Người Việt Odessa
Tin thế giới

Iran dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, thế giới thêm một phen chao đảo

Thứ sáu, 18/08/2017 | 09:06
Trong khi căng thẳng tại Triều Tiên vừa có dấu hiệu hạ nhiệt, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố hoãn kế hoạch tấn công đảo Guam thuộc lãnh thổ Mỹ, Iran lại lên tiếng dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký với các cường quốc khác vào năm 2015.

Iran: Mỹ không đáng tin tưởng

Giữa tuần này, hãng tin CNN dẫn lời Tổng thống tái đắc cử Iran Hassan Rouhani tuyên bố: “Iran có thể rút khỏi thỏa thuận hạt nhân chỉ trong vài giờ, nếu Mỹ áp đặt thêm lệnh trừng phạt. Iran đã và sẽ tiếp tục thực hiện thỏa thuận đã ký kết. Tuy nhiên, nếu các bên tham gia vi phạm thỏa thuận, họ sẽ phải đối mặt với những phản ứng thích đáng”.

Iran dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, thế giới thêm một phen chao đảo

Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

 

Cũng theo ông Rouhani, việc Tổng thống Mỹ không tuân thủ những cam kết đã đặt ra trong thỏa thuận hạt nhân, rút ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các hiệp định thương mại quốc tế cho thấy Mỹ là một đồng minh không đáng tin tưởng, không chỉ với Iran mà còn với những đồng minh của Washington.

Nhà lãnh đạo Iran khẳng định, Terhan vẫn muốn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Theo ông, việc đạt được thỏa thuận này vào năm 2015 với Nga, Mỹ, Trung Quốc cùng 3 cường quốc châu Âu khác là “chiến thắng kiểu mẫu” của hòa bình và ngoại giao trước chủ nghĩa đơn phương và chiến tranh. Thỏa thuận này đã giúp gỡ bỏ phần lớn những lệnh trừng phạt, cấm vận quốc tế đối với Iran.

Trong thời gian qua, Iran đã phóng thử một số tên lửa. Mỹ cho rằng, đó là hành động vi phạm thỏa thuận của Iran, trong khi Tehran bác bỏ vì những tên lửa này không được thiết kế mang theo đầu đạn hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua lệnh trừng phạt mới đối với các tổ chức, cá nhân liên quan tới Iran, Nga và Triều Tiên. Để phản ứng với quyết định từ phía Washington, Quốc hội Iran vào ngày 13/8 đã thông qua gói tài trợ cho chương trình tên lửa và những hoạt động của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran ở nước ngoài với giá trị hơn 500 triệu USD.

Tehran tuyên bố, kế hoạch trên nhằm “chống lại các biện pháp “khủng bố” của Mỹ ở khu vực. Ngoài ra, ông Rouhani cũng đã hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tuần và cam kết xây dựng những nỗ lực quân sự chung của hai quốc gia tại khu vực. “Tehran hoan nghênh sự hiện diện tích cực của các nhà đầu tư Nga trong những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm các lĩnh vực năng lượng và công nghiệp”, văn phòng Tổng thống Iran tuyên bố.

Khả năng rút khỏi thỏa thuận

Ông Vladimir Fitin, người đứng đầu trung tâm Trung Đông tại viện Nghiên cứu chiến lược Nga (RISS) nhận định: Dù đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ, nhưng khả năng Iran rút khỏi thỏa thuận hạt nhân là rất thấp, bởi điều đó không phản ánh lợi ích của cả Tehran và những bên liên quan, trừ Mỹ.

Iran dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, thế giới thêm một phen chao đảo

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Rouhani.

 

“Tôi tin rằng đây chỉ là một cuộc đẩy đưa các tuyên bố mang tính dằn mặt đối với một khu vực nhất định, hoặc với chính quyền mới của Mỹ. Có thể nói,  dưới thời chính quyền Donald Trump, người Mỹ coi Iran là đối thủ chính và họ đang cố biến những điều đó thành sự thật”, ông Fitin nói.

Về phản ứng của Iran, ông Fitin quan tâm tới quyết định chi hơn 500 triệu USD cho chương trình tên lửa và xây dựng lực lượng quân sự. “Rút khỏi thỏa thuận hạt nhân là điều khó xảy ra hiện tại, bởi tất cả các bên liên quan tới thỏa thuận sẽ kịch liệt phản đối việc chấm dứt đó. Châu Âu và các quốc gia khác đang nỗ lực xây dựng và cải thiện mối quan hệ kinh tế với Iran”, chuyên gia lưu ý. 

Theo ông, Trung Quốc, Nga và các nước châu Âu sẽ là những quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất nếu Iran rút khỏi thỏa thuận này.

“Những doanh nghiệp Mỹ đang thể hiện những mối quan tâm của mình (với thị trường Iran). Đặc biệt, Mỹ muốn bán máy bay Boeing cho Iran, vì thế tôi tin rằng các bên sẽ không bao giờ tìm cách gây căng thẳng trong lúc này”, chuyên gia nhận xét.

Nếu Washington tiếp tục áp đặt biện pháp cấm vận mới với các tổ hợp công nghiệp-quốc phòng của Iran thì sẽ còn gây ra những mâu thuẫn lớn hơn, ông Fitin lưu ý. “Iran đã tự thích nghi với những lệnh trừng phạt được áp đặt từ năm 1979, vì vậy họ sẽ rất khó khăn để chấp nhận thêm những sự thay đổi mới, ngay cả khi thỏa thuận bị chối bỏ. Tất nhiên, điều đó không phù hợp với lợi ích của cả Iran lẫn các bên liên quan khác”, ông Fitin nói.

Bàn về khả năng nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức) sẽ nhóm họp để giải quyết trường hợp của Iran, ông Fitin lưu ý, cho tới nay vẫn chưa có ai đưa ra sáng kiến đó.   

Mỹ lên án Iran

Mỹ tuyên bố, chính Iran mới là nhân tố châm ngòi cho những khủng hoảng tại khu vực Trung Đông hiện tại, đồng thời cáo buộc Tehran tài trợ cho những nhóm khủng bố cực đoan, phiến quân và hậu thuẫn cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nhấn mạnh, Iran không được dùng thỏa thuận hạt nhân để “biến thế giới thành con tin” trong bất kỳ tình huống nào.


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN