Người Việt Odessa
Tin thế giới

Gấp rút cuộc đua vaccine ngừa Covid-19

Thứ tư, 16/09/2020 | 13:54
Ngày 14/9, các nhà khoa học tại Trường Y khoa của Pittsburgh (Mỹ) công bố đã phân lập được phân tử sinh học nhỏ nhất có thể “vô hiệu hóa hoàn toàn” SARS-CoV-2, loại virus gây ra đại dịch Covid-19.

Theo đó, thành phần kháng thể nhỏ hơn 10 lần so với kháng thể có kích thước đầy đủ và đã được sử dụng để tạo ra thuốc Ab8. Thuốc này được coi là “khắc tinh” của virus corona chủng mới.

Gấp rút cuộc đua vaccine ngừa Covid-19

Theo đó, Ab8 có thể được hít hoặc tiêm vào da thịt thay vì tiêm tĩnh mạch. Báo cáo cho biết, loại thuốc này có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2 ở chuột và chuột đồng trong các cuộc thử nghiệm. Thuốc cũng cho thấy nó không liên kết với tế bào của người, điều này cho thấy nó sẽ không có tác dụng phụ tiêu cực ở người.

“Ab8 không chỉ có tiềm năng là liệu pháp điều trị Covid-19 mà còn có thể được sử dụng để giúp mọi người không bị nhiễm SARS-CoV-2” - đồng tác giả John Mellors, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm tại Trường Y khoa Đại học Pittsburgh (UPMC), cho biết.

Công bố mới này càng cho thấy cuộc chạy đua tìm kiếm vaccine ngừa Covid-19 ngày một gấp rút, trong bối cảnh đại dịch vẫn hoành hành nhiều nơi trên thế giới và thuốc đặc trị vẫn còn là ảo ảnh phía trước.

Người ta nhận thấy, cuộc chạy đua toàn cầu về vaccine ngừa Covid-19 đang diễn ra với tốc độ chưa từng có. Tại thời điểm này đã xuất hiện 7 “ứng viên” vaccine đã được thử nghiệm lâm sàng trên người và gần 70 vaccine nữa đang được triển khai.

Phát biểu trên kênh truyền hình ABC hôm thứ Ba (15/9), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, vắc-xin ngừa Covid-19 của Mỹ có thể sẵn sàng sau 3 hoặc 4 tuần. 

Gấp rút cuộc đua vaccine ngừa Covid-19

"Nếu là các chính quyền trước đây có lẽ phải mất nhiều năm để tạo ra được vắc xin, vì FDA và tất cả các thủ tục phê duyệt. Nhưng chúng tôi chỉ còn vài tuần nữa sẽ nhận được nó. Có thể là 3 đến 4 tuần. Chúng tôi có những công ty tuyệt vời và họ tiến rất, rất gần đến đích", ông Trump tuyên bố.

Nhà lãnh đạo Mỹ lạc quan hơn nhiều so với ước tính của các chuyên gia hay các quan chức chính phủ khác, bao gồm cả Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Anthony Fauci. Theo ông Fauci, vắc-xin sẽ có vào cuối năm nay và phân phối rộng rãi vào năm tới.

Các cơ quan y tế cộng đồng trước đó cũng bày tỏ lo ngại, Nhà Trắng đang gây sức ép buộc Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vắc-xin Covid-19 trước cuộc bầu cử vào ngày 3/11. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã lên tiếng quan ngại về tình hình phát triển vắc-xin ở Mỹ.

Ngoài ra, tuần trước các hãng dược đang phát triển vắc-xin tại Mỹ đã kiến nghị chính quyền không phê duyệt vắc-xin cho đến khi nó đã được kiểm tra kỹ lưỡng về độ an toàn và hiệu quả.

Tại nước Anh, ChAdOx1 nCoV-19 là một loại vaccine đang được Đại học Oxford phát triển cùng với Công ty Dược phẩm AstraZeneca, đã cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn trong thử nghiệm lâm sàng khi đáp ứng miễn dịch mạnh. Nó gây ra đáp ứng tế bào lympho T đạt đỉnh sau 14 ngày tiêm chủng và đáp ứng kháng thể trong vòng 28 ngày. Vaccine này đã được thử nghiệm ở 1.077 người trưởng thành khỏe mạnh (từ 18 đến 55 tuổi) từ 5 bệnh viện tại Anh.

Theo Tiến sĩ Andrew Pollard-Trưởng nhóm nghiên cứu về nhiễm trùng và miễn dịch ở trẻ em của Đại học Oxford, kết quả là rất đáng khích lệ và là một cột mốc quan trọng trong việc tìm kiếm vaccine ngừa Covid-19.

Trong khi đó Công ty Dược phẩm Pfizer và BioNTech (nước Đức) cũng thông báo những tiến bộ rõ rệt trong việc điều chế vaccine ngăn chặn đại dịch Covid-19. Loại vaccine đó có thể tạo ra các đáp ứng kháng thể trung hòa ở người. Dù chưa có kết quả cuối cùng, nhưng họ đã nhận được những đơn đặt hàng, kể cả lời mời “mua trọn bản quyền” từ một tập đoàn dược phẩm Mỹ.

Tuy nhiên, trong cuộc đua này, Nga và Trung Quốc được cho là có nhiều thành tựu hơn cả. Cả hai quốc gia đều đã công bố kế hoạch sử dụng vaccine ngừa Covid-19 đại trà. Hiện hai nước này đang cạnh tranh quyết liệt về độ hiệu quả và năng suất sản xuất.

Trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Trung ương Trung quốc (CCTV), một quan chức thuộc Ủy ban Y tế quốc gia, ông Zheng Zhongwei, tiết lộ chính quyền nước này đã chấp thuận cho tiêm vaccine ngừa Covid-19 khẩn cấp lên một bộ phận đối tượng hạn chế từ cuối tháng 7. Hầu hết đối tượng thuộc nhóm được tiêm đều có nguy cơ lây nhiễm cao làm trong các ngành đặc thù như y tế, thực phẩm hay tại các vùng nhạy cảm như khu vực biên giới. Kết quả thu được là “sáng sủa”.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin tuyên bố phê chuẩn việc sử dụng đại trà vaccine kể từ ngày 11/8. Trang tin India.com dẫn nguồn Hãng thông tấn RIA cho hay Bộ trưởng Công thương Nga Denis Manturov khẳng định Nga sẽ sản xuất khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu liều vaccine Covid-19 Sputnik-V và sẽ tăng dần lên 6 triệu liều vào cuối năm nay.

Hiện chưa rõ mức giá chính xác một liều vaccine Sputnik-V của Nga. Tuy nhiên, Chủ tịch Hãng dược R-Pharm của nước này - ông Alexey Repik, cho biết giá xuất khẩu vaccine Nga ít nhất là 10 USD cho 2 liều, theo Đài RT. Trong khi đó, Hãng Johnson & Johnson (Mỹ) đang đề xuất mức giá vaccine vào khoảng 10 USD một liều trong thỏa thuận cung cấp 100 triệu liều cho Chính phủ Mỹ.

Dù bị giới chuyên gia nghi ngại về độ an toàn và hiệu quả, theo ông Valery Fedorov, người lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu ý kiến công chúng Nga (VTsIOM), cho biết người Nga tin tưởng vào Sputnik-V khi 42% người được hỏi sẵn sàng tiêm loại vaccine này để ngừa Covid-19.

Như vậy, theo giới quan sát, cuộc đua điều chế vaccine ngừa Covid-19 đã sắp “cán đích”. Nó nóng lên từng ngày và các toan tính thương mại cũng đã rõ ràng hơn. Người ta tự hỏi: Vây, ai sẽ là người được hưởng lợi trong cuộc đua này? Chính phủ các nước, các tập đoàn dược phẩm lớn hay là các phòng thí nghiệm? Nhưng người nghèo chắc chắn là không.

Không đảm bảo chấm dứt dịch

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc phát triển vaccine có khả năng thành công rất thấp và cũng mất thêm nhiều thời gian để đưa ra thị trường.

Kim Woo-joo, Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Korea (Hàn Quốc), cho biết: "Nếu bạn xem các báo cáo của rất nhiều chuyên gia đã công bố thì cũng chỉ có 7% thành công trong việc phát triển vaccine ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm mới. Điều thực sự quan trọng là hầu hết các trường hợp đều đạt đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 3, được tiến hành thử nghiệm trên quy mô lớn và sau đó thất bại".

Theo Giáo sư Kim Woo-joo, rõ ràng các kháng thể được hình thành và các kháng thể trung hòa đã được phát hiện trong các thử nghiệm giai đoạn I và II song chúng ta vẫn cần xem hiệu quả bảo vệ thực sự trong giai đoạn III sẽ là bao nhiêu. Ông Kim lưu ý: "Mặc dù không có trường hợp tử vong nào được báo cáo trong giai đoạn I và II, nhưng tính an toàn và hiệu quả của các loại vaccine mới vẫn phải được chứng minh".

Cũng có một số chuyên gia nói rằng ngay cả khi vaccine được phát triển, hiệu quả thực sự của việc ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 có thể không đáng kể và không đảm bảo sẽ chấm dứt đại dịch Covid-19.

Phát biểu tại một cuộc họp báo gần đây ở thủ đô Seoul, Oh Myung-don, Chủ tịch Ủy ban Lâm sàng trung ương về Kiểm soát Bệnh mới nổi và là bác sĩ chuyên khoa các bệnh truyền nhiễm mới tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul cho biết: "Thật khó có thể mong đợi một loại vaccine có thể ngăn chặn virus lây lan hoàn toàn hoặc giảm tỷ lệ tử vong". Ngay cả khi một loại vaccine được đưa ra lưu hành trên thị trường, việc giảm tỷ lệ tử vong của người bệnh không có nghĩa là đại dịch kết thúc.

Bác sĩ Oh Myung-don lưu ý thêm rằng: "Vaccine ngăn ngừa virus gây ra bệnh đường hô hấp thường không hiệu quả bằng vaccine phòng ngừa các loại virus khác".

Ông giải thích, trong số các cơ quan hô hấp mà virus như SARS-CoV-2 xâm nhập, niêm mạc đường thở và khoang mũi là những "cửa ngõ" thông với cơ thể con người. Vì vậy, tác dụng của việc ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp sẽ có hạn chế bởi các kháng thể do vaccine tạo thành lại hoạt động bên trong cơ thể con người.

Theo TTQH


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN