Người Việt Odessa
Tin thế giới

Khủng hoảng vùng Vịnh: Qatar có chịu thua cuộc chiến không cân sức?

Thứ sáu, 18/08/2017 | 09:09
Qatar đã cho thấy một sự kháng cự tuyệt vời trước "đòn" vây hãm từ các nước Ả Rập hàng xóm. Dù là một quốc gia giàu có, song nguồn tiền của Doha không phải là vô hạn.

Truyền thông hôm 17/8 đưa tin, Quốc vương Saudi Arabia ra lệnh mở lại biên giới với Qatar cho các tín đồ Hồi giáo thực hiện cuộc hành hương hàng năm đến thánh địa Mecca.

Quyết định này đại diện cho bước giảm căng thẳng đầu tiên kể từ lúc cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh bắt đầu với việc Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar hồi tháng 6.

Khủng hoảng vùng Vịnh: Qatar có chịu thua cuộc chiến không cân sức?

Qatar đã chi rất nhiều tiền trong suốt gần 3 tháng bị vây hãm. 

Thông báo mở cửa biên giới được đưa ra sau khi Thái tử Mohammad Bin Salman tiếp đón sứ giả đến từ Doha, theo tuyên bố từ hãng thông tấn Saudi Arabia.

Cuộc đối đầu giữa bộ tứ vùng Vịnh và Qatar được dự đoán là có thể kéo dài khi Saudi Arabia cùng các nước khác tỏ ra rất nghiêm túc với quyết định của mình. 

Cuối cùng, các nước đã làm dịu đi áp lực chỉ sau chín tuần. Cuộc chiến tốn nhiều giấy mực báo chí thời gian qua có thể đã ngã ngũ và phân định kẻ thua người thắng.

Nhà giàu Qatar có hết tiền?

Ở thời điểm hiện tại, quan hệ ngoại giao giữa các nước trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh vẫn bị cắt đứt và đại sứ quán của các bên tiếp tục tình trạng không có người.

Qatar không thể sử dụng các tuyến đường biên giới trên đất liền, cũng như không phận với Saudi Arabia, UAE hay vùng biển của Bahrain.

Theo các nhà phân tích, khó khăn chủ yếu của Doha trong cuộc chiến không cân sức này là việc Qatar không có giải pháp trả đũa bộ tứ.

Nguồn tài chính của Qatar hiện đang tập trung bù đắp những tổn thất về đời sống kinh tế xã hội, sau khi bị các quốc gia nói trên cô lập.

Với quy mô nền kinh tế tương đối nhỏ, Chính phủ Doha dường như có đủ khả năng để vượt qua bất kỳ sự thiếu hụt hàng hóa nào với lựa chọn thay thế đến từ các quốc gia khác.

Qatar hoàn toàn có thể duy trì lập trường cứng rắn do các khoản lợi nhuận khổng lồ từ dầu và khí đốt vẫn đổ về. Ngoài ra, nguồn tiền từ các quỹ tài trợ hoạt động quân sự và chính trị trong khu vực của nước này vẫn dồi dào.

Nhưng về cơ bản, cuộc khủng hoảng sẽ ảnh hưởng nhiều đến công tác xây dựng cơ sở vật chất cho World Cup 2022. Ngoài ra, nguồn lao động nước ngoài thiếu hụt cũng trở thành vấn đề không nhỏ đối với việc duy trì nền kinh tế.

Khủng hoảng vùng Vịnh: Qatar có chịu thua cuộc chiến không cân sức?

Cuộc khủng hoảng ở Qatar khiến nguồn nhân công nước ngoài sụt giảm.

Qatar có kế hoạch ứng phó trước sự cô lập với vai vế của một “kẻ nhà giàu đầy quyền lực”. Tuy nhiên, có vẻ như quốc gia này đang thực hiện những bước đi tốn kém, không mang lại hiệu quả cao, Abdulrahman Al-Rashed, bình luận viên kỳ cựu của tờ Asharq Al-Awsat nêu quan điểm.

Doha đã liên lạc với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) để yêu cầu tổ chức này kêu gọi các nước tẩy chay phải cho phép sử dụng không phận. Nhưng ICAO nhiều lần nói với Qatar, họ sẽ không liên can đến những tranh chấp chính trị và không thể ép buộc một quốc gia mở cửa không phận, trừ khi có trường hợp khẩn cấp. Các tổ chức quốc tế khác cũng chuyển tải thông điệp tương tự tới Doha.

Vì vậy, để chứng minh cho lập trường cứng rắn của mình, hãng hàng không quốc gia Qatar Airways vận chuyển hành khách qua các tuyến đường khác với chi phí cao hơn.

Qatar cũng chi nhiều tiền vận động hành lang để có được sự ủng hộ từ Chính phủ nước ngoài nhằm gây sức ép lên nhóm bộ tứ buộc phải khôi phục lại quan hệ.

Các cường quốc như Mỹ, Đức, Pháp, Anh và Italia đã cố gắng làm trung gian song rốt cuộc vẫn không thể giúp Doha trong việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Khủng hoảng vùng Vịnh: Qatar có chịu thua cuộc chiến không cân sức?

Qatar chi đến 222 triệu Euro để mua ngôi sao bóng đá Neymar. Một chiêu bài truyền thông để chứng tỏ Doha vẫn rất mạnh mẽ trước sự cô lập.

Đường đến bàn đàm phán

Việc tẩy chay đã phần nào khiến Qatar suy kiệt, mất tầm ảnh hưởng ở một số điểm nóng như Syria, Libya và Iraq.

Bộ tứ vùng Vịnh đang nhìn thấy một Qatar cố gắng thoát khỏi sự vây hãm bằng tất cả khả năng mình có, bao gồm sức mạnh đến từ truyền thông, vũ khí tài chính.

Chiến lược đàm phán của Doha là buộc bộ tứ vùng Vịnh lùi bước, nhưng cuối cùng với “thân cô thế cô”, thì nguồn tiền dù có dồi dào cũng sẽ cạn. Có thể sẽ đến lúc quốc gia nhỏ bé này không đủ lực để chống đỡ trước sức ép đến từ những người hàng xóm.

Qatar muốn đàm phán hóa giải căng thẳng vô điều kiện, nhưng các nước vùng Vịnh sẽ không chấp nhận điều này. Lý do đơn giản là Saudi Arabia cùng đồng minh đang nằm ở thế cửa trên.

Sau khi trả một cái giá đắt để cố gắng thuyết phục các cường quốc khác hỗ trợ mình, cũng như tăng cường cuộc chiến trên mặt trận truyền thông, rất có thể khi sức cùng lực kiệt, Qatar được cho là sẽ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán và chấp nhận điều kiện từ bộ tứ vùng Vịnh.

nguoiduatin.com.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN