Người Việt Odessa
Tin thế giới

Trung Quốc không biết điều dù được thế giới

Thứ bảy, 24/09/2016 | 05:25
Hôm 21/9, The National Interest (TNI) của Mỹ dẫn lời Tiến sĩ Denny Roy, một thành viên cao cấp của Trung tâm Đông - Tây (Mỹ) cho rằng, dù đang được thế giới rất ưu ái nhưng Trung Quốc vẫn không biết điều để kiềm chế những hành vi ngang ngược.

Theo TNI, nhiều chuyên gia nhận định, các chính sách hung hăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á và Đông Á rất thiếu khôn ngoan, thậm chí là gây ảnh hưởng đến các lợi ích của chính Trung Quốc. Các quốc gia trong khu vực, vốn đã lo ngại về sự thống trị của Trung Quốc, hiện đang quan sát nước này rất kĩ bởi họ lo lắng Bắc Kinh sẽ có những ý định xấu khi phát triển khả năng quân sự và kinh tế.

Hơn thế nữa, Trung Quốc vẫn đang kém hơn đáng kể so với Mỹ trong hầu hết các tiêu chuẩn để trở thành một cường quốc thực sự. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm 2016 là khoảng 11 nghìn tỷ USD (con số do Trung Quốc đưa ra và nhiều chuyên gia cho rằng nó đã bị thổi phồng), trong khi đó của Mỹ là 18 nghìn tỷ USD. Mỹ cũng vượt xa Trung Quốc về năng suất, đổi mới và công nghệ. Quân đội Mỹ vượt trội so với quân đội Trung Quốc. Mỹ cũng có một mạng lưới đồ sộ các đồng minh và các căn cứ  quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi đó Trung Quốc có một đồng minh chính thức (Triều Tiên) và một căn cứ quân sự ở nước Đông Phi Djibouti. Ngoài ra, Washington đang cam kết duy trì vị thế chiến lược của Mỹ trong khu vực. Do vậy, theo TNI, hiện tại không phải là thời điểm thuận lợi để Trung Quốc công khai tấn công trật tự khu vực do Mỹ bảo trợ.

Trung Quốc không biết điều dù được thế giới
Nhiều chuyên gia nhận định, Trung Quốc đang có chính sách đối ngoại rất hung hăng.

Ngoài ra, các nước láng giềng nói riêng và thế giới nói chung cho rằng, nhiều yêu cầu của Trung Quốc rất bất hợp lý và đáng báo động. Thế giới hiện đang rất ưu ái đối với Bắc Kinh. Ví dụ, Trung Quốc không bị yêu cầu từ bỏ các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Nhiều nước đang phải chịu đựng sự thâm nhập kinh tế khổng lồ của Trung Quốc ngay cả khi điều đó gây hại cho nền kinh tế của họ. Ví dụ ngành thép của nhiều nước châu Âu đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng vì không thể cạnh tranh với thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Nước ngoài chào đón các nhà đầu tư Trung Quốc trong khi Trung Quốc có những chính sách không công bằng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trái ngược với những suy nghĩ phổ biến ở Trung Quốc, chính phủ Mỹ không hề áp dụng chính sách kiềm chế Trung Quốc. Thay vào đó, Mỹ tiếp tục giúp Trung Quốc phát triển bằng cách giáo dục sinh viên Trung Quốc và chịu đựng mức thâm hụt thương mại với Trung Quốc ngày càng tăng, hiện đã lên tới 367 triệu USD. Tình trạng này nghiêm trọng đến mức, hồi tháng 5/2016, ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump đã ví von thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc không khác gì hành động cưỡng bức. Ông nói: “Chúng ta không thể tiếp tục cho phép Trung Quốc cưỡng bức nước mình, và đó chính là điều họ đang làm”.

Trung Quốc không biết điều dù được thế giới
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Bên cạnh đó, hầu hết các nước sẵn lòng hỗ trợ khi công nhận những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Tạng hay Đài Loan mặc dù Đài Loan có nền kinh tế đứng thứ 23 trên thế giới. Các tổ chức quốc tế quan trọng chào đón thành viên Trung Quốc. Washington cấp thị thực miễn phí cho các nhà báo Trung Quốc trong khi nhiều nhà báo nước ngoài ở Trung Quốc bị chính phủ gây khó khăn.

Mặc dù nhận được nhiều ưu đãi như vậy, nhưng Bắc Kinh dường như vẫn chưa hài lòng khi đòi quốc tế công nhận những tuyên bố được đánh giá là bất hợp pháp, không thể chấp nhận được. Ví dụ, Trung Quốc đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, hành động hung hăng với các nước láng giềng nhằm khẳng định những tuyên bố chủ quyền phi lý đó. Đòi hỏi trên bị quốc tế cho là hết sức vô lý. Theo TNI, nếu như dùng lý luận của Trung Quốc, Mỹ có thể tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ góc phần tư phía đông bắc của Thái Bình Dương, cả Ấn Độ Dương và Vịnh Mexico.

TNI cho rằng, chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông đã thể hiện hai điều đáng lo ngại. Đầu tiên, Bắc Kinh nghĩ mình có quyền bác bỏ các thỏa thuận quốc tế mà chính nước này đã ký kết nếu việc tuân theo những thỏa thuận đó không có lợi cho Trung Quốc. Thứ hai, khi tham gia vào một vụ tranh chấp với các nước khác, Bắc Kinh sẽ buộc họ phải tuân theo ý muốn của Trung Quốc mặc dù luôn tỏ ra sẵn sàng thương lượng. Theo TNI, Bắc Kinh nói muốn đối thoại với từng quốc gia có tranh chấp ở Biển Đông nhưng thực ra là muốn dùng quân bài kinh tế và quân sự để ép họ.

Theo TNI, Mỹ và các đồng minh không nên để cho Trung Quốc tiếp tục hành động ngang ngược dù với lý do gì đi chăng nữa bởi Bắc Kinh sẽ càng được nước càng lấn tới và dường như không có ý định kiềm chế những nhu cầu phi lý của mình.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

PHẠM KHÁNH - infonet.vn


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN