Chưa phát hiện thêm ca mắc Covid-19 trong cộng đồng
Ông Nguyễn Như Mạnh - Trưởng Ban phòng chống dịch cộng đồng cho biết đến thời điểm này, kết quả xét nghiệm của 19 trường hợp F1 và hơn 10 trường hợp F2 cho thấy chưa có thêm bất kỳ bà con nào trong cộng đồng dương tính, trừ hai ca đã được công bố.
Trong ngày hôm nay đã có thêm 5 trường hợp F1 đi xét nghiệm và đang chờ kết quả. Như vậy chỉ còn lại hai trường hợp F1 là chưa xét nghiệm - là cặp vợ chồng sống tại Sorsa đã tiếp xúc với bệnh nhân tại gia đình vào ngày 8/6 và đã qua 14 ngày không có bất cứ triệu chứng nào.
Ông Mạnh nói, chúng ta đang sống trong vùng dịch, phải khẳng định rằng tất cả bà con khi ra khỏi nhà là đối tượng phơi nhiễm, nhưng trong thuật ngữ truyền nhiễm được gọi là “phơi nhiễm chủ động”, tức có những phòng ngừa, bảo hộ đầy đủ, nó khác với các trường hợp F1 tiếp xúc tại gia đình không có phòng ngừa. Từ các kết quả xét nghiệm và thực tế cộng đồng cho thấy việc cách ly F1 cần phải xem xét rất cẩn thận để không ảnh hưởng đến cộng việc làm ăn của bà con. Tuy nhiên việc xét nghiệm F1 là bắt buộc.
Ông Mạnh nêu ví dụ, một anh A ra chợ chẳng may tiếp xúc với bệnh nhân, vậy anh ta là F1 phải cách ly 14 ngày. Sau đó anh lại ra chợ đi làm tiếp chẳng may tiếp xúc với bệnh nhân khác, vậy phải cách lý tiếp 14 ngày nữa. Mà chúng ta biết rằng, 14 ngày hay 28 ngày là quãng thời gian rất dài đối với một tiểu thương tại chợ đấy là chưa kể đến nếu rơi vào đúng thời vụ.
Không nêu tên bệnh nhân và những người F1 lên báo và không được chia sẽ lại trang cá nhân
Ông Nguyễn Văn Đức - Phó Ban phòng chống dịch thông tin về những đề xuất của bà con trong công tác phòng dịch và cuộc họp thống nhất là cộng đồng người Việt tại Odessa không nêu tên bệnh nhân và F1 lên báo. Danh sách F1 chỉ thông báo trên mạng nội bộ cộng đồng để bà con biết mà tránh tiếp xúc. Bà con cũng không được chia sẻ những thông tin này về trang cá nhân Facebook của mình.
Tại chợ 7-Km ghi nhận 7 ca nhiễm Covid-19
Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, từ thông tin của Sở y tế tỉnh Odessa, tuần qua tại chợ 7-Km ghi nhận 7 ca nhiễm Covid-19 của tiểu thương làm việc tại chợ nhưng sinh sống trong Tp. Odessa, trong đó có 6 người nước ngoài (2 người VN, 4 người TQ) và 1 người dân địa phương. Theo đánh giá của chuyên gia y tế, nguyên nhân gây nhiễm có thể là do không đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Chính vì thế, Uỷ ban nhân dân quận Ovidionolski và chợ 7-Km được yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại chợ và tiến hành kiểm tra việc chấp hành các Qui định của Bộ y tế Ucraina.
Hai trường hợp F2 có kháng thể chống Covid nhưng không tìm thấy virus
Đây là hai trường hợp F2 tại Làng Sen mà bà con đang bàn tán và tranh cãi, ông Mạnh giải thích, ông vừa xem kết quả xét nghiệm của một cháu bé Làng Sen, sinh năm 2004, nộp mẫu để thử test vào lúc 15:06 ngày 23/6/2020
1. Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR tìm Covid-19: âm tính - không phát hiện thấy Covid-19.
2. Phương pháp thử IFA tìm kháng thể: Tìm hai loại kháng thể là IGM và IGG.
Theo kết quả xét nghiệm: Loại IgM đạt mức 1,324, loại IgG là 0.019. Như vậy, trong trường hợp này, đây là kết quả nghi ngờ. Cơ thể cháu không có kháng thể, nhưng nồng độ IGM từ 1 đến 2, nói lên rằng trong cơ thể cháu có thể có Covid -19 và cháu có thể trải qua bệnh mà không có các triệu chứng.
Về trường hợp cháu thứ hai, gia đình có gọi điện thoại và thông báo là đã thử bằng hai phương pháp như trường hợp trên và cũng có kết quả như thế nhưng không có gửi kết quả xét nghiệm cho ông Mạnh.
Như vậy, thử test bằng phương pháp PCR để tìm virus mà không phát hiện ra và thử bằng phương pháp IFA tìm các chất kháng thể chống Covid thì kết quả chỉ tìm thấy một trong hai loại kháng thể là dương tính. Nhưng test kháng thể không thay quyết định kết quả của test PCR.
Hiện nay, gia đình thông báo, hai trường hợp vẫn không có các triệu chứng ho, sốt. Vì vậy thời điểm hiện tại cần theo dõi cẩn thận, cách ly và giảm tiếp xúc với người nhà trong 7 ngày. Sau 1 tuần cháu cần nộp lại mẫu máu từ tĩnh mạch (ven) để thử lại. Nếu cảm thấy trong người khó chịu, hãy gọi điện cho bác sĩ đến nhà.
Phương pháp thử IFA tìm kháng thể
Nếu xảy ra trong các trường hợp như sau:
-Nếu như nồng độ IGM<1 và IGG<10: Phương án này nói lên rằng trong cơ thể bạn không có kháng thể đối với Covid -19. Bạn chưa va chạm với Covid-19.
Bạn cần thật thận trọng đề phòng khả năng bị lây bệnh. Và nếu như bạn bị buộc phải tự cách ly theo thời hạn quy định thì bạn phải chấp hành nghiêm túc.
-Nếu IGM từ 1 đến 2 và IGG nhỏ hơn 10: là kết quả nghi ngờ. Cơ thể bạn không có kháng thể, nhưng nồng độ IGM từ 1 đến 2, nói lên rằng trong cơ thể bạn có thể có Covid -19 và bạn có thể trải qua bệnh mà không có các triệu chứng. Kiểu biểu hiện như vậy của Covid -19 hiện chưa được nghiên cứu đầy đủ. Vì thế trong trường hợp này, bạn cần giảm tiếp xúc với người nhà trong 7 ngày. Sau 1 tuần bạn cần nộp lại mẫu máu từ tĩnh mạch ( ven) để thử lại. Nếu cảm thấy trong người khó chịu, hãy gọi điện cho bác sĩ đến nhà.
-IGM lớn hơn hoặc bằng 2, IGG <10: Bạn đang trong giai đoạn bệnh. Thậm chí ngay cả khi bạn không có các triệu chứng mệt mỏi, khó chịu. Bạn là người mang mầm bệnh. Điều đó rất nguy hiểm đối với bạn và những người xung quanh bạn. Bạn cần tự cách ly 14 ngày, không được tiếp xúc với những người ruột thịt để tránh lây lan cho họ. Trong thời gian cách ly này bạn sẽ dưới sự giám sát của các nhân viên y tế. Nếu bạn cảm thấy trong người khó chịu, phải gọi cho bác sĩ ngay.
-Nếu IGM lớn hơn, hoặc bằng 2, IGG lớn hơn hoặc bằng 10: Kết quả đáng nghi ngờ: Trong cơ thể bạn có kháng thể chống Covid -19. Trong đó với nồng độ IGM như vậy, nói lên rằng, trong cơ thể bạn vẫn còn virus và bạn có thể bị mắc bệnh dưới dạng không có triệu chứng và như đã nói ở trên, dạng này chưa được nghiên cứu đầy đủ. Vì vậy để phòng bệnh, đề nghị bạn giảm tiếp xúc với người nhà trong 7 ngày và sau một tuần bạn cần nộp mẫu máu từ ven ( tĩnh mạch) để xét nghiệm lại. Nếu thấy trong người khó chịu, hãy gọi điện cho bác sĩ.
-Nếu IGM<2 và IGG lớn hơn hoặc bằng 10: Bạn đã trải qua bệnh.
Trong cơ thể bạn có kháng thể chống Covid-19. Điều này nói lên rằng, bạn từng bị nhiễm và cũng có khả năng bạn đã trải qua bệnh theo dạng không có triệu chứng. Không phụ thuộc vào điều đó, yêu cầu bạn chấp hành các biện pháp phòng chống bệnh dịch chung, đeo khẩu trang và găng tay ở những nơi công cộng.
Sơ lược đôi nét về kháng thể
Kháng thể là khả năng của cơ thể có thể chống sự xâm nhập của virus, tiêu diệt virus để bảo vệ cơ thể. Vậy nó được tạo ra như thế nào? Khi virus xâm nhập vào cơ thể , thì bằng các phản ứng hoá, sinh học phức tạp, cơ thể sẽ tạo ra chất gọi là kháng thể có khả năng như nêu trên để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus. Có điều đáng lưu ý là, tính từ thời điểm virus xâm nhập vào cơ thể ( tương ứng với thời điểm người khoẻ tiếp xúc với mầm bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, hoặc gián tiếp với đồ vật có chứa virus) cho đến khi cơ thể tự sản sinh ra được kháng thể, tối thiểu phải trên 1 tuần lễ.
Con người có thể nhận được kháng thể bằng các cách :
- Kháng thể được sinh ra trong quá trình lây nhiễm như đã nêu trên.
-Kháng thể có thể được tạo ra do tiêm chủng vacxin. Tức là các nhà bác học lấy các vi rus gây bệnh, hoặc độc tố của nó, xử lý làm cho nó yếu đi, khi đó chúng sẽ trở thành vacxin, khi tiêm chủng vacxin vào cơ thể người - sẽ tạo ra kháng thể chống virus đó.
-Hoặc lấy huyết thanh của những người đã từng ốm và đã khoẻ
Vì loại virus đó tiêm cho người đang bị bệnh để chữa bệnh do loại virus đó (huyết thanh lấy từ máu người đã từng bị loại bệnh virus nào đó và đã khỏi bệnh, sau đó lọc sạch hồng cầu, bạch cầu và các chất khác trong máu, khi đó sẽ nhận được huyết thanh chứa kháng thể chữa bệnh). Vừa rồi các bác sĩ ở Nga đã lấy huyết thanh của những người bị nhiễm Covid sau khi khỏi bệnh để chữa cho các bệnh nhân Covid -19.
Kháng thể có loại có hiệu lực rất lâu bền, có khi cả đời, ví dụ sau khi tiêm chủng đậu thì cơ thể sẽ có kháng thể miễn dịch cả đời đối với bệnh đậu mùa. Có loại kháng thể có hiệu lực vài năm, nên sau mỗi năm phải tiêm chủng nhắc lại. Cũng có loại kháng thể chỉ có tác dụng trong một mùa, ví dụ hàng năm muốn phòng chống cúm thì phải tiêm vacxin chống cúm mỗi năm. Hiện các nhà bác học chưa rõ kháng thể chống Covid -19 có hiệu lực bao lâu.
Tin từ Ban phòng chống dịch Covid cộng đồng.