BN201 là nam sống cạnh Làng Sen, anh bị sốt, liên tục trong 4 ngày liền không giảm nên hôm qua đã được nhập viện.
BN202 là nữ, sống tại khu vực Sukhoiliman, 4 ngày trước chị bị đau họng, sốt nhẹ 37,5 độ, ngoài ra không có biểu hiện gì khác. Chiều hôm qua, chồng chị thấy chị mặt bị nhợt, người tái nên đã đưa chị đi chụp phổi tại 1 cơ sở y tế, kết quả bị viêm nhiễm 70%, tuy nhiên cơ sở y tế cho biết chị không vấn đề gì, chỉ cần truyền vitamin sẽ khỏi, đồng thời hẹn sáng nay đến truyền tiếp. Sáng nay, chị thấy trong người khó thở, lúc này gia đình mới liên lạc cho Ban phòng chống dịch bệnh cộng đồng, chị đã được giúp đỡ nhập viện trong tình trạng oxi dưới 90%. Hiện tại phổi chị tổn thương đến mức chị phải thở 2 máy.
BN203 là nam - chồng của BN186 đang nằm viện, 1 tuần trước khi vợ nhập viện anh cũng có đi thử nhưng kết quả âm tính nên nghĩ mình không sao. 4 ngày trở lại đây anh bị ho và sốt nhẹ, thử PCR lần hai có kết quả dương tính, chụp phổi bị viêm nhiễm 10%. BN lớn tuổi nên đã được nhập viện điều trị.
Hôm nay cộng đồng cũng ghi nhận 9 trường hợp khỏi bệnh đó là các BN: 175, 176, 177, 178, 184, 190, 192, 196 và 172. Riêng trường hợp BN172 là vợ của BN165 chị đã khỏi bệnh nhưng được bệnh viện cho ở lại để chăm sóc cho chồng. BN165 đã nhập viện cách đây tròn 1 tháng, tình trạng sức khỏe rất kém nhưng không có chiều hướng xấu đi, có hôm có tiến triển tốt - là một trong những ca nặng tại bệnh viện truyền nhiễm Odessa. Hàng ngày BN được các bác sĩ là GSTS đầu ngành trong tỉnh đến khám, chữa bệnh và làm hết những gì có thể, Ban phòng chống thường xuyên gọi điện thăm hỏi. Hiện tại tất cả đều trông chờ vào điều kỳ diệu và nỗ lực của bản thân bệnh nhân.
Như vậy, tính đến hôm nay, toàn cộng đồng ghi nhận 203 ca nhiễm Covid-19, 183 ca đã khỏi bệnh, 20 ca đang điều trị, trong đó 8 ca nặng phải nhập viện.
Giải thích tại sao BN202 trong 4 ngày chỉ sốt nhẹ nhưng phổi tổn thương đến 70%, bác sĩ điều trị cho biết, động lực tấn công của virut trong chị rất mạnh, trước đó chị lại bị ung thư, đã điều trị hóa trị nên hệ miến dịch rất kém, không đủ sức chống chọi. Bác sĩ bệnh viện truyền nhiễm cũng nói thêm, so với các cộng đồng khác, số ca lây nhiễm và nhập viện của người Việt rất cao. Một phần do người Việt sống tập chung nhưng nguyên nhân chính là rất chủ quan và hay tụ tập mà quên rằng trong đại dịch Covid này rất nhiều ca tử vong, ngay cả với những nước có nền y tế tiên tiến như Anh, Pháp, Mỹ. Hàng ngày trong bệnh viện, mỗi khoa có 2-3 ca tử vong trong đó nhiều người trẻ. Vì thế ông lưu ý bà con và nhấn mạnh: "Bác sĩ không phải Thượng đế để có thể làm được tất cả mọi việc".
Trong khi đó, ông Nguyễn Như Mạnh - Trưởng Ban phòng chống dịch bệnh cộng đồng phàn nàn, nhiều bà con sau 5-6 ngày bị bệnh mới thông báo gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch. Trong thời gian đó họ có những cách xử lý không đúng, không những gây nguy hại cho sức khỏe bản thân mà còn lây lan cho cộng đồng. Trong 20 ca đang điều trị hiện nay, có đến 8 ca (chiếm 40%) điều trị trong bệnh viện cho thấy tỷ lệ ca nặng rất cao, tiềm ẩn nhiều khả năng sẽ xuất hiện ca tử vong trong cộng đồng. Vì thế ông Mạnh kêu gọi bà con nên thông báo ngay khi mình có biểu hiện nhiễm Covid-19 tránh lây lan trong cộng động và để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất. Ông nhấn mạnh: "Đây không chỉ là trách nhiệm mà thực sự là quyền lợi của chính mỗi bệnh nhân vì Ban phòng chống đang sử dụng mọi nguồn lực cộng đồng để hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh."
Ông Mạnh lưu ý thêm, ngoài số ca nhiễm đã công bố, hiện có ít nhất 2 cơ sở sản xuất hầu như toàn bộ công nhân đã bị nhiễm Covid-19, đặc biệt nguy hiểm khi những người này khả năng tiếp cận được sự chăm sóc y tế một cách đầy đủ là rất khó.
Ban phòng chống dịch bệnh cộng đồng.