Người Việt Odessa
Tin thế giới

Nhật - Ấn sẽ thiết lập mạng lưới siết chặt vòng vây với Triều Tiên?

Thứ ba, 19/09/2017 | 05:07
Sáng 13/9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên đường thăm chính thức Ấn Độ, dự kiến sẽ hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Modi vào ngày 14/9.

Trong nhiệm kỳ của mình từ năm 2012, đây là cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 4 giữa Thủ tướng Abe và người đồng cấp Ấn Độ Modi. Chuyến thăm được xem là cụ thể hóa những thỏa thuận giữa hai nước gần đây.

 

Nhật - Ấn sẽ thiết lập mạng lưới siết chặt vòng vây với Triều Tiên?
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Modi. Ảnh: AP

 

Thủ tướng Abe trước lúc lên máy bay sang Ấn Độ cũng đã khẳng định với báo chí rằng chuyến thăm lần này sẽ tập trung vào vấn đề hợp tác Nhật-Ấn trong vấn đề Triều Tiên, vấn đề hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng của Ấn Độ, tham gia lễ khởi công Dự án đường sắt cao tốc được xây dựng bằng nguồn vốn của Nhật Bản. Và một vấn đề nữa là hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cũng sẽ được hai bên thảo luận.

Riêng về vấn đề Triều Tiên có thể nói là một nội dung chính quan trọng trong chuyến thăm Ấn Độ lần này của Thủ tướng Abe. Ông Abe cho biết sẽ trao đổi ý kiến thẳng thắn với Thủ tướng Ấn Độ Modi về vấn đề Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật Bản xác nhận mối quan hệ mật thiết giữa hai nước, thống nhất quan điểm hai nước sẽ cùng với cộng đồng quốc tế thúc ép Triều Tiên phải thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, hướng tới ép Triều Tiên phải thay đổi chính sách trong kế hoạch phát triển hạt nhân.

Riêng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Nhật Bản mong muốn sẽ cấu trúc nên một quan hệ hợp tác vì nhân dân, trong đó sẽ sử dụng công nghệ Nhật Bản kết hợp với nguồn nhân lực Ấn độ góp phần vào phát triển Ấn Độ với hình thái hợp tác cùng thắng.

Một điều nữa là thông qua lễ khởi công đường sắt cao tốc tại Ấn Độ, Thủ tướng Abe hy vọng rằng, tàu cao tốc shinkansen đã đánh dấu sự phát triển cao độ của Nhật Bản, do vậy dự án đường sắt cao tốc Ấn độ sẽ thúc đẩy kinh tế Ấn độ phát triển.

Tạo “mạng lưới bao vây” Triều Tiên

Phải chăng, Thủ tướng Abe muốn thông qua Ấn Độ sẽ tạo ra một mạng lưới bao vây đối với Triều Tiên cả ở phương diện kinh tế, chính trị và quân sự?

Ở châu Á, Trung Quốc tuy có phản đối Triều Tiên phát triển hạt nhân, song hành động cụ thể thì chưa thấy rõ ràng bởi những yếu tố lợi ích kinh tế. Chính vì vậy, Ấn Độ là một đối tác lớn của Nhật Bản với ưu thế dân số đông gần như tương đương với Trung Quốc. 

Tiếng nói của Ấn Độ rất có trọng lượng. Vì vậy, cùng với những chính sách, hành động cụ thể trong vấn đề Triều Tiên, Nhật Bản đã nhận được sự ủng hộ không những chỉ từ nước đồng minh thân cận Mỹ mà còn từ nhiều quốc gia khác.

Ngay cả những nước nhỏ như Campuchia cũng đã khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản trong vấn đề Triều Tiên, coi hành động của Triều Tiên là không thể chấp nhận được.

Tại Ấn Độ, Ông Abe cũng sẽ thống nhất việc hai bên tăng cường diễn tập chung tại những khu vực nhạy cảm mà hạt nhân của Triều Tiên có thể đe dọa. Mặt khác, hai Thủ tướng chứng kiến lễ khởi công đường sắt cao tốc tại Ấn Độ.

Không chỉ dừng ở đó, Nhật Bản dự kiến sẽ cam kết cung cấp nguồn vốn vay mới ưu đãi cho các dự án phát triển hạ tầng của Ấn Độ, thúc đẩy các công ty hai nước hợp tác. Điều này khiến Ấn Độ sẽ cảm thấy “thỏa mãn” khi hợp tác với Nhật Bản và sẵn sàng hợp tác với Nhật Bản.

Kết nối nền kinh tế Ấn-Nhật

Ấn Độ và Nhật Bản gần đây thúc đẩy dự án “Hành lang tăng trưởng Á-Phi”. Có ý kiến cho rằng dự án này nhằm mục đích đối trọng với ý tưởng “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc. Dự án này có ý nghĩa chiến lược trong việc kết nối 2 nền kinh tế Ấn – Nhật cũng như những ảnh hưởng lớn hơn ở khu vực.

“Hành lang tăng trưởng Á-Phi”, thực chất là việc khám phá lại những tuyến đường biển cổ đại, hình thành tuyến đường biển mới, tạo ra tam giác phát triển kinh tế khu vực. Nhiều năm nay cả Ấn Độ và Nhật Bản cũng đã tập trung đầu tư vào khu vực Châu Phi.

Dĩ nhiên Trung Quốc trước đó cũng đã chú trọng đến việc tập trung khai thác khu vực Châu Phi. Chính vì vậy, “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xướng cũng không nằm ngoài mục đích tạo ra thế “độc quyền” trong tam giác kinh tế này. 

Mặt khác, cả Nhật Bản và Ấn Độ đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Tokyo và New Delhi đều lo ngại về những hành động quyết đoán liên quan tới vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Bắc Kinh trong thời gian gần đây.

Vì vậy, mặc dù vẫn coi quan hệ đồng minh an ninh Nhật-Mỹ là trụ cột trong chính sách đối ngoại, nhưng Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn mong muốn đa dạng hóa quan hệ đối tác chiến lược để đối phó với sự nổi lên của Trung Quốc.

 Song song với việc tăng cường quan hệ với Việt Nam, Indonesia và Australia, đồng thời cải thiện quan hệ với Nga, trong thời gian gần đây, chính quyền Abe đã tích cực thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ.

Về phần mình, New Delhi cũng đang thực hiện chính sách hướng Đông nhằm tăng cường quan hệ với các nước châu Á khác, nhất là các nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, trong đó có Nhật Bản, để làm đối trọng với Bắc Kinh.

Tăng cường hợp tác quân sự

Ngoài hợp tác kinh tế, Ấn Độ và Nhật Bản cũng tăng cường hợp tác an ninh, quân sự.

Đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản đã xuất khẩu máy bay US-2 có thể đậu trên cạn và dưới nước cho Ấn Độ để sử dụng trong các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ. Ngoài ra, hai nước cũng đã ký Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự.

Trong chuyến thăm Ấn Độ lần này, hai bên sẽ cân nhắc nội dung đào tạo tác chiến chống tàu ngầm (ASW), duy trì trao đổi và chương trình huấn luyện của những đơn vị không quân chống ngầm như P-3C, diễn tập quân sự…

Với những việc làm cụ thể và dự án tương lai chắc chắn sẽ được thực hiện trong lĩnh vực quốc phòng, hai bên trước tiên là với mục đích bảo vệ an toàn an ninh quốc gia, đối phó với những hiểm họa từ bên ngoài khó lường, và làm đối trọng với Trung Quốc trong 1 số vấn đề quốc tế và lợi ích kinh tế trên khu vực và thế giới./.

Bùi Hùng/VOV


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN