Người Việt Odessa
Tin thế giới

FP "dặn dò" Donald Trump: Mỗi xu nước Mỹ bỏ ra đều đáng giá

Chủ nhật, 14/08/2016 | 02:56
Ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump luôn cho rằng Mỹ đang bị thiệt thòi trong các liên minh quân sự và cả khi đặt căn cứ quân sự ở nước ngoài. Tuy nhiên, tạp chí Chính sách Đối ngoại (FP) cho rằng, mỗi xu nước Mỹ bỏ ra đều đáng giá.

Lần đầu tiên trong 7 thập kỷ, ứng viên tổng thống đại diện một chính đáng luôn đặt ra câu hỏi về vai trò của các liên minh quân sự và sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nước ngoài, thậm chí còn hoài nghi về những nguyên lý trong chiến lược lâu dài của Mỹ.

Trong khi những tuyên bố của ông Trump gây bất an cho các đồng minh ở châu Âu, châu Á và ở nhiều nơi khác trên thế giới, người Mỹ đang đặt câu hỏi: “Chúng ta đã thực hiện những thỏa thuận quốc tế bất lợi trong nhiều thập kỉ qua?”. Theo FP, câu trả lời là: Mỹ đã đạt được những giá trị lớn hơn rất nhiều so với chi phí đã bỏ ra.

Mặc dù các quan chức Mỹ thường nhấn mạnh về lợi ích của các đồng minh, nhưng thực ra chính sách hiệu quả của Washington đang hỗ trợ và phục vụ rất tốt cho các lợi ích quốc gia của Mỹ.

FP "dặn dò" Donald Trump: Mỗi xu nước Mỹ bỏ ra đều đáng giá
Mỹ đang đóng góp nhiều cho NATO nhưng không hề bị thiệt thòi.

Trong khi đó, Donald Trump lại liên tục chỉ trích các chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt đối với NATO và Nhật Bản. Ông Trump tuyên bố rằng, Mỹ không đủ khả năng và không việc gì phải thực hiện các cam kết hiện tại đối với NATO. Tuy nhiên, thực tế là, Mỹ hiện chỉ chi 22% cho chi tiêu trực tiếp của NATO; Canada và các đồng minh châu Âu khác chịu trách nhiệm 78% còn lại.

Đúng là Mỹ đóng góp gián tiếp cho NATO, dưới hình thức triển khai quân đội và trang thiết bị, nhiều hơn bất kì đồng minh NATO nào khác. Tuy nhiên, trong vòng 15 năm qua, phần lớn nguồn lực của NATO đã dồn vào hỗ trợ an ninh quốc gia Mỹ, đặc biệt là chiến dịch sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 ở Afghanistan. 1.000 lính NATO đã bị thiệt mạng và nhiều người khác bị thương khi đang thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ Mỹ kể từ năm 2001.

Ông Trump cũng tỏ ra không hài lòng với Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật, trong đó Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ Nhật khi Nhật bị tấn công. Tuy nhiên, ông không biết rằng Nhật Bản đã liên tục đầu tư vào nền kinh tế Mỹ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Chính phủ Nhật Bản cũng vừa thông qua dự luật nới lỏng những hạn chế để cho phép Lực lượng Phòng vệ hỗ trợ được nhiều hơn các lực lượng Mỹ ở nhiều nhiệm vụ hơn và trong khu vực địa lý rộng lớn hơn.

FP "dặn dò" Donald Trump: Mỗi xu nước Mỹ bỏ ra đều đáng giá
Ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump luôn cho rằng Mỹ đang bị thiệt thòi trong các liên minh quân sự.

Hơn nữa, châu Á hiện chiếm hai phần ba tổng giá trị phát triển kinh tế toàn cầu; 40% hàng hóa thương mại của Mỹ đi qua khu vực này. Các nhà lãnh đạo Mỹ đã hiểu được tiềm năng của châu Á sau Thế Chiến II. Do vậy, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á là nhằm đảm bảo các lợi ích của Mỹ trong khu vực này.Việc Mỹ đạt được thỏa thuận với các quốc gia như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc để được đặt các căn cứ quân sự ở những nước này đem lại rất nhiều lợi ích cho Mỹ. RAND Corporation, công ty nghiên cứu quốc phòng quan trọng của Mỹ, đã từng ước tính rằng, hàng năm, Berlin cung cấp đến hàng trăm triệu USD để hỗ trợ cho các lực lượng Mỹ đóng quân tại Đức; Hàn Quốc chi gần 900 triệu USD/năm và Nhật Bản là gần 2 tỷ USD.

Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang chi trả 30 tỷ USD trong số 37 tỷ USD  để xây dựng các cơ sở mới cho lực lượng Mỹ ở đất nước họ. Đặc biệt, Tokyo còn góp tới 3 tỷ USD để Mỹ xây dựng các cơ sở quân sự tại đảo Guam, bên trong lãnh thổ Mỹ.

Tổng lực lượng Mỹ hiện ở Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu đang lên tới 114.000 người.

Do vậy, việc ngừng các căn cứ quân sự ở nước ngoài sẽ gây tổn hại không chỉ cho các chiến lược mà còn cho cả tài chính của Mỹ. Mỹ sẽ không chỉ mất các khoản thu trên mà còn phải tự cung cấp, lo xây dựng căn cứ cho 114.000 binh sĩ trên. Hơn nữa, khi đóng quân ở bên trong nước Mỹ, quân đội sẽ cần bổ sung thêm nhiều thiết bị vũ khí hiện đại hơn nếu muốn triển khai lực lượng nhanh chóng tới các điểm nóng khi cần thiết.

Do đó, thậm chí nếu nước chủ nhà của các căn cứ quân sự Mỹ không hỗ trợ chi phí cho những căn cứ này thì sự hiện diện quân sự của Mỹ ở những nước đó cũng đã đem lại lợi ích kinh tế cho Mỹ.

Theo FP, Mỹ đã dành 70 năm qua để xây dựng cơ cấu liên minh quốc tế ấn tượng và các căn cứ quân sự vững chắc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Do vậy, giờ không phải lúc quẳng những cố gắng đó vào...“thùng rác”. Mặc dù Mỹ phải chi tiêu cho các liên minh quân sự và các căn cứ ở nước ngoài, nhưng mọi xu mà Mỹ bỏ ra đều đáng giá với những giá trị mà Mỹ đạt được để bảo vệ an ninh, vị thế của Mỹ trên thế giới.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Foreign Policy (Tạp chí Chính sách đối ngoại), tạp chí của Mỹ xuất bản 2 số/tháng. Tạp chí này được thành lập vào năm 1970, hiện nay do ông David Rothkopf làm chủ biên.

PHẠM KHÁNH - infonet.vn

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN