Người Việt Odessa
Tin thế giới

Hàn-Triều nối lại đàm phán: Hy vọng thực sự lớn đến đâu?

Thứ sáu, 05/01/2018 | 12:21
Theo giới phân tích, dù khó có khả năng có đột phá lớn, song rõ ràng, việc Triều Tiên và Hàn Quốc có thể nối lại đối thoại đã là diễn biến tích cực.

Triều Tiên hôm nay (5/1) chấp nhận lời đề xuất đối thoại của Hàn Quốc vào ngày 9/1 tới, trong khi Mỹ quyết định hoãn tập trận với Hàn Quốc sau Thế vận hội mùa Đông PyeongChang. Có thể nói, chưa bao giờ bầu không khí trên bán đảo Triều Tiên lại “ấm” lên như lúc này khi liên tiếp chứng kiến những cử chỉ thiện chí từ tất cả các bên.

Hàn-Triều nối lại đàm phán: Hy vọng thực sự lớn đến đâu?
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Getty.

 

Cuộc đối thoại cấp cao liên Triều dự kiến sẽ bàn về khả năng các vận động viên Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 ở Hàn Quốc cũng như các biện pháp  nhằm cải thiện quan hệ song phương. Ngoài ra, phía Hàn Quốc cũng đề nghị hai bên tổ chức các cuộc đối thoại quân sự, thu xếp tổ chức đoàn tụ cho các gia đình hai miền Triều Tiên bị ly tán trong chiến tranh.

Tuy nhiên, diễn biến đáng chú ý nhất trong ngày hôm nay là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ lên tiếng hoan nghênh Hàn Quốc và Triều Tiên nối lại đàm phán, đồng thời quyết định hoãn cuộc tập trận với Hàn Quốc tới sau Thế vận hội mùa Đông PyeongChang.

Theo nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để thông báo việc cử phái đoàn cấp cao trong đó có các thành viên gia đình ông tới Hàn Quốc nhân dịp Thế vận hội mùa Đông PyeongChang.

Thư ký báo chí Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Young-chan nói: “Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh cuộc đàm phán sắp tới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Ông ấy hy vọng các cuộc thảo luận sẽ mang lại kết quả tốt đẹp”.

Cuộc tập trận chung Mỹ- Hàn là một trong những nguyên nhân khiến bán đảo Triều Tiên luôn trong tình trạng quá nóng thời gian qua. Triều Tiên coi đây là một sự chuẩn bị cho cuộc tấn công nhằm vào nước này, bất chấp sự bác bỏ từ phía Mỹ và Hàn Quốc.

Nga và Trung Quốc nhiều lần yêu cầu các bên chấp nhận đề xuất “tạm ngừng đổi lấy tạm ngừng”, tức là Mỹ và Hàn Quốc sẽ ngừng tập trận đổi lại Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân và tên lửa của mình nhằm giảm căng thẳng và tạo điều kiện khôi phục đàm phán 6 bên, song bị Mỹ kiên quyết bác bỏ.

Chính vì thế, quyết định của chính quyền Tổng thống Trump hoãn các cuộc tập trận vào thời điểm hiện nay có thể xem một điều khá bất ngờ. Cần phải nhắc lại rằng, cách đây chỉ 1 ngày, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên vẫn không có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy sẽ khép “cuộc chiến ngôn từ” gay gắt của mình.

Trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố có sẵn nút bấm hạt nhân trên bàn, thì người đứng đầu nước Mỹ cũng không ngần ngại đáp trả khi khẳng định, nút bấm hạt nhân của mình to hơn và uy lực hơn.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Mỹ sẽ thay đổi chiến lược đối với Triều Tiên. Chính phủ nước này tiếp tục khẳng định, hiện còn quá sớm để nói liệu lời đề nghị đối thoại của Triều Tiên có chân thành hay không và Mỹ, cùng với Hàn Quốc sẽ tiếp tục chiến dịch gia tăng sức ép tối đa đối với Triều Tiên. Bởi biện pháp này đã phát huy tác dụng và việc Triều Tiên chấp nhận đối thoại  là minh chứng rõ nhất.

Trong khi đó, phản ứng của quốc tế đối với những diễn biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên cũng khá trái chiều. Trong khi một số nước tỏ ra hoài nghi thiện chí của Triều Tiên, thì một số nước khác kêu gọi các bên tận dụng cơ hội để hóa giải ngòi nổ căng thẳng.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết: “Triều Tiên đã trải qua các giai đoạn từ đối thoại đến khiêu khích. Nhưng trong bất kỳ giai đoạn nào, nước này vẫn tiếp tục phát triển hạt nhân và tên lửa. Chúng tôi không có ý định hạ mức cảnh báo và giám sát đối với các hoạt động của họ”.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov lại tỏ ra khá lạc quan khi hoan nghênh quyết định hoãn tập trận của Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời nhấn mạnh, điều này cho thấy “các lời kêu gọi” đã được chú ý tới.

Theo các nhà phân tích, dù khó có khả năng các cuộc đối thoại giữa Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ đi đến việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, song rõ ràng, việc hai nước có thể nhất trí nối lại đối thoại đã là một diễn biến tích cực và các bên không nên bỏ lỡ cơ hội để mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, đáp ứng kỳ vọng của người dân hai nước, cũng như cộng đồng quốc tế./.

vov.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN