Chiều 19/7, cuộc họp báo về chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá 14 nóng với vấn đề xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội.
Trả lời báo giới, ông Nguyễn Hạnh Phúc (Tổng thư ký Quốc hội) cho rằng sự việc của ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường là "đáng tiếc", vì vừa mới công bố kết quả bầu cử, Hội đồng bầu cử đã họp không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với 2 người này.
Ông Phúc cho hay, khá bất ngờ về trường hợp của bà Nguyệt Hường. Bà Hường là đại biểu Quốc hội tái cử, đã tham gia khoá 12 và 13 và là doanh nhân thành đạt. "Hồ sơ của bà Hường rất đẹp, nên việc cử tri lựa chọn bầu cho bà Hường cũng là đương nhiên, chưa kể họ còn dựa vào sự vận động của ứng cử viên để bầu", ông Phúc nói.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội: Tới giờ chưa phát hiện thêm sai phạm gì của bà Nguyệt Hường, trừ việc bà có thêm quốc tịch Malta, vi phạm Luật Quốc tịch Việt Nam. |
Khẳng định bà Nguyệt Hường đã vi phạm điều 4, Luật Quốc tịch Việt Nam vì có hai quốc tịch, ông Phúc nhấn mạnh: “Đã là công dân Việt Nam thì chỉ có một quốc tịch, còn kiều bào ở nước ngoài có thể có 2-3 quốc tịch. Nhưng khi vào lãnh thổ Việt Nam sử dụng hộ chiếu nào, kê khai quốc tịch nào thì sẽ được ứng xử theo quốc tịch đó. Nếu ai muốn đăng ký quốc tịch nước ngoài thì phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam".
Ngoài vi phạm nêu trên, đến nay Hội đồng bầu cử quốc gia chưa phát hiện thêm sai phạm nghiêm trọng nào khác của bà Nguyệt Hường.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh đã có kết luận rất rõ trước đó của Ủy ban Kiểm tra trung ương. Theo đó ông Thanh không đảm bảo tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội. Ngày 18/7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý kiến yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ sai phạm, xác minh trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan.
“Các đại biểu Quốc hội khi bước chân vào nghị trường phải xác định là đại biểu của dân, phải trung thực với chính mình, chứ không phải vào Quốc hội để tránh nọ, tránh kia. Ngay cả trong quá trình là đại biểu Quốc hội nếu có đơn thư tố cáo, hoặc bị cơ quan chức năng phát hiện sai phạm thì sẽ bị xem xét, xử lý”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm.
Tổng thư ký Quốc hội cho biết trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyệt Hường khi xem xét hồ sơ không có vấn đề gì, đến khi thông qua các kênh khác nhau mới phát hiện ra sai phạm và Hội đồng bầu cử quốc gia đã họp, bỏ phiếu kín không xác nhận tư cách đại biểu.
Trước đó thông báo về chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá 14, ông Lê Minh Thông, Phó tổng thư ký Quốc hội cho biết kỳ họp lần này sẽ khai mạc vào ngày 20/7 và bế mạc vào ngày 29/7.
Trong 8 ngày làm việc, Quốc hội sẽ dành 6 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước. Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch và các ủy viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban, Tổng thư ký Quốc hội; bầu Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.
Quốc hội cũng quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.
Các chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiếp tục thực hiện nghi lễ tuyên thệ khi nhậm chức. "Rút kinh nghiệm lần trước nghi lê tuyên thệ lần này sẽ được thực hiện trang trọng hơn. Khi tuyên thệ các đại biểu sẽ đứng nghiêm như chào cờ, không được quay phim, chụp ảnh, không tặng hoa sau khi tuyên thệ...", ông Phúc cho biết.
Hai ngày làm việc cuối cùng (ngày 28-29/7), Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước: Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014...
Hoài Thu - Võ Hải - vnexpress.net