PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong. Trong đó gần 70.000 trường hợp phải nhập viện điều trị.
So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng 33,5%, số tử vong tăng 5 trường hợp.
Riêng Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã có gần 14.000 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, chỉ đứng sau TP. HCM (16.500 ca).
Bộ trưởng Y tế yêu cầu Hà Nội phải khẩn trương mượn thêm máy phun muỗi công suất lớn để nhanh chóng kiểm soát dịch sốt xuất huyết |
Ca thứ 7 tử vong vì sốt xuất huyết tại Hà Nội là bệnh nhân nữ 56 tuổi, ngụ tại quận Thanh Xuân.
Sau 5 ngày điều trị tại BV Bưu điện, bệnh nhân được chuyển sang BV Bệnh nhiệt đới TƯ với thể trạng rất kém, có dấu hiệu ngừng tim, không đo được huyết áp, không đáp ứng được thuốc vận mạch. Bệnh nhân cũng bị suy đa tạng, chảy máu nhiều.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên nền bệnh bazedow bướu cổ. Dù được điều trị tích cực song bệnh nhân đã tử vong đêm qua.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, các năm trước, Hà Nội chỉ ghi nhận 2 type virus D1, D2 nhưng năm nay xuất hiện thêm cả D3, D4.
Ông lo lắng, với tình hình thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay, trong những tuần tới, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ còn tiếp tục tăng mạnh, nhất là khi sinh viên các trường quay trở lại học.
Quyết liệt thế sao bệnh nhân vẫn tăng?
Trước tình hình căng thẳng sốt xuất huyết tại Thủ đô, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến truy gắt: “Tại sao Hà Nội làm quyết liệt là thế, chiến dịch, xử phạt, phun, tiền đủ cả mà số mắc mới vẫn tăng, số nhập viện vẫn tăng?”.
Bộ trưởng cũng đặt câu hỏi với các BV, tại sao số nhập viện chỉ có 10-15% mà chỗ nào cũng quá tải, phải nằm cả hành lang, hội trường?
Theo Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TƯ Nguyễn Văn Kính, có nhiều bệnh nhân đi khám 3-4 lần, nên số lượt khám lớn, còn 10% là số bệnh nhân thực tế.
“Hiện 2 cơ sở của chúng tôi chỉ có 280 biên chế, quá thiếu nhân lực. Giờ mới chỉ có y tế làm nhiều, nhưng cộng đồng thờ ơ, chưa tham gia vào”, ông Kính phân tích.
Bộ trưởng cũng cho rằng, Hà Nội làm quyết liệt từ trên xuống dưới nhưng quyết liệt chưa mang lại hiệu quả.
“Cái quan trọng phải tuyên truyền tránh muỗi đốt, phải mặc quần dài, bôi thuốc chống muỗi, dùng bình xịt muỗi và phải diệt lăng quăng. Nếu bị bệnh rồi chỉ nhập viện khi cần thiết vì đa số tự khỏi. Phải uống nhiều nước oresol. Tại sao không phát oresol cho bệnh nhân?”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Kim Tiến cũng đề nghị Hà Nội phải huy động thêm máy phun công suất lớn từ các tỉnh. Bà gợi ý có thể mượn máy phun từ Hoà Bình, Sơn La, Yên Bái.
“Trước mắt phải phun hạ họa trong nhà, tập trung trong trường học, bệnh viện, công trình xây dựng. Thứ hai dùng máy phun công suất lớn phun ngoài đường. Hà Nội mới có 2 xe thì như muối bỏ bể. Tôi đề nghị phải có 20 xe. Tôi sẽ đi kiểm tra xem có đủ xe, đủ máy không và phải phun có kĩ thuật”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Sau cuộc họp, Bộ trưởng đã yêu cầu lãnh đạo các cục, vụ và lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội ngồi lại để phân công mượn xe, thuê xe phun thuốc chống dịch.
vietnamnet.vn