Người Việt Odessa
Tin thế giới

2018: Thế giới sẽ tiếp tục biến động?

Thứ hai, 01/01/2018 | 13:22
Năm 2018 sẽ tiếp tục là một năm nhiều đổi thay của chính trường thế giới.

Dự báo luôn là công việc khó khăn, hơn thế việc dự báo sự nổi lên của những nhân tố bất ngờ có khả năng thay đổi tình hình thế giới lại càng khó. Tuy nhiên, từ các dữ kiện nổi bật trong năm 2017, chúng ta có thể đưa ra một vài dự báo về tình hình thế giới trong năm 2018 và kịch bản chủ đạo phải chăng 2018 sẽ tiếp tục là một năm đầy biến động lớn của thế giới.

Lối đi cho Mỹ - Trung

Năm 2018, quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington sẽ tiếp tục là mối bang giao “quan trọng nhất thế giới” và tiếp tục có những tác động lớn đến các cặp quan hệ khác trên phạm vi toàn cầu.

Trong Chiến lược An ninh Quốc gia mới (NSS 2017) được Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cuối tháng 12/2017, Mỹ đã xác định Trung Quốc là đối thủ. Trước một Tổng thống Donald Trump đầy thực dụng, nhiều khả năng chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ cố gắng bằng cách nào đó để "tăng thiện cảm" với Trump. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng sẽ chống lại bất cứ nỗ lực nào của Washington nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, thương mại hay tìm cách cản trở bước đi của siêu cường thứ hai thế giới này.

Liên quan đến việc Mỹ rút khỏi TPP, đây là cơ hội để Trung Quốc thúc đẩy hai sáng kiến hợp tác đa phương là Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP) và Khu vực Tự do Thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), cũng như chiến lược Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Hiện nay, một trong những hạng mục đầu tư ra nước ngoài mà Trung Quốc chú trọng nhất là ngành xây dựng và cơ sở hạ tầng. Với việc thúc đẩy những sáng kiến kết nối hạ tầng, Trung Quốc sẽ có cơ hội xuất khẩu xây dựng thị trường, nhằm xuất khẩu nhiều mặt hàng và năng lực được coi là thế mạnh của quốc gia này. Do đó, “xuất ngoại” tiếp tục là phương hướng chủ đạo của Bắc Kinh trong năm tới.

Tại Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2017 tổ chức tại Việt Nam, Tổng thống Mỹ đã liên tục đề cập tới khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nhiều nhà phân tích cho rằng đây là một bước chuyển đáng kể về chiến lược của Mỹ, khi mở rộng chiến lược của mình trong khu vực sang cả Ấn Độ và các nước Nam Á. Thành công trong việc hiện thực hóa ý tưởng Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ sẽ mang đến những biến động lớn tới cục diện quốc tế thời gian tới.

Tuy nhiên, khi xem xét những động lực thay đổi ở châu Á - Thái Bình Dương hiện nay, ý tưởng về Ấn Độ - Thái Bình Dương, cùng ý nghĩa chiến lược của nó sẽ khó có thể thành công mà không có một Đối thoại An ninh của "tứ giác kim cương" Mỹ - Ấn - Nhật - Úc vững chắc. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng việc các nước cần làm là củng cố và mở rộng hợp tác, xây dựng một “liên minh” vững mạnh, làm nền tảng để xây dựng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng.

Chênh vênh Nga – Mỹ

Cặp quan hệ Nga - Mỹ cũng thu hút quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế trong thời gian qua. Trong chiến dịch tranh cử và sau khi thắng cử, đã không ít lần Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai ca ngợi người đồng cấp Nga Vladimir Putin và mong muốn cải thiện quan hệ Mỹ - Nga.

 Do đó, năm 2018, nhiều người hy vọng hai nhà lãnh đạo có thể sẽ đàm phán một cách nghiêm túc về những vấn đề còn tồn tại. Ông Trump cho rằng quan hệ tốt hơn với Nga chính là lợi ích của Mỹ và không ủng hộ những nỗ lực “cực đoan hóa” hình ảnh của ông Putin. Rõ ràng, Moscow không phải chịu trách nhiệm về những vấn đề làm ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ song phương (như sự mở rộng của NATO).

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của nước này trên các mặt trận Afghanistan, Syria hay trong vấn đề Iran là rất có giá trị. Giới quan sát cho rằng chính quyền Trump mong muốn xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga là phù hợp với lợi ích của Mỹ lúc này.

Tuy nhiên, chính giới Mỹ và Nga sẽ đặt ra giới hạn xem hai vị Tổng thống có thể gần nhau tới đâu, khi trong bản NSS 2017, Mỹ vẫn coi Nga là đối thủ.

Nội tình EU

Trong khi đó, tại châu Âu, Sau năm 2017 với những cuộc bầu cử quan trọng ở Pháp, Đức, Hà Lan, v.v..., các nước Liên minh châu Âu EU sẽ phải vất vả xử lý các công việc nội bộ trong năm 2018.

Bản thân EU đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Khủng hoảng nợ còn để lại dư âm và tác động xấu chưa chấm dứt thì những vấn đề mới đã nổi lên. Các đảng cánh hữu mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa sẽ hoạt động mạnh hơn. Các phong trào ly khai ở Tây Ban Nha, Anh, v.v... sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm tình hình ở châu Âu.

Ngay cả tại quốc gia đầu tàu EU là Đức, tình hình cũng không mấy lạc quan. Đàm phán thành lập Chính phủ ở Đức đã thất bại và chưa có nhiều tiến triển mới. Thực trạng này khiến nhiều người lo ngại rằng Berlin sẽ phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018. Sự ra đi của Thủ tướng Angela Merkel trong bối cảnh EU gặp khó, cùng làn sóng cực hữu mạnh mẽ tại chính trường Đức là viễn cảnh mà người dân Đức nói riêng và EU nói chung không hề muốn xảy ra.

Trong bối cảnh đó, EU còn phải tìm kiếm hướng đi mới cho các vấn đề an ninh và đối ngoại chung. Washington đã nhiều lần than phiền về các đồng minh châu Âu tận hưởng sự bảo hộ của Mỹ giống như những kẻ đi xe không trả tiền. Nếu an ninh là một phần của hàng hóa công cộng mà tất cả các thành viên của một liên minh có thể tiêu thụ, thì liệu có bất công khi chỉ có những thành viên lớn trả tiền, còn những thành viên khác được bảo vệ mà không phải trả hay đóng góp một phần tương xứng.

Do đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đã đến lúc châu Âu cần cân bằng giữa sức mạnh kinh tế và chi tiêu quốc phòng, đồng thời có trách nhiệm hơn trước những mối đe dọa chung, thay vì tiếp tục “dựa dẫm” vào Washington.

“Điểm nóng” sẽ nguội?

Một số chuyên gia hy vọng rằng trong năm 2018, các xung đột quốc tế sẽ có chiều hướng giảm nhẹ. Ukraine hiện vẫn là địa bàn tranh chấp của Nga và Mỹ, nhưng chính quyền thân phương Tây của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đang gặp rất nhiều khó khăn. Diện tích quốc gia bị thu hẹp, kinh tế khó khăn, xung đột xã hội, nội chiến... nhiều khả năng sẽ khiến Ukraine phải tính toán lại chiến lược nếu không muốn trượt dài vào khủng hoảng toàn diện.

Trong khi đó, tại Syria, sau khi Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng được cho là đã bị đánh bại, liệu các cường quốc đã mệt mỏi và chán nản với những cuộc chơi địa chính trị ở vùng xoáy bất ổn này? Do đó, cả Mỹ và Nga có thể sẽ giảm bớt sự hiện diện tại khu vực này với mức độ quan tâm vừa phải, nếu như lợi ích của họ từ chính xung đột đó vẫn được đảm bảo.

Hai “điểm nóng” khác liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) sẽ tiếp tục là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Washington năm 2018.

Theo cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, thành tựu ngoại giao lớn nhất mà ông để lại là ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, những động thái mới đây của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump có thể sẽ đảo lộn tình hình. Mặc dù vậy, Iran vẫn đang thể hiện thiện chí, bởi lúc này Tehran cần phát triển kinh tế hơn quân sự, đồng thời tiếp tục đối phó với vấn đề khủng hoảng ở cấp độ khu vực.

So với Iran, Bình Nhưỡng còn là bài toán khó khăn hơn. Ngay cả trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, bị cô lập với phần còn lại của thế giới, Triều Tiên vẫn có thể sản xuất, chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa vượt qua sức tưởng tượng của cộng đồng quốc tế. Thời gian tới, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục thi hành chính sách “bên miệng hố chiến tranh”, đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của mình nhằm đổi lấy sự nhượng bộ từ các nước.

Về phần mình, tuy từng mạnh miệng đe dọa với Bình Nhưỡng, nhưng Mỹ nhiều khả năng sẽ không tấn công quân sự Triều Tiên, trừ khi chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un có động thái vượt qua giới hạn chịu đựng của Mỹ và cộng đồng quốc tế.

Có thể nói, năm 2018 vẫn sẽ là một năm sôi động của cộng đồng quốc tế. Hy vọng rằng thế giới sẽ không phải chứng kiến thêm những cuộc xung đột và chiến tranh.

Theo Baoquocte


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN