Người Việt Odessa
Tin thế giới

Indonesia dùng vũ khí gì đối phó với Trung Quốc

Thứ hai, 11/07/2016 | 23:08
Với giá dầu giảm như hiện nay, nhiều quốc gia phải thu nhỏ các dự án năng lượng lớn, tuy nhiên Indonesia lại đang đẩy mạnh sản xuất năng lượng với hy vọng chống lại một mối đe dọa khác, đó là hoạt động quân sự trái phép của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Sự hung hăng của Trung Quốc với việc tuyên bố lãnh thổ trên Biển Đông đã làm dậy sóng khắp khu vực Đông Nam Á trước phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA). Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) sẽ ra phán quyết cuối cùng vào ngày mai (12/7) với đa số dự đoán của các chuyên gia là một kết quả không có lợi cho Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh từ trước đến nay vẫn luôn khẳng định sẽ bác bỏ phán quyết này.

Indonesia cho biết nước này không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và Bắc Kinh cũng không can thiệp vào chủ quyền của Jakarta trên quần đảo Natuna, song Indonesia vẫn tuyên bố quyền đánh bắt cá ở các vùng biển lân cận.

Indonesia dùng vũ khí gì đối phó với Trung Quốc
Tàu cá của Indonesia bên cạnh tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc.

Giống như các quốc gia trong khu vực khác, Indonesia đang dần xây dựng sự hiện diện quân sự và kinh tế trước tham vọng xâm chiếm lâu dài của Trung Quốc. Chuẩn Đô đốc Achmad Taufiqoerrochman, chỉ huy Hạm đội phương Tây của hải quân Indonesia, cho biết số lượng tàu cá Trung Quốc xuất hiện quanh quần đảo Natuna đã tăng kể từ tháng 3 và đánh bắt cá đã trở thành cái cớ để Bắc Kinh củng cố tuyên bố về chủ quyền trước phán quyết của PCA.

Để bảo vệ quyền khai thác khí gas, dầu mỏ và sinh vật biển quanh khu vực quần đảo Natuna, Indonesia dự định sẽ tăng cường phát triển các lĩnh vực này, khuyến khích thêm nhiều ngư dân tới đây, xây dựng một bến cảng và đường băng máy bay. Tổng thống Indonesia, Joko Widodo nói với các thành viên nội các trong cuộc họp vào tháng trước, cho biết: “Trong số 16 mỏ dầu và gas xung quanh Natuna, chỉ có 5 mỏ đang hoạt động, 7 mỏ đang thăm dò và 4 mỏ còn lại vẫn đang trong giai đoạn xây dựng. Tôi muốn dồn mọi nguồn lực để thúc đẩy quá trình sản xuất ngay lập tức”.

Việc đẩy mạnh sản xuất gas và dầu mỏ sẽ giúp Indonesia củng cố vị thế ở các khu vực xung quanh quần đảo Natuna cũng như cảnh cáo bất kỳ quốc gia nào muốn thách thức vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh đảo mà Jakarta cho rằng nó đã được quy định theo luật pháp quốc tế. Việc sở hữu các tài sản kinh tế trong khu vực có thể cho Indonesia quyền tuần tra lãnh hải quanh Natuna bằng tàu quân sự hay tàu bảo vệ bờ biển, ngăn không cho các thế lực bên ngoài xâm phạm.

Tuy nhiên, Indonesia sẽ gặp khó khăn trong việc đẩy nhanh quá trình sản xuất năng lượng do chi phí đắt đỏ. Song, lời khẳng định của Tổng thống Widodo cho thấy nỗ lực của các quốc gia Đông Nam Á trong việc tăng cường sự hiện diện quân sự và kinh tế ở Biển Đông khi Bắc Kinh không ngừng gia tăng sự ảnh hưởng của mình.

Indonesia dùng vũ khí gì đối phó với Trung Quốc
Tổng thống Indonesia trên một tàu Hải quân ở khu vực quần đảo Natuna.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông thông qua tấm bản đồ “đường chín đoạn” từ phía Nam đảo Hải Nam tới gần bờ biển phía Bắc Indonesia, chỉ cách nước này hơn 1.100 km. Đây là tuyến đường hàng hải huyết mạch của khu vực và thế giới, với trị giá thương mại khoảng 5 nghìn tỷ USD mỗi năm, cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, 11 tỷ thùng dầu và hơn 190 nghìn tỷ khối gas tự nhiên. Số liệu này cho thấy Biển Đông là một trong những khu vực dự trữ gas lớn nhất thế giới.

Bên cạnh việc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cùng với các quốc gia Malaysia, Việt Nam và Philippines, Trung Quốc đã tăng cường năng lực quân sự của mình, bao gồm cập nhật các loại vũ khí mới nhất như tên lửa đất đối không. Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm ước tính chi tiêu quân sự hàng năm của Trung Quốc đã tăng gần gấp 3 trong vòng 10 năm qua, lên mức 215 tỷ USD.

Các quốc gia khác cũng đang thúc đẩy chi tiêu quốc phòng để đáp trả. Indonesia mới đây đã tăng ngân sách quốc phòng năm 2016 thêm 9% so với mức dự tính, bất chấp các bộ khác phải cắt giảm chi tiêu. Malaysia cũng đã đặt thêm tàu chiến mới và lên kế hoạch chuyển đổi các giàn khoan dầu thành các căn cứ hiện đại. Việt Nam cũng đã mua tàu ngầm lớp Kilo từ Nga và gần đây là tái đầu tư cho căn cứ vịnh Cam Ranh.

Trong khi đó, Mỹ đang chuẩn bị triển khai các lực lượng tới 5 căn cứ quân sự ở Philippines theo thỏa thuận quốc phòng được ký kết năm 2014. Hồi tháng 6 vừa qua, bốn hệ thống tác chiến điện tử EA-18G Growler của hải quân Mỹ đã được đặt ở căn cứ không quân Clark, cơ sở gần với Biển Đông, để hỗ trợ các hoạt động trinh sát của quân đội Hoa Kỳ.

Tóm lại, các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ Biển Đông với Trung Quốc, gồm Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines đều đã tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong một thập kỷ trở lại đây. Timothy Heath, cố vấn cao cấp tại tổ chức RAND, viện nghiên cứu tại California, Mỹ, nhận định: “Việc gia tăng quân sự trong khu vực là một sự phát triển khác thường. Các nỗ lực ngoại giao nói riêng không đủ để giải quyết căng thẳng với Trung Quốc cũng như đảm bảo sự ổn định, vì vậy tăng cường hiện diện quân sự là điều cần thiết”.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Wall Street Journal (WSJ) là một nhật báo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, xuất bản tại Thành phố New York, tiểu bang New York , Mỹ với lượng phát hành rất lớn trên toàn thế giới.

Tuệ Minh - infonet.vn

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN