Người Việt Odessa
Tin Tức

Phỏng vấn ông Nguyễn Như Mạnh về phòng chống dịch Covid-19

Thứ tư, 01/04/2020 | 11:29
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Ucraina, báo Người Việt Odessa đã phỏng vấn Chủ tịch Hội Nguyễn Như Mạnh- Trưởng Ban tuyên truyền và vận động phòng chống dịch Covid-19 trong cộng đồng về các nội dung, chủ đề đang rất nóng hiện nay nhằm giả đáp các câu hỏi của bà con.

-Trước tiên, xin ông cho biết, số ca nhiễm Covid-19 tại Ucraina và Odessa hiện nay?

Theo thông báo của Bộ Y tế Ucraina, vào thời điểm 10 giờ sáng ngày 1/4/2020, tại Ucraina có 669  ca nhiễm Covid-19, trong đó 17 bệnh nhân đã tử vong và 10 người đã khỏi bệnh hoàn toàn. Còn tại Odessa có 12 ca nhiễm. Như vậy, trong vòng 1 ngày, số ca nhiễm tại Ucraina tăng lên 120 ca.

Chủ tịch Hội Nguyễn Như Mạnh

-Người bị nhiễm virus Covid-19 có biểu hiện gì và virus này tấn công cơ thể con người như thế nào, thưa ông Nguyễn Như Mạnh?

Người bị nhiễm Covid-19 khi phát bệnh thường có các biểu hiện sốt, mệt mỏi, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, có thể tiêu chảy. Các biểu hiện này không đặc hiệu nên người bệnh không thể phân biệt được Covid-19 hay cảm cúm thông thường. Đa số những người nhiễm Covid-19 có biểu hiện bệnh nhẹ nhưng một số người có thể có viêm phổi nặng, tổn thương nhiều phủ tạng khác và thậm chí tử vong.

Covid-19 cũng có điểm đặc trưng là dễ lây nhưng rất khó phòng tránh vì con đường lây không chỉ qua giọt bắn trong không khí mà còn lây qua những bề mặt mà virus bám dính mà tay người buộc phải tiếp xúc.

Khi người bệnh ho, hắt hơi làm đào thải virus ra môi trường. Chính những giọt bắn phát tán từ người mắc bệnh rơi xuống, bám dính trên các bề mặt như vậy, người chạm vào bị nhiễm phải hoặc gió thổi vào bề mặt bị nhiễm làm bắn virus vào mặt người.

-Tại Ucraina, nhiễm Covid-19 mức độ nào cần nhập viện chữa trị?
Ngày 29/3/2020, Ucraina đã ban hành tiêu chuẩn y tế mới, áp dụng trong điều trị người nhiễm dịch Covid-19. Theo đó, các bệnh nhân Covid-19 được phân loại theo triệu chứng và tình trạng sức khỏe để quyết định hình thức chữa trị: điều trị tại nhà hay nhập viện. Theo tiêu chuẩn mới của Bộ Y tế, những ca nhiễm dịch ở thể nhẹ, không có nguy cơ biến chứng và những bệnh nhân đang trong quá trình hồi phục, không cần có sự theo dõi của bác sỹ cả ngày đêm, được khuyến nghị chữa bệnh tại nhà.

Với các trường hợp này, bác sỹ sẽ thường xuyên kiểm tra qua điện thoại tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, cũng như những người có tiếp xúc với họ. Bác sỹ cũng có thể trực tiếp đến thăm bệnh nhân, nhưng phải đảm bảo quy tắc an toàn phòng chống lây nhiễm. Các nhân viên y tế và người phục vụ bệnh nhân Covid-19 phải sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân. 

Việc chữa trị tại nhà bị cấm áp dụng đối với những bệnh nhân thuộc nhóm có nguy cơ biến chứng cao, hoặc có những triệu chứng điển hình của tình trạng bệnh mức độ trên trung bình hoặc nặng. Các triệu chứng này gồm có: Nghẹt thở; Khó thở; Thở gấp; Thở dốc; Ho ra máu; Biểu hiện rối loạn chức năng tiêu hóa (buồn nôn, nôn mửa, kiết lỵ); Biểu hiện rối loạn chức năng thần kinh (lẫn, phản xạ chậm).
Các chuyên gia y tế lưu ý, triệu chứng khó thở ở người nhiễm Covid-19 thông thường xuất hiện ở tuần thứ hai sau khi phát bệnh.

-Phải làm gì nếu không khỏe hay có các triệu chứng nhiễm bệnh?

Bộ Y tế đã ban hành một lệnh về cách thức phát hiện và chữa bệnh Covid-19 như sau: Trước tiên, bà con nên liên hệ với bác sĩ gia đình (bsgđ) của mình. Nhưng có trường hợp không gọi được cho bsgđ, hoặc không có bsgđ thì gọi vào các số sau: 15-50 và 0-800-50-15-50 hoặc,

Đường dây nóng của Bộ Y tế: 0-800-50-52-01

Tổng đài của chính phủ (trả lời tự động): 1545

Trung tâm Y tế Công cộng Bộ Y tế:  (044) 425-43-54

Nếu nặng thì gọi 103 và khuyên không nên tự đến bệnh viện.

Những bệnh nhân có chỉ định nhập viện sẽ được xe cấp cứu đưa đến nhưng cơ sở y tế được chỉ định trong khu vực để điều trị.

Với bà con trong cộng đồng mà tiếng Nga không được tốt, có thể gọi đến đường dây nóng của Ban tuyên truyền và vận động

Tiếp nhận mọi thông tin: +380677023907 (ông Nguyễn Văn Đức)

+ Tư vấn y tế: + 380934755566 (Bác sỹ Nguyễn Phương Hoa)

 

-Chính phủ Ucraina cho phép những người nhiễm Covid-19 được phép ra khỏi nhà, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Đó là những trường hợp, trong đó có người lớn tuổi, sống một mình và không có người thân thích bên cạnh. Vì thế Nghị định Chính phủ nêu rõ, những người cần phải cách ly, có trách nhiệm phải kiềm chế tiếp xúc với những người khác, trừ trường hợp với những người họ chung sống, kiềm chế không đến nơi công cộng. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, cho phép tới những nơi bán thực phẩm, hiệu thuốc, đồ dùng vệ sinh, tới các cơ quan y tế, với điều kiện sử dụng đồ dùng bảo vệ cá nhân và chấp hành khoảng cách tối thiểu 1,5 m.

-Tình hình phòng chống dịch bệnh của bà con ta trong cộng đồng như thế nào thưa ông?

Tình hình chung, bà con đã ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh, mỗi gia đình cũng đã tự chấp hành cách ly tốt, các đơn vị đã kiểm soát tương đối tốt việc đi lại của đơn vị mình. Hiện nay, trong cộng đồng chưa có người nhiễm bệnh virus Covid-19. 

Riêng Làng Sen đã triển khai đội ngũ bảo vệ tình nguyện trong chính bà con của mình và hiện hoạt động rất hiệu quả. Để duy trì sự hiệu quả đó, Ban quản trị và các trưởng ca bảo vệ thường xuyên trao đổi để kịp thời điều chỉnh những vấn đề chưa phù hợp.

-Tại Làng Sen có ý kiến đề xuất nên thu xếp để bảo vệ và nhân viên kỹ thuật  sống tại Làng Sen để tránh tiếp xúc nguồn bệnh khi những nhân viên này đi lại hoặc tiếp xúc với người khác. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Để tránh lây lan Covid 19, điều quan trọng nhất lúc này là ở nhà, tránh tiếp xúc với mọi người, đặc biệt là phải bảo đảm khoảng cách trên 2 m. Hiện nay ở Việt Nam và tại một số nước cấm tụ tập trên 2 người. Ngoài ra lưu ý năng rửa tay bằng xà phòng nhất là sau khi đi ra ngoài vào.

Để phòng bệnh tốt, bà con nên giữ khoảng cách trên khi tiếp xúc với bảo vệ, những người Tây phụ trách kỹ thuật và bà con trong làng; Đừng tập trung đông trước cổng bảo vệ và nên chia 1, 2 người thôi để giám sát cùng bảo vệ là được rồi.

Theo Bộ trưởng Bộ nội vụ Ucraina cho biết, tại Ucraina để quay trở lại cuộc sống bình thường không sớm hơn ngày 15/5. Vì thế, Ban quản trị các khu dân cư cần phải luôn linh hoạt, khoa học vừa để đảm bảo an toàn sức khỏe, vừa tránh bí bách cho bà con.

-Xin cám ơn ông!

P/v Người Việt Odessa


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN