Về phía Hội người Việt Nam tỉnh Odessa, ban lãnh đạo đã luôn chú trọng đến công tác hòa giải, tránh để mất đoàn kết cộng đồng kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp. Đặc biệt sau Đại hội lần thứ 7, trên tinh thần đổi mới, Hội thành lập Ban hòa giải để giải quyết những mâu thuẫn và tranh chấp trong cộng đồng. Những vụ việc có tính chất hình sự Ban hòa giải chuyển giao cho công an.
Trong giải quyết mâu thuẫn, Ban hòa giải làm việc với mục đích cao nhất là tìm tiếng nói chung giữa các bên để giải quyết mọi việc trong sự thông cảm, nhường nhịn. Các đồng chí luôn cố gắng làm việc trên tinh thần trách nhiệm và khách quan nhất, tất cả nhằm đảm bảo sự ổn định và gắn kết của cộng đồng, giữ gìn uy tín và hình ảnh của cộng đồng ta với chính quyền và các cộng đồng cùng chung sống, làm ăn tại Odessa. Mặc dù vậy, không thể tránh khỏi những cách giải quyết khiến cho bên này, bên kia, người này, người kia cảm thấy chưa thỏa đáng. Điều đó là hết sức bình thường, bởi ngay cả sự phân xử của luật pháp, của tòa án nhiều khi cũng chưa thể thỏa mãn mong muốn của tất cả mọi người.
Trong trường hợp đó, người nào cảm thấy chưa đồng tình với cách giải quyết của Ban hòa giải thì có thể gặp chủ tịch Hội phản ảnh hoặc viết đơn kiến nghị lên Ban công tác cộng đồng ĐSQ. Nếu sau đó vẫn chưa đạt được nguyện vọng thì có thể nhờ cơ quan pháp luật Ucraina vào cuộc.
Việc làm rất nguy hiểm và hết sức “cấm kị” đó là bà con nhờ đến thế lực bên ngoài vào giải quyết công việc nội bộ. Cách làm đó sẽ dẫn đến hệ quả đáng tiếc là “gậy ông đập lưng ông”:
+ Thế lực bên ngoài biết hết những công việc làm ăn của chúng ta;
+ Họ nắm được toàn bộ thông tin cá nhân của người nhờ đến họ cùng với những điểm yếu để rồi sau đó khống chế. Nếu mọi người không làm theo như họ muốn, họ sẽ quay lại “làm tiền”;
+ Đã có nhiều trường hợp, đầu tiên chỉ nhờ họ giải quyết một vài công việc nội bộ, sau đó họ ép làm chỉ điểm, cung cấp thông tin cộng đồng cho họ. Hậu quả là cả cộng đồng xa lánh, không ai quan hệ và làm ăn với người đó.
Cộng đồng đã từng phải trả giá quá đắt từ việc quan hệ và sử dụng thế lực bên ngoài vào giải quyết công việc nội bộ. Những bài học đắt giá và những hậu quả đau lòng từ nó - bà con ta đều đã từng thấy rõ và vô cùng thấm thía. Để tránh “tiền mất tật mang”, tránh làm tổn hại đến bản thân và cả cộng đồng, bà con ta hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự sáng suốt, bình tĩnh trong giải quyết các mâu thuẫn. Giải quyết từng công việc cụ thể cũng không thể quên những việc lớn hơn, những lợi ích chung của cả cộng đồng. Về phía Ban hòa giải và Lãnh đạo Hội cũng sẽ nâng cao kỹ năng xử lý công việc, tinh thần trách nhiệm và khách quan để xứng đáng với niềm tin của bà con.
P/v