Báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương (BCĐ TW) về Phòng chống thiên tai cho biết, thiệt hại tính đến 7h ngày 24/7 cho biết, mưa lũ đã khiến 34 người chết và mất tích, 26 người bị thương.
|
Mưa lũ khiến nhiều nhà dân tại Yên Bái chìm trong bùn đất. |
Cụ thể, số người chết là 27 người, tăng 5 người so với báo cáo ngày 23/7, do đã tìm được thi thể của 5 người mất tích (Yên Bái: 13 người, Sơn La: 6 người, Lào Cai: 1 người, Phú Thọ: 3 người, Hòa Bình: 1 người, Thanh Hóa: 3 người).
Ngoài ra, hiện nay vẫn còn 7 người bị mất tích (Yên Bái: 4 người, Phú Thọ: 1 người, Thanh Hóa: 2 người) và 26 người bị thương.
Mưa lũ cũng khiến 243 nhà bị sập, hơn 12.000 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp.
Trong khi đó, gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi là hơn 120.000 con, diện tích thủy sản bị ảnh hưởng: 6.208 ha.
Tính đến 19h ngày 23/7, 42.606 ha lúa và hoa màu tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng bị ngập úng. Con số này tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và khu vực miền núi phía Bắc lần lượt là 33.660 ha và 4.787 ha.
Tăng thêm 6 sự cố đê điều, một số tuyến đường vẫn ách tắc
Tổng hợp từ các địa phương, hệ thống đê điều đã xảy ra 45 sự cố (tăng 6 sự cố so với báo cáo số 268/BC-QLĐĐ ngày 23/7 do phát sinh tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng yên và Ninh Bình), cụ thể như sau:
|
Người dân thôn Bùi Xá (Chương Mỹ, Hà Nội) sống trong cảnh nước ngập đường đi, nhà cửa. (Ảnh ghi nhận chiều 23/7/2018). |
Tại Hà Nội xuất hiện sự cố sạt mái đê và mất ổn định tường chắn đất tại dốc lên đê hạ lưu đê tả Hồng, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm.
Tại Ninh Bình xuất hiện 4 sự cố: Vỡ đê bao Hoa Tiên, đê bao sông Bôi đoạn qua xã Gia Hưng, với chiều dài 150m; thẩm lậu đê hữu Đáy tại K5+300 (nước rò trong); sụt lún bể xả, nền nhà máy trạm bơm Kiến Phong, xã Gia Tường và trạm bơm Lạc Sơn, xã Lạc Vân thuộc tuyến đê Đức Long; thẩm lậu mái đê với chiều dài 300m và rò mang cống thuộc tuyến đê bao Bốn Hốt, xã Lạc Vân.
Tại Hưng Yên xuất hiện 1 sự cố tại khu vực trạm bơm Liên Nghĩa, xuất hiện 2 vị trí rò nước tại chân mái đê hạ lưu và khu vực tiếp giáp bể xả của cống xả qua đê tại K83+842 đê tả Hồng.
Các tỉnh Phú Thọ, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa và Nghệ An không phát sinh sự cố mới về đê điều.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh, tính đến 16h ngày 23/7, còn một số điểm vẫn còn ách tắc như:
Tại Thanh Hóa, Quốc lộ QL217B bị ngập sâu 0,5m bị tắc đường cục bộ; Quốc lộ QL16 còn 09 điểm sạt lở gây tắc đường.
Tại Tỉnh Nghệ An: Quốc lộ QL48E vị trí Km92+850 bị ngập 0,3m; Quốc lộ QL15 vị trí Km239+600 bị ngập 0,4m; Quốc lộ QL16 còn 2 điểm sạt lở gây ách tắc giao thông. Hiện nay các vị trí đã thông xe một vệt.
Tại Tỉnh Yên Bái: Quốc lộ QL37 tại Km324+200 bị sạt lở đường gây ách tắc giao thông, dự kiến ngày 24/7 sẽ thông xe tạm thời.
Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ khác đã cơ bản thông xe.
Áp thấp nhiệt đới suy yếu thành Áp thấp
Hồi 7h ngày 24/7, vị trí tâm Áp thấp nhiệt đới ở khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 50km tính từ tâm Áp thấp nhiệt đới.
|
Áp thấp nhiệt đới suy yếu thành Áp thấp nhưng gây mưa diện rộng. |
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24h tới (gió mạnh cấp 6): khu vực Đông Bắc Vịnh Bắc Bộ (phía Đông kinh tuyến 108,5 độ Kinh Đông; phía Bắc vĩ tuyến 20,0 độ Vĩ Bắc).
Dự báo trong 24h tới, Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu dần thành một vùng Áp thấp. Đến 7h ngày 25/7, vị trí trung tâm vùng Áp thấp ở khoảng 23,0 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Trung. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ), giật cấp 7.
Do ảnh hưởng của Áp thấp nhiệt đới ở phía Đông Bắc Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 và có mưa dông mạnh; biển động.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên ngày và đêm nay (24/7), ở khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-3m; biển động.
Do ảnh hưởng của vùng Áp thấp suy yếu từ Áp thấp nhiệt đới, từ chiều và đêm nay (24/7) ở khu vực Đông Bắc Bắc Bộ (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang) sẽ có mưa vừa-mưa to kèm gió giật mạnh.
Từ ngày 25-26/7 mưa lớn sẽ mở rộng ra toàn bộ khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ, trọng tâm mưa to đến rất to trong ngày 25-26/7 tập trung ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu (50-150mm/ngày).
(Video hướng đi của Áp thấp - tham khảo Windy)
Thời tiết khu vực Hà Nội: từ đêm nay (24/7) có mưa, mưa rào; từ ngày 27/7 có mưa vừa-mưa to và dông.
Cảnh báo: Từ ngày 27/7, mưa lớn ở vùng núi và trung du Bắc Bộ có xu hướng mở rộng xuống các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa và có khả năng kéo dài đến đầu tháng 8./.
vov.vn