chính phủ đã rất nỗ lực, quyết tâm điều tra sớm. Bộ Chính trị cũng đã nhiều lần nghe báo cáo về vấn đề này. Quốc hội chưa lập ủy ban lâm thời nhưng chúng tôi sẽ giám sát rất chặt chẽ, tiếp tục theo dõi quá trình giải quyết vấn đề này”, bà Kim Ngân khẳng định.
VnExpress nêu câu hỏi, dư luận quan tâm đến sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra, báo chí cần có thông tin chính thống, tuy nhiên khó tiếp xúc với một số đại biểu Quốc hội có trách nhiệm, cụ thể như ông Võ Kim Cự (nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh) gần đây tránh trả lời báo chí khi được hỏi về vấn đề liên quan đến Formosa. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trả lời báo chí như thế nào là quyền của ông Võ Kim Cự, tuy nhiên hôm nay khi biết thông tin này thì “tôi sẽ gặp gỡ ông Võ Kim Cự để nhắc nhở”.
Theo bà Kim Ngân, đại biểu Quốc hội thì phải tiếp xúc với báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là sự kiện đó xảy ra khi mình đang làm lãnh đạo địa phương thì hơn ai hết phải chủ động cung cấp thông tin cho báo. Cung cấp thông tin kịp thời và đúng đắn cho báo chí thì báo chí mới có góc nhìn đầy đủ, không nên mập mờ và tránh né.
“Gặp báo chí mà khoát tay từ chối thì không hay, lỡ phóng viên chụp ảnh đưa lên báo thì mất hình ảnh của đại biểu”, bà Kim Ngân nói.
“Không có dân chủ thì lòng dân không yên”
Trả lời câu hỏi của VnExpress về vai trò của dân chủ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như đối với đất nước, người đứng đầu Quốc hội khẳng định bản chất chế độ là của dân, do dân và vì dân, theo đó phải tôn trọng dân chủ trong hoạt động nhà nước. Nếu đâu đó xảy ra mất dân chủ, dân chủ hình thức, thì đó là cái sai của của tổ chức, cá nhân cụ thể, không phải bản chất nhà nước.
“Vai trò dân chủ rất quan trọng. Ngay trong gia đình, nếu bố mẹ không tôn trọng con cái thì ra đời con cái không tôn trọng người khác. Quyền của trẻ em không phải ở chỗ được chăm sóc, bảo vệ mà còn là quyết phát triển, nói lên tiếng nói của mình. Một đất nước mà không có dân chủ thì lòng dân sẽ không yên, không có sự đồng thuận xã hội”, Chủ tịch Quốc hội khóa 14 nêu quan điểm.
Trước câu hỏi về Luật Biểu tình, Quốc hội vẫn đang “nợ” dân khi tiếp tục lùi lại, chưa đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Luật này sẽ không lùi vô thời hạn”.
Theo bà, khi nghiên cứu một đạo luật nào đó thì phải đảm bảo tính căn cơ, phù hợp với tình hình đất nước. Do đó, từ tình hình thực tiễn để vừa đảm bảo quyèn công dân, phù hợp với tình hình đất nước, vừa đảm bảo lợi ích của dân và lợi ích cả đất ước.
“Lợi ích phải hài hoà. Luật Biểu tình ra mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn. Vì thế, Quốc hội khoá 14 sẽ nghiêm túc xem xét về dự luật này sau khi Chính phủ đã rà soát và trình lên Quốc hội. Không phải dự luật này lùi vô thời hạn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời báo chí sáng 23/7. Ảnh: Giang Huy |
Bảo vệ hòa bình không phải hô hào, kích động
Trả lời câu hỏi về chủ quyền biển đảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh đây là vấn đề thiêng liêng với mỗi người dân.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam có nhiều biện pháp đấu tranh để đảm bảo chủ quyền lãnh thổ nhưng cũng đảm bảo môi trường hoà bình, ổn định cho người dân.
“Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền, không có đâu. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả, chỉ có nói, kích động các phần tử để làm rối tình hình”, bà Ngân nói.
Lãnh đạo Quốc hội khóa 14 cho biết Việt Nam tôn trọng luật pháp Quốc tế, hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Hiện Việt Nam đang chỉ đạo nghiên cứu các nội dung của phán quyết.
Ngày 22/7, với gần 98% phiếu tán thành, bà Nguyễn Thị Kim Ngân lần thứ hai được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân 62 tuổi, quê Bến Tre. Bà là ủy viên Trung ương khóa 9, 10, 11, 12; Bí thư Trung ương Đảng khoá 11; ủy viên Bộ Chính trị khóa 11, 12; đại biểu Quốc hội khóa 12, 13.
Theo vnexpress.net