Người Việt Odessa
Tin thế giới

Tin tức thế giới nổi bật tuần qua

Chủ nhật, 31/07/2016 | 04:43
Bà Hillary Clinton chính thức trở thành ứng cử viên tranh cử Tổng thống của đảng Dân chủ; Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về Biển Đông… là những quyết định và tuyên bố nổi bật thế giới tuần qua...

 

1. Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại trước chiến dịch thanh trừng của Thổ Nhĩ Kỳ

Chỉ 72 giờ sau khi cuộc đảo chính thất bại, chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ngay lập tức thực hiện nhiều biện pháp thanh trừng nhằm vào nhiều đối tượng và 2 tuần sau khi cuộc đảo chính hụt diễn ra, vẫn chưa có dấu hiệu cuộc thanh trừng sẽ dừng lại.

Tới thời điểm hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải gần 1.700 binh lính quân đội, trong đó có gần 150 tướng; bắt giữ 47 nhà báo và đóng cửa hàng chục cơ quan truyền thông; bổ nhiệm 5.110 thẩm phán; cách chức nhiều đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại các nước. Đã có hơn 50.000 người đã bị ảnh hưởng bởi chiến dịch thanh trừng của Tổng thống Erdogan.

Trước tình hình này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ cẩn trọng với chiến dịch thanh trừng của mình và cần đưa ra “bằng chứng đáng tin cậy” về các đối tượng bị bắt giữ. Theo phát ngôn viên Liên hợp quốc Farhan Haq, Tổng thư ký Ban Ki-moon bày tỏ lo ngại sâu sắc trước tình trạng ngược đãi và lạm dụng các đối tượng bị bắt giữ trong cuộc thanh trừng ồ ạt hiện nay. Tuy nhiên, ông Ban Ki-moon cũng “tin tưởng rằng, chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đoàn kết và giữ gìn nền dân chủ trong bối cảnh bất ổn hiện nay”.

Trong khi đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim lên tiếng cảnh báo rằng, chiến dịch thanh trừng của chính phủ liên quan đến cuộc đảo chính quân sự "vẫn chưa kết thúc" và có thể sẽ có nhiều trường hợp khác bị bắt giữ. Trước đó, chính quyền Ankara đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 3 tháng, nhằm nhanh chóng thực hiện các hành động thanh trừng đối với các đối tượng tình nghi đứng sau vụ đảo chính. Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước cuộc khủng hoảng chính trị lớn kể từ vụ đảo chính hôm 15-7 vừa qua.

2. Bà Hillary Clinton chính thức trở thành ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ

Bà Hillary Clinton đã đi vào lịch sử khi chính thức trở thành nữ ứng cử viên Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Trước đó, ngày 25-7, Hội nghị đảng Dân chủ nhóm họp tại Philadelphia đã nhất trí bầu bà là ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ. Nếu thắng cử vào tháng 11 tới, bà sẽ là nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.  

Trong phát biểu nhận lời trở thành ứng cử viên Tổng thống ngày 28-7, bà Hillary Clinton nói: “Với sự khiêm tốn, lòng quyết tâm và niềm tin vô bờ bến để thực hiện lời hứa của mình với nước Mỹ, tôi xin đồng ý đại diện cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới”. Cũng trong diễn văn này, bà Hillary Clinton đã trình bày các chính sách đối nội, đối ngoại của mình và đưa ra những nhận xét về đối thủ Donald Trump của đảng Cộng hòa cũng như gửi lời cảm ơn của mình tới đối thủ trong đảng Dân chủ, ông Bernie Sanders.

Như vậy, con đường tới Phòng Bầu dục vào tháng 11 tới đây sẽ chứng kiến cuộc đua giữa hai ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa và Hillary Clinton của đảng Dân chủ. Hai đối thủ được cho là có những đường lối đối ngoại rất khác biệt đối với hai cường quốc là Trung Quốc và Nga. Về đối nội, hai ứng cử viên đặc biệt gay gắt công kích lẫn nhau về chính sách nhập cư.

3. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 quan ngại về tình hình Biển Đông

Sau nhiều khó khăn trong các phiên thảo luận, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 tổ chức tại Vientiane (Lào) cũng đã ra được Tuyên bố chung bao gồm 192 điểm, trong đó có một phần về vấn đề Biển Đông.

Đây là bước đột phá của hội nghị bởi trước đó các nhà phân tích cho rằng ASEAN khó có thể ra tuyên bố chung khi trong nội bộ ASEAN đang có một số thành viên bị Trung Quốc tác động, gây cản trở cho các nước thông qua các nội dung liên quan tới tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, Tuyên bố chung không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc và phán quyết của Tòa trọng tài thường trực PCA.

Tuyên bố chung lần này bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây trên Biển Đông, đặc biệt là tình trạng cải tạo, thay đổi hiện trạng trên các thực thể ở khu vực này. Những hoạt động này đang gây xói mòn lòng tin, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn, hủy hoại hòa bình khu vực. Tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa ở Biển Đông và sự kiềm chế của các bên liên quan, không thay đổi hiện trạng, tránh gây leo thang căng thẳng. Các nước ASEAN nhất trí nhấn mạnh việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thông qua tăng cường các cuộc gặp thường xuyên giữa quan chức các nước ASEAN và Trung Quốc.

Trước đó không lâu, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc tổ chức tại Kunming ngày 14-6, các nước ASEAN đã không ra được tuyên bố chung. Năm 2012, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tổ chức tại Campuchia, lần đầu tiên ASEAN không ra được tuyên bố chung do nước chủ nhà bất đồng quan điểm trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Phản ứng trước phán quyết của Tòa trọng tài thường trực PCA mới đây về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông, Cam-pu-chia cũng đã lên tiếng không công nhận phán quyết này.

Như vậy, nội bộ ASEAN đang có những chia rẽ trên một số vấn đề; đặc biệt một số nước hiện đang bị Trung Quốc mua chuộc, lôi kéo để thảo luận có lợi cho Trung Quốc trong các vấn đề của ASEAN có liên quan tới nước này. Tuy nhiên, việc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 vẫn ra được Tuyên bố chung 192 điểm, trong đó có 8 điểm dành cho vấn đề Biển Đông, là một thắng lợi của toàn khối ASEAN.

4. Philippines “rắn tay” chống tội phạm ma túy

Cuộc chiến chống tội phạm ma túy của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã khiến gần 300 người bị sát hại ngay trên đường phố mà không qua xét xử chỉ trong tháng 7 này. Trong số gần 300 nạn nhân, có những người bị lực lượng cảnh sát bắn chết và có những người bị người khác bắn chết với cáo buộc “tội phạm ma túy”.

Kế hoạch giết chết tất cả những kẻ bình tình nghi là tội phạm ma túy mà không cần xét xử có tên “Kẻ trừng phạt” (The Punisher) của Tổng thống Rodrigo Duterte đang vấp phải sự phản đối kịch liệt của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế vì sự tàn nhẫn và vi phạm quyền cơ bản của con người.

Theo kế hoạch này, Tổng thống Philippines khuyến khích người dân sử dụng bạo lực chống lại những kẻ buôn bán ma túy. Theo hãng tin CNN, ông Duterte từng nói: “Hãy thoải mái gọi cho chúng tôi hoặc tự làm điều đó nếu bạn có súng trong tay. Hãy bắn hắn ta và tôi sẽ tặng bạn một huy chương”. Lo sợ bị hành quyết ngay trên phố, đã có hơn 60.000 người nghiện ma túy tự ra đầu thú. Như vậy, kế hoạch của ông Duterte đã có tác dụng răn đe nhất định.

Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế đều kịch liệt lên tiếng phản chỉ trích kế hoạch này. Họ khẳng định đây là hoạt động vi phạm nhân quyền khi người bị tình nghi không có cơ hội bào chữa trước tòa và cảnh sát không thể thay thế một tòa án nghiêm minh. Hoạt động này của chính phủ có nguy cơ tạo ra bạo lực phi pháp và việc cho người bắn chết những kẻ tình nghi không phải là việc làm của một nhà lãnh đạo.

Bản thân những người dân đã từng bầu ông Duterte thành Tổng thống cũng hoảng hốt trước những gì đang diễn ra và cảnh tượng máu me trên đường phố vừa qua. Họ lo sợ rằng sẽ có những toan tính, trả thù cá nhân được đan xen vào khi người dân được phép bắn giết những kẻ tình nghi mà không cần biết anh ta có thực sự là tội phạm ma túy hay không.

5. Chiêu thức mới của IS

Châu Âu đang phải gánh chịu hàng loạt các cuộc khủng bố kinh hoàng. Trong 2 tuần vừa qua, IS đã liên tục lên tiếng nhận trách nhiệm về 4 cuộc khủng bố ở Đức và Pháp. Cuộc chiến chống khủng bố ở châu Âu đang đi vào giai đoạn nguy hiểm mới khi đối tượng khủng bố có thể là bất cứ ai và khủng bố có thể được tiến hành ở bất cứ nơi nào.

Chiến thuật mới của IS đã khiến nhiều nhà chức trách bất ngờ, bị động. IS lợi dụng những đối tượng có tinh thần rối loạn hoặc bất mãn với xã hội, “truyền cảm hứng” cho chúng và gọi chúng là những “con sói đơn độc”. Sự nguy hiểm của những “con sói đơn độc” là ở chỗ chúng hoạt động đơn lẻ, rất khó bị phát hiện và ngăn chặn. Những biểu hiện hàng ngày của chúng vẫn hết sức bình thường và chúng thường không có những kịch bản khủng bố liên quan tới nhiều người để có thể dễ bị phát hiện như trước đây. Chúng hoàn toàn tấn công ngẫu nhiên. Điều này cho thấy tính chất khó lường của những hành vi khủng bố đơn lẻ kiểu này.

Trong hầu hết các cuộc tấn công, khủng bố, thủ phạm đều là người tị nạn, nhập cư, làm dấy lên lo ngại và tranh cãi gay gắt về người nhập cư vào châu Âu thời gian vừa qua. Nhiều người đã chỉ trích chính sách nhập cư của châu Âu bởi việc hòa nhập và ổn định cuộc sống của những người dân nhập cư và xin tị nạn vào xã hội châu Âu là không hề đơn giản. Tỷ lệ thất nghiệp luôn cao giữa những người nhập cư đang tạo ra nhiều hệ lụy xã hội, khiến người nhập cư tự ti, chán nản, dễ dàng bị lôi kéo bởi IS, đặc biệt thông qua mạng internet.

Theo Raffaello Pantucci, một chyên gia về khủng bố của Viện Các dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Luân-đôn (Royal United Services London), ngay cả khi sự gia tăng các cuộc tấn công gần đây không phải là một phần trong kế hoạch lớn hơn của IS hoặc các nhóm cực đoan khác thì điều này vẫn rất đáng lo ngại bởi một lý do: các cuộc tấn công gần đây có thể khiến nhiều kẻ bất mãn bắt chước theo.

Theo Quân đội Nhân dân

 

 

 

Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN