 |
Tài liệu mật về tàu Ngầm của tập đoàn DCNS Pháp bị rò rỉ |
Theo các thông tin được công bố, tổng cộng có 22,4 nghìn trang tài liệu mô tả các chi tiết cụ thể nhất về khả năng tác chiến của các tàu ngầm đã bị đánh cắp. Đối tác đặt mua các tàu ngầm này là Ấn Độ.
Cụ thể, bộ tài liệu của DCNS bị rò rỉ gồm có 22.400 trang, trong đó có 6.800 trang mô tả các hệ thống thông tin liên lạc tàu ngầm, gần 4,5 nghìn trang dành cho nghiên cứu các bộ cảm biến dưới nước, hơn 4000 trang dành cho các bộ cảm biến bề mặt, 4300 trang dành cho nghiên cứu hệ thống chỉ huy và kiểm soát, 2100 trang - hệ thống định vị, gần 500 trang mô tả các ngư lôi và hệ thống phóng.
Ngoài ra, các file tài liệu có liên quan đến hợp đồng của Pháp với Nga và Chile cũng bị đánh cắp. Các khách hàng của DCNS hiện đang chờ các kết quả điều tra cuối cùng để đánh giá về các thiệt hại này.
Trong số các khách hàng của DCNS, Australia là quốc gia lo lắng hơn cả vì vụ đánh cắp tài liệu trên của công ty đóng tàu Pháp vì đây là đối tác lên dự án cho xây dựng lực lượng tàu ngầm trong tương lai cho hải quân Australia.
Theo tạp chí The Australian, quy mô vụ thất thoát thông tin này có thể so sánh với vụ đặc vụ Snowden của Mỹ.
Vụ rò rỉ thông tin này có thể giáng đòn “chí mạng” vào hệ thống an ninh quốc gia của Ấn Độ. Theo The Australian, nếu điều này xảy ra với Ấn Độ thì nó hoàn toàn có thể xảy ra với các đối tác khác.
Australia sẽ không thể cho phép mình bỏ ra khoảng 34 tỷ USD cho gói dự án quốc phòng lớn nhất trong lịch sử nước này khi không có bất cứ đảm bảo nào rằng các thông tin bí mật nhất được giữ kín.
The Australian nhấn mạnh rằng các thông tin về vụ rò rỉ các tài liệu mật này sẽ gây tổn thất nặng nề cho uy tín nước Pháp.
Đây là điều khá nhạy cảm trong bối cảnh các quan chức Hải quân cấp cao của Mỹ đã lên tiếng cảnh báo Australia rằng Pháp không có thái độ thận trọng với các bí mật quân sự của Australia.
Trong khi đó, DCNS đang khẳng định rằng vụ rò rỉ tài liệu mật này không liên quan đến dự án của Australia vì dự án của Australia vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ hơn so với dự án của Ấn Độ.
Công ty này cũng cam kết rằng sẽ đảm bảo tính bí mật của thông tin cả ở Pháp và Australia. Trong khi đó, đối với trường hợp Ấn Độ, DCNS không chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh thông tin mà chỉ là nhà cung cấp cho Ấn Độ.
Dường như những bình luận này có hàm ý rằng vụ thất thoát thông tin xảy ra ở Ấn Độ chứ không phải ở Pháp.
Trong khi đó, các nguồn tin của The Australian khẳng định rằng vụ thất thoát thông tin này xảy ra ở Pháp từ năm 2011.
Điều này được khẳng định qua việc các thông tin về các dự án của DCNS không liên quan đến Ấn Độ được đưa lên các nguồn công khai.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã vội lên tiếng bảo đảm với người dân Australia là không nên lo lắng vì vụ thất thoát tài liệu mật này.
“Các tàu ngầm mà Australia hợp tác với người Pháp để đóng là các loại tàu ngầm Barracuda. Đây là mẫu tàu ngầm hoàn toàn khác so với loại tàu mà Pháp đang đóng cho phía Ấn Độ”- Thủ tướng Australia Turnbull tuyên bố.
Mặc dù vậy, một số chính trị gia Australia đã lên tiếng yêu cầu tiến hành các cuộc điều tra để có thể đảm bảo rằng hợp tác với DCNS của Australia sẽ vẫn được tiếp tục.
Theo các thông tin do Reuters đưa ra, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã tuyên bố rằng ông đã được thông báo về vụ thất thoát các tài liệu mật về các tàu ngầm do Ấn Độ đặt DCNS đóng và cam kết Ấn Độ sẽ làm rõ vấn đề này.
Hiện nay, DCNS đang hợp tác với Ấn Độ để đóng các tàu ngầm tại nhà máy đóng tàu ở Mumbai. Việc thử nghiệm hành trình với tàu đầu tiên trong số 6 tàu được đặt đã được thực hiện từ tháng 5/2016.
Dự án này được thực hiện trong vòng 4 năm. Hải quân Ấn Độ nhấn mạnh rằng các tàu ngầm lớp Scorpene có lợi thế so với các tàu ngầm khác nhờ các công nghệ tàng hình tiên tiến.
 |
tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp |
Nga cũng bị tổn thất
Ngoài Ấn Độ, các đối tác khác của Pháp như Malaysia, Chile, Brazil và cả Nga cũng sẽ bị tổn thất bởi vụ thất thoát tài liệu mật của DCNS.
Với Brazil, Hải quân nước này sự kiến sẽ tiếp nhận các tàu ngầm do Pháp đóng trong năm 2018.
Theo Le Monde, đại diện của công ty đóng tàu này tuyên bố rằng các cơ quan an ninh quốc gia đã bắt đầu tiến hành điều tra về sự vụ này. Việc điều tra sẽ được thực hiện theo hướng làm sáng tỏ “tính chính xác” của các tài liệu bị đánh cắp và đánh giá những tồn thất đối với các đối tác của DCNS.
Còn tờ Le Figaro thì thông tin rằng những tài liệu này có thể đã bị đưa ra khỏi nước Pháp từ năm 2011 bởi một cựu sỹ quan làm việc cho DCNS. Các tài liệu này có thể đã được đưa đến Đông Nam Á trước khi được chuyển cho phía Australia.
Đáng chú ý, cạnh tranh với Pháp thực hiện các hợp đồng đóng tàu ngầm trên là Đức và Nhật Bản. Cuối cùng, công ty của Pháp đã thắng thầu với cam kết rằng các hệ thống tác chiến của các tàu ngầm này sẽ được chế tạo với sự hợp tác của phía Mỹ.
Trong số các tài liệu mật bị thất thoát mà The Australian có được có cả các file tài liệu mật về việc Pháp bán tàu chiến cho Chile và việc đóng tàu đổ bộ lớp Mistral cho Nga.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn từ tờ Newsru của Nga.
Đức Dũng - infonet.vn