Điểm cầu tại Odessa có ông Trương Văn Hùng – BT ĐU BP Odessa, đại diện cho các hội đoàn cộng đồng cùng với ba đoàn viên ưu tú tham dự.
Điểm cầu tại Văn phòng lãnh sự danh dự VN tại Odessa
Đây là dịp để kiều bào chia sẻ về những kỷ niệm đẹp trong các hải trình thăm Trường Sa và nhà giàn DK1, lan tỏa tình yêu với quê hương, đất nước...
“Hành trình của trái tim”
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Phạm Quang Hiệu, kể từ năm 2012 đến 2019, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã phối hợp với Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức 8 đoàn với sự tham gia của gần 600 lượt kiều bào đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. 8 chuyến đi là 8 “hành trình của trái tim” gửi tới hơn 5 triệu kiều bào đang sinh sống ở khắp nơi trên thế giới.
Mỗi chuyến thăm Trường Sa và nhà giàn DK1, bà con đã được tận mắt chứng kiến những đổi thay trên các đảo nổi, đảo chìm và cảm nhận ý chí quyết tâm của quân và dân ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trở về nước sở tại, nhiều kiều bào đã có các hoạt động cụ thể, thiết thực như: Thành lập các Câu lạc bộ Trường Sa tại Đức, Ba Lan, Séc...; quỹ vì chủ quyền biển, đảo tại Hàn Quốc, Singapore...; tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn về Biển Đông, xuất bản sách, ảnh về Trường Sa... và đóng góp nhiều hiện vật có giá trị.
Quang cảnh buổi giao lưu, tọa đàm tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Tiêu Nguyễn |
“Năm 2020-2021, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Ủy ban Nhà nước về NVNONN không thể tổ chức những chuyến đi như vậy. Tuy nhiên, ủy ban vẫn thường xuyên nhận được những đóng góp hết sức có ý nghĩa cả về vật chất lẫn tinh thần của đồng bào ta ở nước ngoài. Bà con vẫn luôn dành những tình cảm tốt đẹp hướng về biển, đảo quê hương, về Tổ quốc”, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho biết.
Là người trực tiếp tham gia đoàn công tác của Quân chủng Hải quân đưa bà con kiều bào thăm Trường Sa năm 2012, Thượng tá Vũ Hữu Kiêm, Trưởng phòng Tuyên huấn, Quân chủng Hải quân vẫn nhớ như in những câu chuyện cảm động mà ông được nghe trong chuyến đi. Những ánh mắt, nụ cười của kiều bào khi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ và người dân ở Trường Sa đã thể hiện niềm tin mãnh liệt của bà con vào các chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng ngọn gió.
Thượng tá Vũ Hữu Kiêm nhấn mạnh, thông qua những chuyến thăm Trường Sa và nhà giàn DK1, bà con kiều bào hiểu hơn về chủ quyền biển, đảo, sự trưởng thành vững mạnh của Hải quân nhân dân Việt Nam, đặc biệt là bà con đồng thuận với quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phản bác những luận điệu sai trái, nhận thức chưa đầy đủ về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Nhà báo kiều bào Mỹ Etcetera Nguyễn may mắn có 4 lần được ra thăm Trường Sa vào các năm 2012, 2014, 2015 và 2018. “Trước đây, cộng đồng người Việt Nam ở Little Saigon nơi tôi sinh sống có cái nhìn khác biệt với Việt Nam. Đặc biệt, biển, đảo là vấn đề luôn được bà con quan tâm. Vì lẽ đó, trước chuyến thăm Trường Sa năm 2012, ngoài sự hào hứng, hồi hộp, tôi còn có chút hoài nghi, do dự. Sau chuyến đi đó, sự hoài nghi trên đã biến mất, thay vào đó là niềm tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng và Nhà nước Việt Nam”, nhà báo Etcetera Nguyễn chia sẻ.
Từng là Tổng thư ký tờ Việt Weekly, một tờ báo nói về cộng đồng người Việt ở Mỹ và nay là Chủ nhiệm kiêm phóng viên kênh Vietnam Today, ông Etcetera Nguyễn cho biết, trọng trách của người làm báo là phải đưa tin trung thực. Sau các chuyến thăm Trường Sa, ông đã có hàng trăm bức ảnh, bài viết về thực tế ở Trường Sa, góp phần làm thay đổi cái nhìn về chính sách biển, đảo của Đảng và Nhà nước Việt Nam của một bộ phận cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ, đồng thời bồi đắp thêm tình yêu biển, đảo trong trái tim kiều bào. “Trường Sa và nhà giàn DK1 chính là mẫu số chung giúp bà con kiều bào và người dân trong nước hiểu nhau hơn”, nhà báo Etcetera Nguyễn chia sẻ.
Là người 7 lần đưa kiều bào ra thăm Trường Sa, Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân vẫn nhớ về chuyến thăm Trường Sa năm 2014. Trong thành phần đoàn công tác có một số người chống đối Việt Nam, được Bộ Ngoại giao mời trở về Việt Nam, trong đó có ông Nguyễn Ngọc Lập, thiếu úy thủy quân lục chiến ngụy quân. “Ban đầu, ông Nguyễn Ngọc Lập không có sự hợp tác. Khi lên đến đảo, ông Lập bị ốm, phải đưa về đất liền bằng thủy phi cơ. Ngày đón đoàn kiều bào từ Trường Sa trở về đất liền, ông Lập ra tận cầu cảng đón đoàn và có thái độ khác hẳn so với lúc khởi hành. Có thể nói, Trường Sa và nhà giàn DK1 chính là chất kết dính, tạo nên sự đoàn kết giữa người Việt Nam ở trong nước và kiều bào ở nước ngoài”, Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái khẳng định.
Hiệu ứng lan tỏa
Buổi giao lưu, tọa đàm “Kiều bào với biển đảo Việt Nam” là dịp để mỗi người chia sẻ về những kỷ niệm đẹp trong các hải trình thăm Trường Sa và nhà giàn DK1, lan tỏa tình yêu với quê hương, đất nước, đặc biệt với Trường Sa thân yêu. Những câu chuyện, cảm xúc mà bà Lê Thị Bích Hường, Chủ tịch Hiệp hội Italy-Việt Nam; bà Tạ Kim Liên, Ủy viên Ban chấp hành CLB Trường Sa CHLB Đức; hay chị Cao Hồng Vinh, Chủ tịch CLB Hoàng Sa-Trường Sa tại Ba Lan; ông Vũ Hữu Nam, Hội người Việt Nam tại CH Séc chia sẻ từ các điểm cầu ở Italy, Đức, Ba Lan, Séc khiến đông đảo bà con kiều bào vô cùng xúc động. “Trường Sa xin đến một lần/Để mang Tổ quốc thật gần trong tim” như những câu thơ đầy cảm xúc của ông Giáp Văn Chung, Việt kiều tại Hungary.
Nhà văn Hiệu Constant chia sẻ kỷ niệm trong chuyến thăm Trường Sa năm 2018 từ điểm cầu Paris. |
Những cuộc trò chuyện giữa cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo với kiều bào và cán bộ trên tàu hải quân trong chuyến thăm Trường Sa năm 2018 đã được nhà văn Hiệu Constant, kiều bào tại Pháp ghi lại trong cuốn truyện ký “Trường Sa và nhà giàn DK1”.
Từ điểm cầu Paris (Pháp), nhà văn Hiệu Constant chia sẻ, khi được mời tham dự chuyến thăm Trường Sa năm 2018, bà có ý tưởng sẽ viết một bài báo. Nhưng khi trở về Cam Ranh (Khánh Hòa), bà nghĩ cần phải viết một cuốn sách, bởi bài báo chỉ phản ánh một khía cạnh nào đó, còn cuốn sách sẽ truyền tải nhiều hơn cảm xúc của mình cũng như những kiều bào đi cùng về Trường Sa thân yêu.
“Thông qua truyện ký “Trường Sa và nhà giàn DK1”, tôi mong rằng những ai đã hoặc chưa từng đi Trường Sa có thêm hình dung đầy đủ, rõ ràng cuộc sống của chiến sĩ và người dân nơi đây đang ngày đêm kiên cường bám biển để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”, bà Hiệu Constant bày tỏ.
Từ điểm cầu Mỹ, kiều bào David Nguyễn cho biết, trước đây, ông từng là thành phần chống Nhà nước Việt Nam và không tin rằng Việt Nam còn giữ được biển đảo. Tuy nhiên, sau chuyến thăm Trường Sa năm 2014, ông đã thay đổi hoàn toàn nhận thức này. “Trở về Mỹ, tôi có nhiều bài viết, thuyết trình trên mạng xã hội, trong đó khẳng định Trường Sa vẫn thuộc chủ quyền của Việt Nam”, ông David Nguyễn cho hay.
Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, việc tổ chức các đoàn công tác thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 đã góp phần tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với biển, đảo quê hương. Đây cũng là dịp để kiều bào nhiều nơi trên thế giới gặp gỡ, giao lưu và kết nối, tạo gắn kết giữa kiều bào với nhân dân trong nước, góp phần tăng cường đại đoàn kết và hòa hợp dân tộc, từ đó khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc, nâng cao rõ rệt sự gắn bó, tình cảm và trách nhiệm của kiều bào đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo QĐND.