Người Việt Odessa
Tin thế giới

Liệu có kịch bản Nga trao trả quần đảo Kuril cho Nhật Bản?

Thứ năm, 27/10/2016 | 03:08
Việc Nhật Bản tăng cường hợp tác kinh tế với Nga khi Moscow đang hứng chịu liên tiếp lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây có thể khiến Tổng thống Putin đồng thuận ký kết hiệp ước hòa bình giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Tokyo vào tháng 12 tới.

Sau hơn 70 năm bất đồng về phân định chủ quyền Vùng lãnh thổ phương Bắc theo cách gọi của Nhật Bản và Nga gọi là quần đảo Kuril, Tokyo và Moscow đang có những động thái hàn gắn quan hệ ngoại giao. Theo đó, khả năng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thông qua một thỏa thuận hòa bình trong cuộc họp thượng đỉnh ở quận Yamaguchi vào ngày 15/12 tới. 

Liệu có kịch bản Nga trao trả quần đảo Kuril cho Nhật Bản?
Hòn đảo Kunashiri, một trong 4 hòn đảo đang xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Nga và Nhật Bản. 

Theo Japan Times, hy vọng này hoàn toàn có cơ sở khi mới đây Thủ tướng Abe thông báo Nhật bản đã đạt được "bước tiến mới" trong các mối quan hệ với Nga. Cụ thể tại thành phố Sochi hồi tháng Năm, Nhật Bản đã đề xuất tăng cường mối quan hệ kinh tế với Nga trong 8 lĩnh vực bao gồm y tế, năng lượng và phát triển nông thôn. Một phần mục đích của chính sách này là giúp Nga vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn do hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây đổi lại Moscow sẽ nhượng bộ và tiến tới ký kết thỏa thuận giải quyết tranh chấp lãnh thổ cũng như hiệp ước hòa bình với Tokyo. 

Kết quả ban đầu là phía Nga đã hoan nghênh các khoản đầu tư tăng cường của Nhật Bản và Tổng thống Putin cũng khẳng định mong muốn chấm dứt tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Do đó, hội nghị thượng đỉnh Yamaguchi sắp tới được đánh giá là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, việc hai nước sẽ ký kết những thỏa thuận nào và mức độ thành công ra sao của các cuộc đàm phán vẫn đang là câu hỏi có nhiều nghi vấn. 

Cho tới nay, nội dung được đưa ra thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Nhật vào tháng 12 tới vẫn được giữ bí mật song theo một số tuyên bố công khai của quan chức hai nước, Tokyo và Moscow sẽ vẫn tập trung vào một số vấn đề chủ chốt như tranh chấp chủ quyền. 

Về phần mình, cá nhân Thủ tướng Abe dường như đã công nhận việc không thể giành lại toàn bộ 4 hòn đảo do đó Tokyo sẽ thỏa hiệp với Moscow. Song điều đó không có nghĩa là ông Abe sẽ từ bỏ tuyên bố chủ quyền lâu đời của Nhật Bản tại những khu vực này. Do đó, ông Abe sẽ phải tìm cách lấy lại một vài trong số 4 hòn đảo thuộc Vùng lãnh thổ phương Bắc nhưng cũng không từ bỏ chủ quyền đối với những hòn đảo khác. 

Ông James D.J. Brown, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Temple, Nhật Bản nhận định có thể Thủ tướng Abe sẽ đưa ra đề xuất ký kết một hiệp ước hòa bình đề nghị Nga trả lại hai hòn đảo nhỏ là Shikotan và Habomai. Hai hòn đảo này chỉ chiếm 7% diện tích vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản. Nhưng nếu như Tokyo lấy lại được Shikotan và Habomai thì vấn đề chủ quyền của hai hòn đảo có diện tích lớn hơn là Etorofu và Kunashiri mà Nga gọi là Iturup và Kunashir sẽ bị bỏ ngỏ. Do đó, Nhật Bản có thể đề xuất xác định chủ quyền của hai hòn đảo Etorofu và Kunashiri với Nga trong một cuộc họp trong tương lai. Nhưng ngay cả khi các cuộc thảo luận này được tổ chức, hai nước vẫn không thể phân định chủ quyền đối với Etorofu và Kunashiri bởi Thủ tướng Abe vẫn kiên quyết không từ bỏ chủ quyền với hai hòn đảo này. 

Cũng theo ông Brown, một phương án khả thi giúp Nhật Bản duy trì tuyên bố chủ quyền trên cả 4 hòn đảo là đồng thuận cùng Nga quản lý vùng lãnh thổ này. Hôm 17/10, tờ Nikkei đưa tin chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc phương án trên. Dù mập mờ phủ nhận nhưng câu chuyện này được xem là chiến thuật của chính quyền Thủ tướng Abe nhằm đánh giá phản ứng của dư luận trước phương án thỏa hiệp với Nga. 

Tuy nhiên, dù gạt bỏ yếu tố phản đối từ người dân Nhật Bản, phương án thỏa hiệp của Thủ tướng Abe dường như chưa đủ sức thuyết phục để Tổng thống Putin tiến tới ký kết thỏa thuận. Cụ thể, tại Nga, người dân nước này phản đối mạnh mẽ việc trao trả lại Vùng lãnh thổ phương Bắc/quần đảo Kuril khi cho rằng khu vực này thuộc chủ quyền của Nga kể từ sau Thế chiến thứ Hai. Mặc dù Tổng thống Putin nhận được tới hơn 80% sự ủng hộ của dư luận và mong muốn chấm dứt tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản song chắc chắn ông Putin sẽ không làm trái ý người dân Nga trong vấn đề mang tính lịch sử nhạy cảm này. 

Liệu có kịch bản Nga trao trả quần đảo Kuril cho Nhật Bản?
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tới thăm hòn đảo Iturup hồi năm 2015. 

Do đó, vào tháng 12 tới, khả năng Nga sẽ đưa ra bản thỏa thuận có phần không như mong đợi của Nhật Bản. Lâu nay, Tổng thống Putin thường nhấn mạnh tới hiệp ước năm 1956 giữa Nga và Nhật, ám chỉ khả năng nhà lãnh đạo Moscow sẵn sàng đồng thuận chuyển giao hai hòn đảo Shikotan và Habomai. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga chưa bao giờ công khai ý định thỏa hiệp với Tokyo ở hai hòn đảo lớn hơn là Etorofu và Kunashiri. 

Thậm chí, ngay cả việc Nga trao trả lại hai hòn đảo nhỏ Shikotan và Habomai cho Nhật Bản cũng sẽ đi kèm một số điều kiện. Điều này được thể hiện tại hội nghị thượng đỉnh G-20 hồi tháng Chín, phát biểu trước giới phóng viên, Tổng thống Putin nhấn mạnh hiệp ước năm 1956 "không nhắc tới những điều kiện đi kèm khi chuyển giao các hòn đảo và ai sẽ nắm chủ quyền tại khu vực này". Điều đó cho thấy khả năng hai hòn đảo Shikotan và Habomai chỉ được trao trả cho Nhật với điều kiện Nga giữ lại được chính quyền của họ ở đây. Khi Moscow khẳng định đây là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi của gần 3.000 người Nga trên đảo Shikotan. 

Tuy nhiên, điều chắc chắn là cuộc họp thượng đỉnh Yamaguchi sắp tới sẽ không gặp thất bại. Bởi Nga đang mong muốn tiếp tục mối quan hệ hợp tác kinh tế với Nhật Bản cũng như có cơ hội góp mặt trong nhóm G7, tổ chức đang bị Mỹ gây sức ép nhằm cô lập Moscow. Đây là lý do khiến Tổng thống Putin sẵn sàng ký kết thỏa thuận với Nhật Bản vào tháng 12 tới để giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền hoặc đơn giản hơn Nga sẽ cho triển khai chương trình miễn thị thực, cho phép tất cả công dân Nhật Bản tới thăm quần đảo đang tranh chấp chủ quyền giữa hai nước. 

 

Điều đáng nói, Nhật Bản sẽ có nguy cơ đối mặt với sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế khi nỗ lực thắt chặt quan hệ với Nga trong thời điểm chính phủ phương Tây cáo buộc Moscow phạm tội ác chiến tranh ở Syria và thực hiện các vụ tấn công mạng nhằm vào Mỹ. Và nếu như cuộc khủng hoảng quan hệ Nga và phương Tây trở nên trầm trọng hơn trước thời điểm Tổng thống Putin tới thăm Nhật Bản, đó sẽ là Tokyo sẽ thảm họa ngoại giao đối với Thủ tướng Abe. 

Theo infonet.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN