Chúng tổ chức các đợt tố cộng và diệt cộng nhắm vào cán bộ và những người kháng chiến cũ hết sức ác độc, "thà giết lầm còn hơn bỏ sót". Tiếp tục đấu tranh chính trị đơn thuần không còn là giải pháp hữu hiệu. Có nơi cũng còn Đảng viên nhưng bên ta phải "điều lắng" đi một nơi rất xa vì đang bị truy lùng.
Hội nghị Trung ương lần thứ 15 mở rộng năm 1959 họp hai đợt tại Hà Nội vào mùa xuân và mùa hè, có tầm quan trọng đặc biệt đối với vận mệnh của dân tộc. Hội nghị tập trung thảo luận và tranh luận công khai, thẳng thắn, dân chủ, không hạn chế thời gian và cuối cùng ra nghị quyết về vấn đề trọng đại: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc và tổng kết hội nghị. Bác Hồ cũng trực tiếp chủ tọa hội nghị suốt hai đợt họp mùa xuân và mùa hè. Hội nghị nhất trí rất cao với nghị quyết dùng bạo lực cách mạng từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh vũ trang và dự kiến xu hướng phát triển từ khởi nghĩa của nhân dân có thể tiến lên đấu tranh vũ trang trường kỳ. Bác nhắc nhở hội nghị cần nhận rõ quan điểm xây dựng và phát triển miền Bắc làm cơ sở cho cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nghị quyết 15 đã đáp ứng khát vọng cháy bỏng của nhân dân miền Nam và không còn gì kìm hãm được cuộc nổi dậy mà mọi người đang hết sức mong đợi vì chỉ chậm một thời gian rất ngắn nữa thôi sẽ không còn gượng dậy nổi nữa, sẽ không còn Đảng viên. Sức mạnh của ta ở miền Nam chỉ còn trông cậy vào nhân dân nổi dậy mới không lỡ thời cơ. Nghị quyết 15 mới chỉ nghe truyền miệng, một số cuộc đấu tranh đã nổ ra ở Quảng Nam, Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, đấu tranh còn lẻ tẻ. Phải đến Đồng Khởi, dù không có vũ trang, không có tiếng nổ nhưng đã làm rung chuyển bộ máy ngụy quân, ngụy quyền. Lực lượng xung kích là phụ nữ, các mẹ, các chị vào trận chẳng có một tấc sắt trong tay, vũ khí sắc bén là lý lẽ, là tình cảm, là chính trị... Nhiều mẹ, nhiều chị có chồng, có con là ngụy binh cũng tham gia đội quân Đồng Khởi. Cuộc đấu tranh nào cũng có các đội em nhỏ, kể cả còn ẵm ngửa, không phải nhà không có người trông nom mà phải mang cả em bé theo để cùng chịu nắng chịu mưa với mẹ; sự có mặt của em là cần thiết, càng tăng thêm thế hợp pháp, càng dễ thâm nhập đồn bốt địch để tranh thủ, lôi cuốn binh sĩ. Cuộc Đồng Khởi từ Bến Tre, Tiền Giang và miền Trung Nam Bộ đã lan rất nhanh thành cao trào, làm tan rã hàng loạt bộ máy kìm kẹp của địch.
Ảnh. HOÀNG TRIỀU
MẶC DÙ MỸ ĐÃ ĐƯA QUÂN ĐẾN MIỀN NAM NƯỚC TA RẤT ĐÔNG: 70% lục quân, 60% lính thủy đánh bộ, 40% hải quân và 60% không quân; 6,5 triệu lượt thanh niên Mỹ trực tiếp tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam cùng với 22.000 xí nghiệp trên đất Mỹ trực tiếp phục vụ chiến tranh xâm lược Việt Nam nhưng từ cuối năm 1959 đến cuối năm 1960, ta đã giành quyền tự quản hàng nghìn ấp, thôn, bản. Các mẹ, các chị cùng một số cán bộ, Đảng viên còn lại đã chuyển bại thành thắng, dồn địch vào thế bị động. Đánh giá tầm vóc lịch sử của cuộc Đồng Khởi vĩ đại, đánh giá công lao ngút trời của các mẹ, các chị thuộc Đội quân tóc dài, sử sách đã ghi cụ thể, chính xác.
Từ cao trào Đồng Khởi, Đảng bộ miền Nam được khôi phục, đội quân đấu tranh chính trị, đặc biệt là Đội quân tóc dài của phụ nữ miền Nam ra đời. Lực lượng vũ trang ba thứ quân và hệ thống chỉ huy quân sự các cấp từng bước được hình thành. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam thành lập, các căn cứ địa cách mạng tại chỗ được khắc phục, mở rộng. Từ miền Bắc, đường vận tải chiến lược vào Nam, đường bộ 559, đường biển 759 hình thành và phát triển (trang 42, Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - Thắng lợi và bài học, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, 1995).
Chỉ riêng các căn cứ địa cách mạng, kể cả một số vùng vẫn được coi là hậu cần của quân đội được giải phóng, nhiều thôn xóm không còn bị địch chiếm, dân đã làm chủ, sức mạnh của miền Nam được nhân lên gấp bội khi người và hàng từ hậu phương lớn miền Bắc tiếp viện cho chiến trường miền Nam đã có đất để hoạt động. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ đã cung cấp những con số cụ thể về miền Bắc đưa quân, đưa hàng vào miền Nam: Từ năm 1961 đến 1963 qua đường 559 là 40.000 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 2.000 cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và nhân viên kỹ thuật cùng 165.000 khẩu súng các loại. Trong 2 năm từ tháng 2-1962 đến tháng 12-1964, qua đường 759, tuyến vận tải đường biển đã giao cho chiến trường miền Nam 4.920 tấn hàng, chủ yếu là vũ khí, đạn dược và trang bị kỹ thuật cho chiến trường xa, nhất là Nam Bộ.
Trong 16 năm, tính đến năm 1975, tuyến giao thông Trường Sơn đã vận chuyển 1,3 triệu tấn hàng cho miền Nam, trong đó 2 năm chuẩn bị cho Tổng Tiến công và Nổi dậy mùa Xuân 1975 đã giao cho chiến trường miền Nam 413.450 tấn hàng.
TỪ ĐẦU NĂM 1973, SAU KHI KÝ HIỆP ĐỊNH PARIS VỀ VIỆT NAM, thắng lợi quan trọng nhất của ta là quân Mỹ và quân các nước phụ thuộc Mỹ đã rút khỏi miền Nam Việt Nam, còn quân chủ lực ta vẫn ở nguyên tại chỗ, cán bộ, chiến sĩ ta ở miền Bắc vào Nam ngày càng nhiều, tạo nên tương quan lực lượng hoàn toàn có lợi cho ta. Cuối năm 1974, Tổng Bí thư Lê Duẩn cùng Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp hội nghị với lãnh đạo chủ chốt các chiến trường, thống nhất quyết tâm chiến lược và thông qua kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất, ngay trong năm 1975.
Thắng lợi của quân ta ở miền Đông Nam Bộ, nhất là giải phóng toàn tỉnh Phước Long cuối năm 1974 cho thấy rõ ràng khả năng thực tế của quân đội Sài Gòn không thể ngăn chặn được bước tiến của quân ta, còn quân Mỹ rất khó quay trở lại để cứu tập đoàn "Việt Nam Cộng hòa". Cuối tháng 3-1975, ta giải phóng Đà Nẵng và 5 tỉnh Bắc Trung Bộ. Căn cứ vào sức tiến công dồn dập trên chiến trường, Bộ Chính trị lại tiếp tục bổ sung quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất, vẫn là năm 1975 nhưng phải là trước mùa mưa, tức là trong tháng 4-1975, không thể chậm hơn. Ngày 26-4- 1975, bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định, buộc tổng thống chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng không điều kiện lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975.
Miền Nam nước ta đánh Mỹ có quân đông, vũ khí hiện đại, thừa thãi chẳng khác gì "châu chấu đá xe" nhưng "ai dè xe nghiêng"! Chỉ trong 55 ngày đêm, cả bộ máy "Việt Nam Cộng hòa" (không có quân Mỹ, song Mỹ vẫn thực sự nắm quyền), chính quyền và quân đội bị đập tan tành. Chế độ thực dân mới được đế quốc Mỹ dốc sức xây dựng qua 5 đời tổng thống hoàn toàn sụp đổ. Đồng bào cả nước đã đánh thắng cuộc chiến tranh thực dân mới quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt nhất từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
nld.vn