Người Việt Odessa
Tin thế giới

Vì sao khó tìm ra thủ phạm đánh bom đoàn xe Liên Hợp Quốc ở Syria

Chủ nhật, 25/09/2016 | 01:41
Hệ thống giám sát của Mỹ có thể đã không phát hiện ra máy bay ném bom, hoặc phát hiện được nhưng không muốn công bố bằng chứng để giữ bí mật công nghệ.

31 xe tải chở hàng cứu trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc đang trên đường đến thành phố bị bao vây Aleppo thì bị tấn công hôm 19/9, làm 12 nhân viên thiệt mạng và 18 xe bị phá hủy, khiến lệnh ngừng bắn mong manh mới đạt được ở Syria gần như bị đổ vỡ, theo PopularMerchanics.

Cả NATO và chính phủ Mỹ cũng như Nga và Syria đều nhanh chóng lên tiếng phủ nhận máy bay của mình tiến hành không kích. Lầu Năm Góc cáo buộc chiến đấu cơ của Nga hoặc Syria đã ném bom vào đoàn xe, nhưng không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.

Theo chuyên gia phân tích quân sự Roe Papalardo, lời cáo buộc không kèm theo chứng cứ này của Mỹ là hành động khó hiểu, bởi với hệ thống radar giám sát tình hình hiện đại ở Syria, liên quân do Mỹ đứng đầu hoàn toàn có thể phát hiện những máy bay tấn công đoàn xe. Điều đó khiến Papalardo tin rằng hoặc là Mỹ đã có những "lỗ hổng" trong hệ thống giám sát, hoặc họ không muốn chia sẻ thông tin để giữ bí mật công nghệ quân sự hoặc phục vụ mục đích ngoại giao.

Bầu trời Syria là không phận kỳ lạ nhất thế giới, nơi máy bay của Nga, quân đội chính phủ Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, liên quân do Mỹ dẫn đầu liên tục quần lượn, tấn công các mục tiêu khác nhau.

Để giám sát không phận này, Mỹ đã triển khai các máy bay Kiểm soát và Cảnh báo Đường không (AWACS), trong đó uy lực nhất là máy bay E-3A trang bị radar cực mạnh. Ngoài nhiệm vụ giám sát và quản lý không phận Syria, chúng còn thu thập thông tin tình báo về tình hình chiến trường.

Radar trên máy bay E-3A có thể phát hiện máy bay tầm thấp ở khoảng cách 346 km và tầm cao ở khoảng cách 692 km. Tuy nhiên, Mỹ từ chối tiết lộ vị trí hoạt động của các máy bay E-3A trong ngày 19/9 vì "lý do an ninh".

Các quan chức ở Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) không trả lời câu hỏi về máy bay cảnh báo sớm nào đang hoạt động gần nơi xảy ra vụ tấn công đoàn xe, nên không thể khẳng định được E-3A có quan sát được tình huống đoàn xe bị đánh bom hay không.

Ngoài máy bay E-3A, Mỹ cũng có thể giám sát không phận Syria bằng radar có tầm theo dõi 402 km trên tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhover đang hoạt động ở Địa Trung Hải. Tuy nhiên, đài kiểm soát không lưu trên tàu chỉ giám sát trong phạm vi 160 km, khó có thể nắm bắt tình hình diễn ra sâu bên trong không phận Syria.

Bởi vậy, các tàu sân bay Mỹ đều được trang bị máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye. Khi cất cánh từ tàu sân bay, các máy bay này có thể quản lý không phận từ xa nhờ radar AN/APS–145 có thể theo dõi hơn 2.000 mục tiêu ở khoảng cách 547 km. Tuy nhiên, đây không phải là công cụ hiệu quả nhất để theo dõi tình hình Syria bởi thời gian hoạt động của chúng kém xa máy bay E-3A.

Vì sao khó tìm ra thủ phạm đánh bom đoàn xe Liên Hợp Quốc ở Syria

Một xe cứu trợ của Liên Hợp Quốc bị hỏng sau vụ tấn công ở Syria hôm 19/9. Ảnh: AP

Vì sao khó tìm ra thủ phạm đánh bom đoàn xe Liên Hợp Quốc ở Syria

Máy bay Kiểm soát và Cảnh báo Đường không E-2C Mỹ. Ảnh: US Navy.

Máy bay không người lái MQ-9 Reaper cũng có thể được triển khai để theo dõi đoàn xe cứu trợ. Tuy nhiên, theo CENTCOM, MQ-9 Reaper chủ yếu xuất kích để tấn công các mục tiêu Nhà nước Hồi giáo (IS) chứ không phải giám sát không phận.

Bởi vậy, Papalardo tin rằng việc Mỹ không công bố các dữ liệu radar về những máy bay đã ném bom đoàn xe thể hiện hai khả năng. Khả năng đầu tiên là các phương tiện giám sát hiện đại của Mỹ đã không thể bao phủ hết toàn bộ không phận Syria suốt 24/7, khiến họ không nắm bắt được một số tình huống quan trọng, chẳng hạn như vụ tấn công đoàn xe cứu trợ.

Khả năng thứ hai là Mỹ và đồng minh biết chính xác lực lượng nào đã tấn công đoàn xe cứu trợ nhờ mạng lưới giám sát dày đặc của mình, nhưng quyết định không công bố thông tin. Rất có thể CENTCOM đang muốn giữ bí mật các phương thức giám sát điện tử của mình trên lãnh thổ Syria, hoặc không muốn làm mất lòng Nga để cố gắng duy trì nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt đổ máu trên chiến trường.

Dù là khả năng nào thì thường dân Syria vẫn là những người chịu hậu quả nặng nề nhất. Hoạt động cứu trợ của Liên Hợp Quốc đã bị đình chỉ vì lý do an toàn, và tiếng súng lại tiếp tục rộ lên trên mảnh đất đắm chìm trong chiến sự này, Papalardo nhận định.

Theo vnexpress.net


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN