Người Việt Odessa
Tin thế giới

"Bàn tay Mỹ" trong đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phá nát quan hệ Ankara - Washington?

Thứ tư, 20/07/2016 | 05:23
Cuộc đảo chính quân sự bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần qua đã đưa mối quan hệ của nước này với Hoa Kỳ đến một ngã ba đường đầy nguy hiểm.

Phản ứng của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trước vụ đảo chính không thành công đêm 15/7 vừa qua đã làm dấy lên một hồi chuông cảnh báo ở Washington khi ông đòi trừng trị thẳng tay và trục xuất một giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi Mỹ và cho rằng Hoa Kỳ cũng có liên quan đến âm mưu phản động này bầt chấp phía Nhà Trắng đã bác bỏ.

Washington đã mất nhiều năm để “nuôi dưỡng” đồng minh Hồi giáo nằm giữ tuyến đường quan trọng nối châu Âu và Trung Đông, một đất nước trọng yếu trong chiến dịch tấn công IS của Mỹ, nơi xuất phát làn sóng di cư của người dân Syria và các chiến binh nước ngoài, cũng như tăng cường hợp tác quân sự như một quốc gia thành viên NATO. Giờ đây, có nhiều mối lo sợ rằng mối quan hệ hợp tác này sẽ “trượt dài” và kéo theo cả lợi ích của nước Mỹ.

Washington vốn cũng bị bất ngờ bởi vụ đảo chính và từ lâu đã lo ngại về việc gia tăng quyền lực của ông Erdogan, đang cố gắng tạo thế cân bằng giữa những âm mưu lật đổ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và buộc chính quyền nước này giảm nhẹ các hình thức đáp trả sự phản kháng đó.

Nhà Trắng đã quan sát ông Erdogan dần “dỡ bỏ” tính độc lập của một quốc gia dân chủ, bao gồm tư pháp, truyền thông, các học giả và phe đối lập chính trị với một sự lo ngại ngày càng tăng.

Ankara chỉ trích Washington

Cùng lúc đó, sự chỉ trích của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Mỹ lại làm gia tăng những tổn hại cho mối quan hệ hai nước. Đại sứ Jim Jeffrey, cựu đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định: “Việc bành trướng quyền lực và luật lệ cai trị cần tới những kẻ thù trong nước và quốc tế, và Mỹ là một cường quốc thích hợp đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cần chúng ta như một công cụ để gia tăng sự hỗ trợ”.

"Bàn tay Mỹ" trong đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phá nát quan hệ Ankara - Washington?
Cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7 vừa qua khiến quan hệ Mỹ - Thổ gặp nhiều trở ngại. Nguồn: CNN

Các quan chức Mỹ và châu Âu đang lên tiếng cảnh báo ông Erdogan không nên đi xa hơn trên con đường thâu tóm quyền lực, đưa ra những lời đe dọa còn khá nhẹ về hậu quả, bao gồm việc bị trục xuất khỏi NATO.

Các nhà phân tích cho rằng, hành động đáp trả khủng hoảng của ông Erdogan sẽ quyết định mối quan hệ Mỹ - Thổ và chắc chắn đây sẽ là một “cơn đau đầu” ở Trung Đông khác dành cho Tổng thống Mỹ tiếp theo.

Cuộc đảo chính giờ đã là lịch sử, câu hỏi đặt ra là Tổng thống Erdogan sẽ làm như thế nào tiếp theo. Con đường mà ông chọn có thể để lại những hậu quả nhất định đối với hợp tác quân sự. Hai quan chức quốc phòng Mỹ cho CNN biết, có nhiều khả năng mối quan hệ quân sự giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải xây dựng lại sau vụ đảo chính bất thành này. Do số lượng quan chức quân sự cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt lần này quá lớn, nên một quan chức Mỹ đã đặt câu hỏi: “Không biết chúng ta sẽ đàm phán với ai?”.

Ngoài ra, các quan chức Mỹ cũng lo ngại rằng việc thanh trừng lực lượng quân sự của ông Erdogan sau vụ đảo chính lần này là một cơ hội để ông củng cố quyền lực.

Không chỉ vậy, có nhiều ý kiến cho rằng quan hệ giữa Lầu Năm góc và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị tác động bởi nhiều có thể ảnh hưởng tới lợi ích an ninh quốc gia Mỹ, như doanh số bán vũ khí, các cuộc tập trận quân sự cũng như cuộc chiến chống IS ở Syria.

Theo ông Jim Jeffrey, nếu ông Erdogan cố gắng cải thiện quan hệ với các phe đối lập trong hệ thống chính trị Thổ Nhĩ Kỳ, không gây tổn hại cho hiến pháp thì mối quan hệ với Mỹ sẽ được cải thiện cùng với ông chủ Nhà Trắng mới trong năm 2017.

“Ngược lại, nếu ông Erdogan tiếp tục duy trì quyền lực và trở thành một quốc gia không dân chủ thì Ankara sẽ biến thành một nước vô tổ chức, yếu kém và chia rẽ mà Mỹ không cần đến cũng như sẽ phá hỏng các giá trị của Washington. Chúng ta sẽ phải phán ứng lại với việc đó và đó sẽ là một công thức không ai mong muốn cho một mối quan hệ tồi tệ”, ông Jeffrey cho biết.

Mỹ cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đưa ra lời cảnh báo tại buổi họp báo ở Brussels hôm 18/7 vừa qua, cùng với người đồng cấp Liên minh châu Âu Federica Mogherini, ông cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ cố khôi phục lại án tử hình để trừng phạt những người liên quan đến vụ đảo chính có thể khiến nước này không đủ tiêu chuẩn để trở thành thành viên của EU.

Ngoài ra, ông Kerry cũng nhắc lại rằng NATO cũng có những tiêu chuẩn cho các thành viên của mình. “NATO có yêu cầu các nước phải tôn trọng nền dân chủ. NATO sẽ cân nhắc rất cẩn thận về những gì đang diễn ra và tôi hy vọng rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đi theo con đường như vậy và sẽ tôn trọng những điều mà họ đã hứa hẹn”, ông Kerry cho biết.

"Bàn tay Mỹ" trong đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phá nát quan hệ Ankara - Washington?
Mỹ lên tiếng cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ trước phản ứng thái quá của nước này về vụ đảo chính. Nguồn: RT

Ngược với Ngoại trưởng Mỹ, các quan chức khác ở Bộ Ngoại giao lại không thận trọng như vậy. Một quan chức giấu tên cho CNN biết: “Có lo ngại cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang thiếu đi sự tự do. Chúng tôi đang bày tỏ quan ngại một cách nhiều nhất có thể, với một đồng minh NATO và một đối tác quan trọng trong liên minh chống IS, mối quan hệ này hết sức nguy hiểm và không thoải mái”.

Có thể nói, ông Kerry muốn gửi đi một thông điệp rằng “ông không thể dùng cuộc đảo chính để phá vỡ thêm sự tự do ngôn luận, báo chí và hoạt động của các học giả cũng như xã hội dân sự”.

Nếu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cố tình phớt lờ lời cảnh báo trên để quay lại cuộc đua quyền lực thì mối quan hệ với Hoa kỳ chắc chắn sẽ tồi tệ thêm.

Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, John Bass đã công khai bác bỏ chỉ trích của ông Erdogan cho rằng Mỹ đứng đằng sau vụ đảo chính và hỗ trợ các phần tử này. “Đây là một lời cáo  buộc hoàn toàn không đúng sự thật. Sự suy đoán này gây tổn hại cho tình bạn kéo dài hàng thập kỷ qua của hai quốc gia”, ông Bass khẳng định.

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng học giả nước này, cũng là “cựu thù” của ông Erdogan đang sống ở Pennsylvania, Mỹ là chủ mưu của vụ đảo chính. Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 16/7, ông Erdogan kêu gọi, “nếu chúng ta là đối tác chiến lược”, thì Mỹ nên đáp ứng yêu cầu trao trả học giả Thổ Nhĩ Kỳ này.

Đáp lại, cả ông Bass và Kerry đều cho rằng cần phải làm rõ các yêu cầu và đưa ra những lý do chính đáng phù hợp với quy định của Hoa Kỳ. “Chúng tôi cần nhìn thấy bằng chứng xác thực phù hợp với luật lệ. Hãy để tôi nhấn mạnh lại rằng Mỹ chưa nhận được lời yêu cầu như vậy và chúng tôi cũng chưa có được bằng chứng nào trong tay”, ông Kerry nói.

Sự ảnh hưởng dễ thấy nhất trong mối quan hệ hai nước là ở lĩnh vực quân sự. Lầu Năm Góc sẽ quan sát xem quan chức nào sẽ được bổ nhiệm để lấp đầy khoảng trống chỉ huy trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng như sẽ quyết định xem phối hợp với họ như thế nào trong tương lai.

Một cuộc thử nghiệm ngay lập tức sẽ tới vào cuối tuần này khi đoàn đại biểu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến có mặt ở Washington để tham gia cuộc họp chống IS với các nước khác trong liên minh. Tình hình hiện tại hết sức nhạy cảm đến mức Lầu Năm Góc cũng chưa đưa ra thông báo gì về lịch trình cũng như thông tin về những người sẽ tham gia.

Ông Jeffrey nhấn mạnh rằng, quân sự là một trong những lĩnh vực hợp tác vốn đã rất ít giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. “Quan hệ của Washington với Ankara hầu hết chỉ là trong quân sự. Có rất ít sự hợp tác về năng lượng, thương mại. Nếu mối quan hệ chính trị trở nên tồi tệ trong những tháng sắp tới, thì Tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ khó có thể duy trì được hợp tác quân sự tốt bởi mọi quyết định liên quan đến lĩnh vực quân sự của Hoa Kỳ đều phải thông qua bộ máy chính trị”, cựu đại sứ Mỹ nhận định.

Bài viết được tham khảo nguồn tin CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.

Tuệ Minh (lược dịch)


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN