Ngày 23/10, theo hương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận, cho ý kiến lần cuối vào dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 17 chương, 220 điều, trong đó có một số nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý như: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; Tuổi nghỉ hưu; Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; Thời giờ làm việc bình thường; Giải quyết tranh chấp lao động; Đình công…
Vào cuối buổi chiều cùng ngày, Bộ Trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã giải trình một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo đó, Bộ Trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc sửa Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế có liên quan.
Vừa qua Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã có bản bình luận dài 120 trang về bản dự thảo Luật. Theo đó, ILO đã nhận định, Bộ luật Lao động (sửa đổi) của Việt Nam đã phù hợp cơ bản với các nội dung, nhất là các nguyên tắc cơ bản của ILO.
Về phạm vi đối tượng điều chỉnh, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Bộ luật đã mở rộng đến cả đối tượng người lao động có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động, khu vực chính thức và phi chính thức…
Bộ Trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã giải trình một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn
Liên quan đến nội dung về tuổi nghỉ hưu, Báo cáo tiếp thu và giải trình chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ phương án và lập luận về nhóm người lao động nghỉ hưu sớm, nhất là lao động nặng nhọc, độc hại. Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, xác định 1.810 ngành nghề, lĩnh vực, công việc nặng nhọc độc hại. Theo đó, với điều kiện như thế, thì những đối tượng này sẽ thuộc nhóm nghỉ hưu hưu sớm, thậm chí có thể nghỉ sớm tới 10 năm.
Về thời gian làm việc bình thường, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, giảm giờ làm bình thường là vấn đề lớn có tác động đến tất cả các chủ thể liên quan như đối với người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, nhà nước. Đặc biệt, do có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách nên cần được nghiên cứu, đánh giá và lượng hóa rất cụ thể. Luật hiện hành quy định thời gian làm việc bình thường là 48 giờ/tuần, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động thực hiện 40 giờ/tuần.
Qua đánh giá cho thấy: 89,6% doanh nghiệp áp dụng 48 giờ làm việc/tuần; 3,6% thực hiện 44 giờ/tuần; 6,8% thực hiện 40 giờ/tuần. Hiện nay 10 nước ASEAN thì có 8 nước bố trí thời gian làm việc 48 giờ/tuần, hai quốc gia bố trí thời gian làm việc bình thường thấp hơn là Singapore và Indonesia. Nước càng giàu thời gian lao động càng ít, nước càng nghèo thì thời gian lao động càng tăng lên. Riêng đối với Indonesia, có dân số 270 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp 6%, họ giảm giờ làm việc để chia sẻ công việc làm với nhiều người hơn, tránh tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Luật hiện hành quy định thời gian làm việc bình thường là 48 giờ/tuần, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động thực hiện 40 giờ/tuần.
Ở góc độ kinh tế, nếu giảm từ 48 giờ làm việc bình thường/tuần xuống 44 giờ/tuần, đánh giá sơ bộ cho thấy, tổng thời gian làm việc bình thường giảm đi là 208 giờ, trong khi đó Chính phủ đang đề xuất tăng giờ làm thêm; tổng chi phí lao động tăng lên 17%, tổng giá trị xuất khẩu giảm 20 tỷ USD/năm và quan trọng hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đi 0,5%.
Việt Nam đang là quốc gia nỗ lực rất lớn không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp, các chuyên gia cho rằng, nếu muốn không rơi vào bẫy này, thì phải phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%. Nhấn mạnh vì là vấn đề hệ trọng của quốc gia phải đánh giá kỹ lưỡng, vì vậy Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng đến thời điểm thích hợp sẽ giảm giờ làm việc bình thường.
Bộ Trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ngày 23/10 để báo cáo Quốc hội xem xét quyết định.
vtv.vn