Người Việt Odessa
Tin thế giới

Câu chuyện phía sau việc Nga ngừng hợp tác hạt nhân với Mỹ

Thứ tư, 05/10/2016 | 01:12
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố việc Moscow ngừng thực hiện thỏa thuận tiêu hủy plutonium ở cấp độ có thể sản xuất vũ khí là một tín hiệu rõ ràng gửi tới Washington rằng những dọa dẫm và đe dọa trừng phạt đối với Nga sẽ không có tác dụng.
Câu chuyện phía sau việc Nga ngừng hợp tác hạt nhân với Mỹ
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Obama.

Quan hệ Nga – Mỹ trở nên xấu đi kể từ năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Sau sự kiện này, Mỹ và các quốc gia phương Tây đồng loạt áp các lệnh trừng phạt kinh tế chống Nga với lý do nước này can thiệp vào cuộc khủng hoảng Ukraine và quan ngại trước “sự xâm lược Nga”.

Quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân trên thế giới này ngày càng đi vào “ngõ cụt” khi trong tháng 9/2015, Nga quyết định đưa quân đội (đặc biệt là lực lượng không quân vũ trụ - VKS) vào Syria nhằm tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố quốc tế theo đề nghị của tổng thống nước này – Assad.

Một trong những hành động được cho là “đổ thêm dầu vào lửa” trong quan hệ vốn căng thẳng mà có thể dẫn tới mức thấp nhất như trong thời chiến tranh Lạnh – ngày 3/10, Tổng thống Nga Putin bất ngờ ký quyết định ngừng thực hiện thỏa thuận loại bỏ Plutonium với Mỹ.

Theo các chuyên gia phân tích, động thái này như là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa 2 cường quốc hạt nhân này đang thực sự ngày càng xấu đi…

Tín hiệu rõ ràng gửi tới Mỹ

Nga sau khi Tổng thống Nga Putin ký quyết định ngừng thực hiện thỏa thuận loại bỏ Plutonium với Mỹ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố việc Moscow ngừng thực hiện thỏa thuận tiêu hủy plutonium ở cấp độ có thể sản xuất vũ khí là một tín hiệu rõ ràng gửi tới Washington rằng những dọa dẫm và đe dọa trừng phạt đối với Nga sẽ không có tác dụng.

Câu chuyện phía sau việc Nga ngừng hợp tác hạt nhân với Mỹ
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

 

“Nói với Nga từ vị thế của kẻ mạnh, bằng giọng điệu trừng phạt và dọa dẫm, sẽ không có tác dụng”, ông Lavrov nhấn mạnh.

Trong tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga, ông Lavrov cũng cho rằng cách thức Mỹ tiêu hủy plutonium cấp độ vũ khí không đảm bảo plutonium sẽ lại được sử dụng vào mục đích quân sự. Ông đồng thời khẳng định Nga sẽ không từ bỏ trách nhiệm giải trừ hạt nhân của mình.

Về phần mình, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố Mỹ thất vọng với quyết định của Nga đình chỉ thỏa thuận về tiêu hủy plutonium ở cấp độ vũ khí. Theo Josh Earnest, thỏa thuận trên đã cam kết loại bỏ một lượng plutonium có thể dùng để chế tạo hàng nghìn vũ khí hạt nhân.

Điều kiện nối lại thỏa thuận tiêu hủy plutonium với Mỹ

Nguồn tin từ Hạ viện Nga ngày 4/10 cho biết nước này có thể khôi phục hiệu lực Thỏa thuận về plutonium trong trường hợp Mỹ thu hẹp hạ tầng quân sự và số lượng quân nhân trên lãnh thổ các nước NATO, đồng thời dỡ bỏ cấm vận và Đạo luật Magnitsky.

(Ngày 17/12/2015, Đạo luật Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky (the Global Magnitsky Human Rights Accountability Act) đã được Thượng viện Mỹ thông qua. Đạo luật lấy tên của vị Luật sư người Nga là Sergei Magnitsky. Ông Magnitsky đã bị bỏ tù và chết trong tù năm 2009 vì vạch trần tình trạng tham nhũng của quan chức chính phủ. Năm 2012, Quốc hội Mỹ thông qua “Luật chất vấn Chính trị Magnitsky” nhắm vào quan chức của Nga, sau khi được ông Obama ký đã trở thành pháp luật chính thức. Từ khi luật này được thi hành đến nay đã có hàng chục quan chức bị trừng trị, tính mạng nhiều người dân được giải cứu).

Ngoài ra, Moscow cũng yêu cầu bồi thường những thiệt hại mà Nga hứng chịu do các biện pháp trừng phạt, kể cả thiệt hại vì nước này buộc phải áp dụng biện pháp cấm vận đáp trả và yêu cầu Mỹ có kế hoạch rõ ràng về tiêu hủy hoàn toàn plutonium liên quan trong thỏa thuận.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chuyển cho Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) phê chuẩn dự luật đình chỉ thỏa thuận tiêu hủy plutonium ký với Mỹ. Theo nội dung dự luật, quyết định gia hạn hiệu lực và các biên bản liên quan sẽ do Tổng thống Liên bang Nga thực hiện.

Câu chuyện phía sau việc Nga ngừng hợp tác hạt nhân với Mỹ
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

 

Trước đó, ngày 3/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh ngừng thỏa thuận với Mỹ về sử dụng plutonium, chất có thể chế tạo bom nguyên tử giống như uranium, vì những hành động "thù địch" của Washington đối với Moscow; trong đó có cả hệ quả của những biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với Nga.

Tổng thống Putin đưa ra quyết định này là do những thay đổi cụ thể của tình hình hiện nay, việc xuất hiện những mối đe dọa ổn định chiến lược vì Mỹ có các hành động "thù địch" đối với Nga và Washington "không đủ khả năng" bảo đảm việc thực thi những cam kết về việc sử dụng lượng plutonium để chế tạo vũ khí đang ở mức dư thừa theo các hiệp ước quốc tế.

Một lý do nữa là xuất phát từ việc Nga cần áp dụng các biện pháp cấp thiết nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Sắc lệnh cũng nêu rõ plutonium không được sử dụng cho mục đích chế tạo vũ khí hạt nhân hay các thiết bị nổ hạt nhân khác, cũng như không được sử dụng trong nghiên cứu hoặc thử nghiệm các thiết bị nổ tương tự hay bất kỳ mục đích quân sự nào khác.

Năm 2010, dựa trên Thỏa thuận hai bên (Nga-Mỹ) ký năm 2000, Mỹ và Nga đã ký kết một thỏa thuận, trong đó hai nước cam kết mỗi bên sẽ loại bỏ 34 tấn plutoni ở cấp độ có thể chế tạo vũ khí vượt mức quy định của mỗi nước (số lượng này đủ để sản xuất vài ngàn đầu đạn hạt nhân). Việc tiêu hủy plutonium, theo thỏa thuận, sẽ được Nga và Mỹ thực hiện trong năm 2018.

Theo infonet.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN