Người Việt Odessa
Tin thế giới

Ngày Lương thực thế giới 2017: An ninh lương thực, nông thôn và di cư

Thứ hai, 16/10/2017 | 15:10
Ngày 16/10 được LHQ chọn là Ngày Lương thực thế giới nhằm mục đích nâng cao nhận thức của mọi người về cuộc chiến chống đói nghèo trên toàn cầu.

Chủ đề ngày Lương thực thế giới năm nay là “Đầu tư cho an ninh lương thực và phát triển nông thôn để thay đổi xu hướng di cư trong tương lai”.

Ngày Lương thực thế giới 2017: An ninh lương thực, nông thôn và di cư
An ninh lương thực vẫn là một vấn đề lớn của nhân loại hiện nay. Ảnh: The Chrnonicle.

 

Theo số liệu của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), bình quân giai đoạn 2008- 2018 mỗi năm có khoảng 26,4 triệu người phải dời bỏ chỗ ở của mình do biến đổi khí hậu và thiên tai. Đói nghèo cũng là nguyên nhân quan trọng góp phần tạo ra nhiều thách thức cho các nước trong vấn đề di cư. 
Hưởng ứng Ngày Lương thực thế giới năm nay, Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, cùng với giáo hoàng Francis và Các bộ trưởng Nông nghiệp nhóm G7 cùng tham gia vào một buổi kỷ niệm ngày đặc biệt này tại trụ sở của FAO.

Đây là lần đầu tiên giáo hoàng tham dự sự kiện nhân Ngày Lương thực thế giới, kêu gọi cộng đồng quốc tế thay đổi xu hướng di cư trong tương lai. Sự góp mặt của các bộ trưởng Nông nghiệp nhóm G7 lần này cũng là minh chứng cho mối liên kết quan trọng giữa an ninh lương thực, phát triển nông thôn và di cư trong các chương trình nghị sự chính trị. 

Nhiều người dân trên thế giới đang buộc phải rời bỏ quê hương, nhà cửa vì xung đột và bất ổn chính trị leo thang. Đói nghèo và sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu cũng là một trong những yếu tố chính góp phần dẫn tới những thách thức về di cư.

Nhân Ngày Lương thực thế giới năm nay, chia sẻ những lý do phải rời bỏ nhà cửa, một số người di cư cho biết: “Mọi thứ đều khó khăn vì đói nghèo. Đó là lúc bạn nghĩ tới việc di cư để cải thiện cuộc sống của mình. Nhưng bạn sẽ không thể không buồn vì phải xa gia đình, xa ngôi nhà nơi bạn đã từng rất gắn bó.”

“5 năm qua, biến đổi khí hậu tác động lớn tới chúng tôi. Lượng mưa không ổn định. Vụ mùa thất thu vì mưa đá và sương muối. Chúng tôi không có đủ lương thực để ăn.” 

“Chúng tôi rời làng vì xung đột. Hiện chúng tôi đang rất khó khăn để gây dựng lại một cuộc sống ổn định.”

Ba phần tư số người trong diện nghèo đói cùng cực trên thế giới đang sống dựa vào nông nghiệp. Chính vì vậy việc tạo điều kiện cho phép những người dân ở các vùng nông thôn, đặc biệt là thanh niên để có được sinh kế bền vững hơn là một trong những yếu tố quan trọng trong bất kỳ kế hoạch nào nhằm giải quyết vấn đề di cư. 

Phát triển nông thôn cũng có thể giúp giải quyết vấn nạn di cư bằng cách tạo ra những cơ hội kinh doanh và việc làm không chỉ phụ thuộc vào trồng trọt. Điều này cũng góp phần tăng cường an ninh lương thực, tạo kế sinh nhai bền vững, giảm xung đột liên quan tới tài nguyên thiên nhiên cũng như đóng góp cho các giải pháp giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường hay tình trạng biến đổi khí hậu. Bằng việc đầu tư vào phát triển nông thôn, cộng đồng quốc tế cũng có thể khai thác tiềm năng của di cư trong việc hỗ trợ phát triển và xây dựng khả năng phục hồi của các cộng đồng dân cư sở tại, từ đó tạo nền tảng phục hồi lâu dài và tăng trưởng bền vững. 

Hiện Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc đang tích cực làm việc với các chính phủ, các tổ chức của Liên Hợp Quốc, các khu vực tư nhân, xã hội dân sự và các cộng đồng địa phương nhằm tạo ra các mô hình di cư hiệu quả, xây dựng năng lực của mỗi quốc gia trong giải quyết vấn đề di cư thông qua các chính sách phát triển nông thôn. Tổ chức này cũng đang hỗ trợ các chính phủ và các đối tác khám phá tiềm năng phát triển từ cộng đồng di cư, đặc biệt là về an ninh lương thực và giảm nghèo.

Di cư là một phần của quá trình phát triển khi các nền kinh tế chuyển đổi cơ cấu và mọi người tích cực tìm kiếm các cơ hội việc làm tốt hơn ở nhiều quốc gia. Thách thức đặt ra là giải quyết vấn đề di cư một cách an toàn, thường xuyên và có trật tự. Bằng cách này, di cư có thể góp phần vào tăng trưởng kinh tế và cải thiện an ninh lương thực cũng như đem lại sinh kế cho các khu vực nông thôn, từ đó có thể thúc đẩy sự tiến bộ của các nước trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững./.

Phương Anh/VOV


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN