Người Việt Odessa
Tin thế giới

Đêm kinh hoàng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Chủ nhật, 17/07/2016 | 03:15
Các tướng lĩnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành đảo chính, cố gắng lật đổ Tổng thống Erdogan, tuy nhiên, dù cho sau đó ai trở thành lãnh đạo Ankara thì nền dân chủ của nước này vẫn sẽ không còn như cũ.

Không ai có thể đoán trước được sự việc này. Vào đêm thứ Sáu (15/7), hàng loạt xe tăng và binh lính đồng loạt tiến vào các thành phố chính trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ, phong tỏa đường phố, các tòa nhà chính  phủ và những cơ quan đầu não. Mục đích của họ không có gì khác là lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và tiến hành cuộc đảo chính quân sự thành công lần thứ tư trong lịch sử quốc gia này.

Các quan chức quân sự tuyên bố thông qua các loa phóng thanh rằng một lệnh giới nghiêm đã được ban bố trên toàn quốc, trong khi các bản tin cho biết một nhóm bất đồng trong quân đội đã bắt giữ Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ làm con tin.

Các chuyến bay quốc tế đã bị hủy và mạng xã hội bị ngưng trệ. Một máy bay chiến đấu được cho là đã tấn công tòa nhà quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ trước khi bị bắn hạ, trong khi lực lượng binh sỹ đổ bộ vào các trụ sở của cơ quan phát thanh, truyền hình nhà nước Ankara.

Tuy nhiên, ông Erdogan, đang trong kỳ nghỉ ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn có thể an toàn đứng ngoài vòng vây của lực lượng nổi dậy, điều đó cho thấy cuộc đảo chính đã hoàn toàn thất bại vì không lật đổ được mục tiêu chính.

Đêm kinh hoàng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan
Cuộc đảo chính bất ngờ diễn ra trong đêm 15/7. Nguồn: FP

Cuộc đảo chính này xảy ra giữa lúc Tổng thống Erdogan đang chuẩn bị những kế hoạch để tăng cường sức mạnh của mình trong “cơn bão” chỉ trích rằng chế độ dân chủ đang “giết chết” lực lượng quân sự. Thế nhưng đêm 15/7, ba đảng đối lập lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ lại kêu gọi những người ủng hộ đứng lên chống lại cuộc đảo chính, đây như một “trái đắng” nhằm vào các quy tắc quân đội của Ankara.

Khi tin đồn về cuộc đảo chính lan truyền trên mạng xã hội tối 15/7, hàng nghìn người đã tranh nhau lên xe bus và taxi để rời khỏi Istanbul, tìm tới những con đường có điểm kiểm tra của cảnh sát và quân đội. Ở trung tâm Quảng trường Taksim, Istanbul, các binh sỹ và cảnh sát trung thành với chính phủ đều tham gia vào các cuộc đụng độ căng thẳng.

Sau khi cảnh sát xịt hơi gas vào nhóm những người biểu tình ủng hộ vụ đảo chính ở trung tâm quảng trường, các binh sỹ lật ngược lại tình thế bằng những phát súng chỉ thiên. Những người biểu tình đứng quanh tượng người sáng lập Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, Kemal Ataturk, và kêu gọi Tổng thống Erdogan từ chức.

“Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đóng băng và đang đứng trước bờ vực chiến tranh chỉ bởi một người, đó là Erdogan. Điều này sẽ không thể tiếp diễn một ngày nào nữa”, Halil Aktas, một người biểu tình cho biết.

Tuy nhiên, nhìn ở mức độ rộng lớn hơn có thể thấy cho dù kết quả của cuộc đảo chính này như thế nào thì có một điều chắc chắn sự phân chia xã hội ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngày càng sâu sắc, “lấn áp” cả thể chế và chính phủ của ông Erdogan.

Trong khi những người biểu tình kêu gọi chính phủ từ chức, hàng trăm người khác cũng đổ xuống đường ở quận Kasimpasa gần đó, nơi sinh của Tổng thống Erdogan, lại hô vang: “Erdogan là niềm vinh dự của Thổ Nhĩ Kỳ. Trả thù, chúng ta sẽ trả thù”.

Các báo cáo ban đầu cho thấy một nhóm các binh sỹ và sĩ quan đã tiến hành vụ đảo chính. Sự kiện này không khác gì cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 1960, khi một nhóm binh lính lật đổ Thủ tướng Adnan Menderes, một người theo phái dân túy đã lãnh đạo đất nước hàng thập kỷ. Việc hành quyết ông Menderes sau cuộc đảo chính năm 1961 thường được ông Erdogan nói đến như một lời nhắc nhở về thời kỳ đen tối của đất nước, đe dọa vị trí lãnh đạo của ông.

Tham vọng một vị trí tổng thống nắm mọi quyền lực của ông Erdogan, cùng với sức nặng của tự do báo chí và hàng loạt bất đồng đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào các vòng xoáy bất ổn trong nhiều năm nay.

Tuy nhiên, cuộc đảo chính lần này có thể chỉ làm cho tham vọng gia tăng quyền lực của Tổng thống có thêm động lực. Một cuộc lật đổ thất bại có thể dễ dàng giúp ông Erdogan nhận được sự ủng hộ rộng lớn hơn, tăng cường quyền lực và đẩy những lỗi lầm trước đây vào “dĩ vãng”.

Động cơ của cuộc đảo chính quân sự vẫn chưa được làm rõ, song chính phủ và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã trở thành những đồng minh thân cận trong vài năm gần đây. Năm 2014, tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã thả một loạt quan chức quân đội cấp cao bị bắt giam sau âm mưu đảo chính Ergenekon, vụ việc trước đó đã giúp Đảng Phát triển và Công lý (AKP) của ông Erdogan “chế ngự” được sức mạnh quân đội. Đầu năm nay, Tòa Tối cao Thổ Nhĩ Kỳ đã đảo ngược mọi cáo trạng trong vụ việc Ergenekon, kết luận rằng mạng lưới này chưa từng tồn tại.

Đến giữa năm 2015, Ankara đã trao quyền cho quan chức quân đội được tự do tiến hành các cuộc chiến chống phiến quân người Kurd ở phía Đông Nam đất nước và mới đây đã thông qua một đạo luật cho phép các binh sỹ được miễn truy tố trước luật pháp khi tham gia các hoạt động quân sự ở khu vực người Kurd.

Gần đây nhất, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bình thường hóa quan hệ với Nga, Israel trong khi tiến hành đàm phán để cải thiện quan hệ với chính quyền Syria, tất cả các bước trên đều phù hợp với những ưu tiên địa chính trị cẩn trọng của quân đội nước này.

Cho dù bên nào có lợi sau vụ đảo chính này, cuối cùng đất nước Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ do một lực lượng hẹp hòi và đầy thù hằn lãnh đạo. Trong trận chiến bất ngờ của số phận nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ, một bên chắc chắn sẽ giành chiến thắng và nền dân chủ của Ankara cũng chắc chắn đã thất bại.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Foreign Policy (Tạp chí Chính sách đối ngoại), tạp chí của Mỹ xuất bản 2 số/tháng. Tạp chí này được thành lập vào năm 1970, hiện nay do ông David Rothkopf làm chủ biên.

Tuệ Minh - infonet.vn

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN