Người Việt Odessa
Tin thế giới

Tối hậu thư Đức gửi cho Thổ khi dùng căn cứ Incirlik

Thứ tư, 31/05/2017 | 02:40
Tờ Spiegel mới đây thông tin, Đức đã ra tối hậu thư 2 tuần để Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết các bất đồng giữa hai bên về căn cứ không quân Incirlik.

Tại một cuộc họp của Quốc hội Đức vào ngày 26/5, các quan chức của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng nước này cho biết Berlin dự kiến ​​tổ chức 2 tuần đàm phán với Ankara về vấn đề này, trước khi đưa ra quyết định có rút các binh sĩ được điều đến căn cứ Incirlik hay không.

Tối hậu thư Đức gửi cho Thổ khi dùng căn cứ Incirlik
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen nói chuyện với binh sỹ Đức tham gia chống IS tại căn cứ Incirlik tại Adana, thành phố miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 1/7/2016.


Đây là căn cứ hiện chủ yếu được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ sử dụng, nhưng Đức có khoảng 260 lính, các máy bay phản lực Tornado và các máy bay tiếp dầu ở căn cứ này, để hỗ trợ các hoạt động chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Giữa tháng 5, Berlin đã đe dọa sẽ cân nhắc việc chuyển các binh sĩ Đức từ Incirlik sang đóng quân Jordan, Kuwait hoặc đảo Síp sau khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho phép một nhóm các nghị sĩ Đức tới căn cứ quân sự này vào ngày 15/5 vì chuyến thăm “không thích hợp tại thời điểm này”.

Động thái từ chối của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nhằm trả đũa việc Đức cấp quy chế tị nạn đối với một nhóm binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm nơi ẩn náu tại Đức sau khi tham gia vào cuộc đảo chính quân sự thất bại tại nước này hồi tháng 7/2016.

Tháng 6/2016, một nhóm nghị sỹ Đức cũng đã bị từ chối cho phép thăm cơ sở này sau khi Quốc hội Đức thông qua một nghị quyết công nhận nạn diệt chủng đối với người Armenia năm 1915.

Bộ Quốc phòng Đức đã quyết định tài trợ 58 triệu euro (65 triệu USD) vào cơ sở hạ tầng quân sự tại Incirlik, bao gồm 26 triệu euro cho một sân bay sẽ được sử dụng cho các máy bay do thám Tornado của Đức và 30 triệu euro cho một đơn vị chỉ huy của Không quân Đức từ tháng 9/2016. Nhưng tới nay, các dự án đều bị hoãn lại.

Tuần trước, phản ứng với động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố rằng việc đến thăm các binh lính của nước này đóng quân tại Incirlik là quyền “không thể xâm phạm” của các nghị sỹ Đức, “nếu không chúng tôi sẽ phải rời khỏi Incirlik”.

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ vào tuần trước, bà Merkel đã đề cập vấn đề này với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, nhưng cuộc thảo luận kéo dài 20 phút của hai nhà lãnh đạo này không đạt được thỏa hiệp.

Theo bà Merkel, Berlin sẽ tiếp tục làm việc với chính quyền Ankara về diễn biến mới nhưng cũng sẽ tìm cách khác để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quân sự mà Đức đã cam kết, có thể là cân nhắc những địa điểm thay thế Incirlik.

Tối hậu thư Đức gửi cho Thổ khi dùng căn cứ Incirlik
Đức - Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng cực điểm ở căn cứ Incirlik.


Phát biểu của Thủ tướng Đức Merkel rất ngoại giao và đồng thời phần nào thừa nhận rằng Incirlik là một căn cứ không quân tiện lợi nhất đối với liên minh phương Tây.

Rút khỏi Incirlik đồng nghĩa chiến dịch của lực lượng không quân Đức tại Trung Đông sẽ chấm dứt, bởi vì những trận đánh chủ đạo chống lại IS đang diễn ra ở phía Bắc và phía Đông của Syria, trong khi Jordan nằm ở phía Nam.

Máy bay Đức phải bay một quãng đường 1.400 km để đi và về đến Raqqa, 1.800 km đối với Mosul, trong khi quãng đường hoạt động liên tục của các loại máy bay Luftwaffe Eurofighter Typhoon và Panavia Tornado là 1.390 km.

Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép các máy bay của NATO sử dụng căn cứ Incirlik để tấn công IS từ ngày 24/7/2015. Ngày 4/12/2015, Quốc hội Đức đã đồng ý cho phép triển khai 6 máy bay trinh sát Tornado tại các khu vực xung đột và một lực lượng gồm 1.200 binh sĩ.

Việc Đức tuyên bố sẽ chuyển sang các căn cứ quân sự khác ngoài Incirlik đã từng được tuyên bố lâu nay nhưng chưa thực sự được thực hiện bởi lo ngại mối quan hệ với Ankara tồi tệ hơn.

Giới phân tích cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ biết rất rõ ý nghĩa quan trọng của căn cứ không quân đối với các nước đồng minh NATO và đang sử dụng sự hiện diện của lực lượng không quân của phương Tây tại Incirlik vào mục đích chính trị.

Việc đe dọa “cấm cửa” đối với Incirlik chính là con bài mặc cả bởi động thái này trên thực tế đã diễn ra nhiều lần.

Ông Erdogan được cho biết sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức Merkel đã cho rằng, việc Đức rời khỏi Incirlik sẽ không gây ra vấn đề cho Ankara. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố: “Nếu đó là điều họ muốn làm, đó không phải là vấn đề lớn đối với chúng tôi. Nếu họ đi, chúng tôi sẽ nói 'tạm biệt', không có gì thêm nữa".

Tổng thống Erdogan không chỉ có thái độ như vậy với Đức về căn cứ Incirlik, ông từng cứng rắn với cả phía Mỹ về việc sử dụng căn cứ này. Tuy nhiên, các động thái được cho là "làm căng" mang tính chất đe dọa.

Chưa thể rõ tối hậu thư của Đức sẽ làm Ankara thêm cứng rắn hay sẽ thay đổi thái độ của mình bởi  Incirlik cũng đang mang lại một nguồn thu cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Đông Phong - Đất Việt


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN