Người Việt Odessa
Tin thế giới

Ngư dân Philippines mong muốn gì trước phán quyết của tòa quốc tế?

Thứ hai, 11/07/2016 | 05:05
Nhiều năm trước, những ngư dân ở thị trấn yên bình Infanta, Philippines không quan tâm nhiều đến chuyện chính trị, ngoại giao quốc tế và chủ quyền biển đảo.

Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi từ bốn năm trước, khi lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đột ngột tiến vào và xâm chiếm trái phép khu vực bãi cạn Scarborough, khiến các ngư dân Philippines không thể đánh bắt cá một cách yên bình trong vùng 124 hải lý trên Biển Đông. Kể từ đó, nhiều ngư dân đã phải bỏ nghề, nhiều người phải tìm kiếm công việc khác.

Tuy nhiên, họ hy vọng phán quyết hôm 12/7 tới của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế ở Hague có thể thay đổi được tình hình và giúp họ tiếp tục đánh bắt cá mà không phải lo sợ bị đuổi đánh, đâm bởi tàu Trung Quốc hay bị tấn công bằng vòi rồng.

Henry Dao, 45 tuổi, chủ một tàu đánh cá ở bờ biển tỉnh Pangasinan, cách thủ đô Manila 300 km, cho biết: “Tôi hy vọng chúng tôi sẽ thắng trong vụ kiện này để những ngư dân như tôi có thể quay trở lại bãi cạn Scarborough nơi có rất nhiều cá, sẽ giúp chúng tôi cải thiện cuộc sống cua mình. Tôi có niềm tin lớn rằng tòa án sẽ ra phán quyết có lợi cho chúng tôi”.

Ngư dân Philippines mong muốn gì trước phán quyết của tòa quốc tế?
Ngư dân Philippines mong muốn có thể đánh bắt cá trong hòa bình, không bị tàu Trung Quốc tấn công trái phép. Nguồn: Reuters

Đối với các ngư dân, lực lượng chiếm tới 1/3 dân số thị trấn Infanta, chặng đường kéo dài 16 tiếng tới bãi cạn Scarborough, nơi họ sẽ lưu trú khoảng 10 ngày mỗi lần, là một hành trình vô cùng cần thiết nhưng lại hết sức nguy hiểm khi có sự hiện diện của Trung Quốc.

Rubenado Querubin, thuyền trưởng của một tàu đánh cá, ước tính mỗi chuyến đi đánh cá tiêu tốn khoảng 2.500 USD và nhiều khi thủy thủ đoàn của ông không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tìm cách lẩn trốn khỏi những vụ tấn công của tàu Trung Quốc, nếu không họ sẽ phải chịu tổn thất lớn khi không đánh bắt được lượng cá cần thiết.

“Chúng tôi đang chơi trò mèo vờn chuột với các tàu Trung Quốc. Họ ngăn không cho chúng tôi tới gần địa điểm đánh bắt cá, họ còn cho quân lính vũ trang đi trên các thuyền cao su đuổi theo chúng tôi”, ông nói.

Phán quyết sắp tới của PCA sẽ có vai trò kinh tế quan trọng đối với Philippines, đất nước có tới 1/3 tổng sản phẩm quốc nội là từ ngư nghiệp. Nhu cầu đánh bắt cá ngày càng gia tăng ở đất nước này.

“Cuộc chiến” với Bắc Kinh có thể rất nguy hiểm và tốn kém. Chủ tàu khác là Antonio Gono cho hay mới tuần trước, một chiếc tàu Trung Quốc đã đâm tàu cá Philippines, khiến tàu bị hư hỏng nặng. “Chúng tôi nghe thấy tín hiệu kêu cứu trên radio, họ tìm kiếm sự giúp đỡ. Tôi nghĩ rằng thủy thủ đoàn vẫn an toàn nhưng con tàu thì không thể hoạt động được nữa”, ông Gono kể lại.

Luis Madarang, người đứng đầu Ủy ban Nông nghiệp chính quyền Infanta, rất tự tin trước phán quyết có lợi của tòa án nhưng vẫn muốn thúc đẩy các kế hoạch cải tiến lực lượng tàu nhỏ của Philippines để trang bị các thiết bị tiên tiến giúp phòng vệ và nâng cao năng suất đánh bắt cá.

“Dù thắng hay thua thì chính quyền cũng sẽ giúp các ngư dân. Thật không công bằng khi Trung Quốc cứ ở đó và khai thác trái phép các nguồn tài nguyên ở Biển Đông”, ông nói.

Lorenzo, một ngư dân khác, cho hay: “Trước khi Trung Quốc đến, chúng tôi vẫn làm công việc của mình cùng với các ngư dân Việt Nam và một số nước khác. Chúng tôi thậm chí còn trao đổi lương thực, đồ uống và các loài cá đánh bắt được. Mọi người đều khi đó đều hạnh phúc”.

Tòa Trọng tài ở The Hague sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách “đường 9 đoạn” Trung Quốc đơn phương vẽ ra ở Biển Đông vào ngày 12/7. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng phán quyết của tòa sẽ bất lợi cho Trung Quốc.

Giữa Trung Quốc và Philippines trong nhiều năm trở lại đây đã có những đối đầu căng thẳng ở bãi cạn Scarborough mà hai bên đều tuyên bố chủ quyền. Ngày 22/1/2013, Philippines đã nộp bản Thông báo và Tuyên bố khởi kiện Trung Quốc ra trước Tòa trọng tài của Liên hợp quốc về “Thẩm quyền trên các vùng biển của Philippines đối với Biển Đông theo các quy định của Phụ lục VII, UNCLOS.

Sau khi hội đồng Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS ngày 21/6/2013, Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm không chấp nhận, cũng như không tham gia quá trình tố tụng.

Trước vụ kiện này, nhiều quốc gia đã bày tỏ quan điểm lập trường của mình lên tiếng ủng hộ Philippines trong vụ kiện như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Australia và nhiều nước EU... Còn phía Trung Quốc dù không công nhận vụ kiện, nhưng quốc gia này vẫn có những chiến dịch vận động hành lang các nước không ủng hộ vụ kiện Philippines khởi xướng. Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, đến thời điểm hiện tại số quốc gia lên tiếng ủng hộ Trung Quốc mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.

Tuệ Minh - infonet.vn

 


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN