Người Việt Odessa
Tin thế giới

Bê bối tài chính lớn hơn cả “Hồ sơ Panama” gây chấn động thế giới

Thứ hai, 06/11/2017 | 10:37
Ngày 5/11, truyền thông nhiều nước đồng loạt đưa tin về một vụ rò rỉ hồ sơ tài chính được gọi là “Hồ sơ Thiên đường” (Paradise Paper).

Thế giới lại một phen chấn động khi “Hồ sơ Thiên đường” tiết lộ về các khoản đầu tư gây tranh cãi của nhiều nhân vật nổi tiếng. Vụ việc được phanh phui chỉ một năm sau vụ “Hồ sơ Panama”.

Bê bối tài chính lớn hơn cả “Hồ sơ Panama” gây chấn động thế giới
Tên của Nữ hoàng Anh Elizabeth (trái) và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross (phải) cũng có trong "Hồ sơ Thiên đường". (Ảnh: Reuters)

 

Vụ rò rỉ hồ sơ tài chính mới được công bố này cho thấy, giới quyền lực và giới siêu giầu trên thế giới đã bí mật đầu tư một khoản tiền mặt lớn vào thiên đường trốn thuế ở nước ngoài như thế nào.

Nhiều câu chuyện được báo chí thế giới tiết lộ ngày 5/11 đã tập trung mô tả cách thức mà giới chính trị, những người nổi tiếng, những người giàu có đã sử dụng các quỹ, các công ty bình phong để bảo vệ tiền của họ khỏi bị đánh thuế hoặc che giấu các khoản đầu tư của họ sau một lớp màn bí mật.

Hãng tin BBC đưa tin, một trong số các tài liệu bị rò rỉ cho thấy, khoảng 10 triệu bảng Anh tiền cá nhân của nữ hoàng Anh đã được đầu tư ra nước ngoài.

Trong khi hãng tin Pháp AFP khai thác thông tin ông Stephen Bronfman, người gây quỹ và cố vấn cấp cao của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, đã cùng cựu Thượng nghị sĩ nước này Leo Kolber chuyển khoảng 60 triệu USD tới các thiên đường trốn thuế ở nước ngoài.

Còn hãng Reuters dẫn hồ sơ rò rỉ cho biết Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, cũng là một tỷ phú đầu tư, nắm giữ 31% cổ phần của tập đoàn Navigator Holdings thông qua một mạng lưới đầu tư phức tạp. Đây chỉ là một phần trong tập “Hồ sơ Thiên đường” gồm khoảng 13,4 triệu tài liệu chủ yếu đến từ Appleby, một công ty luật có văn phòng tại Bermuda và một số địa điểm khác.

Cũng giống như vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” trước đây, số tài liệu này ban đầu được tờ Suddeutsche Zeitung (Đức) nắm được và sau đó chia sẻ với Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và các đơn vị truyền thông đối tác khác. Trong thời gian tới, các báo sẽ còn công bố chi tiết hồ sơ tài chính và thuế của nhiều cá nhân và công ty có trong hồ sơ bị rò rỉ trên.

Chưa biết vụ rò rì này sẽ đi đến đâu. Tuy nhiên, ngay khi hồ sơ tài chính kia được công bố đã vấp phải sự chỉ trích của giới phân tích và chuyên gia, cho rằng, những bức màn bí mật kiểu này đang mở đường cho những hành động sai trái và bất công.

Ông Brooke Harrington - tác giả cuốn sách “Capital Without Borders: Wealth Managers and the One Percent” (tạm dịch là “Tư bản không biên giới: Quản lý tài sản và nhóm 1% những người giàu nhất thế giới”) cho rằng, giới nhà giàu đang trốn thuế trong khi những người nghèo đang phải gồng mình trả thuế. Một số chính phủ cần phải thực hiện chức năng của mình bằng cách thu hồi lại những gì đã mất từ giới nhà giàu và các tập đoàn.

“Người dân Anh cần biết những gì đang diễn ra, mọi người cần sự sự minh bạch và cần sự thật được phơi bày” - Nghị sĩ Công đảng Anh, đồng thời là chủ tịch Ủy ban Kế toán Công của Anh Meg Hillier nói.

“Hồ sơ Panama” đã trở thành tâm điểm của dư luận năm ngoái sau vụ rò rỉ 11,5 triệu tài liệu mật của Công ty luật Fonseca ở Panama. Nhiều nước trên toàn thế giới đã đồng loạt mở các cuộc điều tra trốn thuế. Thủ tướng Iceland phải từ chức và Pháp đã đưa Panama quay lại danh sách đen các quốc gia và vùng lãnh thổ không hợp tác trong cuộc chiến chống nạn trốn thuế. Sau vụ bê bối, Panama đã cam kết đẩy mạnh cuộc chiến chống rửa tiền và trốn thuế, đồng thời hợp tác với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhằm cải thiện sự minh bạch tài chính tại nước này./.

vov.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN