Người Việt Odessa
Tin Tức

Bài tham luận của ông Nguyễn Hoàng Lân tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội

Chủ nhật, 21/09/2014 | 16:58
Lời Ban biên tập: Ông Nguyễn Hoàng Lân là một trong những hội viên đầu tiên của Hội và là một doanh nhân thành đạt trong cộng đồng. Ông đã có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động của BCH Hội lúc mới thành lập. Do những đóng góp xây dựng cộng đồng, ông đã được Đại sứ quán tặng giấy khen nhân 20 năm thành lập.

Kính thưa Đại sứ Nguyễn Minh Trí!
Kính thưa Ban chấp hành Hội người VN thành phố Odessa!
Thưa các vị khách mời và toàn thể bà con.
Hôm nay chúng ta tề tựu ở đây cùng kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội người VN thành phố Odessa. Tôi xin được phát biểu nói lên những suy nghĩ và ý kiến của mình như sau:
Chặng đường 20 năm qua, cộng đồng chúng ta về tổng thể đã đạt được rất nhiều thành quả. Cộng đồng ngày càng phát triển lớn mạnh và có tư cách pháp nhân  hợp pháp trong xã hội:
- Về số lượng: người Việt Nam ở Odessa cách đây 20 năm chủ yếu là lực lượng công nhân sang đây hợp tác lao động và một phần nữa là các sinh viên, nghiên cứu sinh, một số cán bộ là đại diện cho các công ty nhà nước hoặc tư nhân. Đến nay, cộng đồng ta đã có thêm thế hệ thứ 2, thứ 3 và nhiều gia đình từ các thành phố khác chuyển về, đưa dân số lên gần 4 ngàn người.
- Về cuộc sống: trước đây anh chị em chúng ta chủ yếu sống trong các kí túc xá, một số khá giả thì ở nhà thuê và đi lại bằng cách phương tiện giao thông công cộng là chính. Bây giờ, nhiều gia đình trong chúng ta được sống trong những căn hộ khang trang, tiện nghi, và nhiều gia đình đã có các biệt thự sang trọng, về đi lại hầu hết đã có xe riêng. Sơ qua thế cũng đã thấy đời sống được nâng lên rất nhiều.
- Trong xã hội: Chúng ta được chính quyền sở tại tạo điều kiện cấp các giấy tờ pháp nhân hợp pháp. Các con cháu được đi học, đi làm và mọi người đều được chăm sóc sức khỏe, được đối xử bình đẳng như người bản xứ. 
Như vậy, Odessa đã đúng là “đất lành” cho chúng ta.
Tiếp theo đây chúng ta cần xác định tư tưởng để định hướng cho cuộc sống, công việc kinh doanh để tiếp tục duy trì, phát triển bền vững, lâu dài hơn trên mảnh đất này.
Trung tâm thương mại “chợ số 7” bao nhiêu năm nay đã giúp tạo nên thành công, sự giàu có cho biết bao người dân Odessa, trong đó có cả người Việt Nam chúng ta. Có đến hơn 90% các gia đình VN kinh doanh tại chợ với 2 mảng chính là bán hàng và làm tài chính. Từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, rồi hiện nay là bất ổn chính trị, việc kinh doanh ngày càng èo ọt và chưa biết khi nào sẽ khởi sắc trở lại. Rất nhiều người Việt  có nguy cơ rơi vào tình trạng thất nghiệp, kinh tế nhiều gia đình sẽ gặp khó khăn.
Vậy thì hướng đi nào, lựa chọn giải pháp nào cho chúng ta trong thời gian tới để có thể ổn định cuộc sống?
Là một thành viên gắn bó nhiều năm với cộng đồng, tôi cũng rất trăn trở. Nhân sự kiện này, tôi muốn được trình bầy sơ bộ một dự án mà theo tôi là khả thi và có triển vọng, đó là:
Xây dựng các cụm dân cư Việt tại Odessa thành một làng nghề may mặc và những công việc xung quanh nó là nghề thuê, in, và tiến tới làm cả nghề dệt, rồi tạo mẫu, v.v…
Thưa bà con, tổng kết con đường phát triển của các nền kinh tế mới nổi điển hình như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Miến điện, gần đây là Trung Quốc, Thỗ Nhĩ Kỳ, Campuchia…và Việt Nam, chúng ta thấy là bước đi đầu tiên của các nước đó là phát triển ngành dệt may xuất khẩu. Tại sao họ lấy ngành dệt may để bắt đầu sự nghiệp cải tổ kinh tế?
Đó là vì việc đầu tư cho các xí nghiệp dệt may tương đối rẻ và đơn giản. Thêm lý do quan trọng nữa là ngành dệt may giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều lao động của địa phương.
Sản phẩm tiêu thụ tại “chợ số 7” chủ yếu là hàng dệt may, vậy tổ chức được nghề may tại Odessa đã có sẵn thị trường tiêu thụ, đảm bảo cung cấp hàng hóa kịp thời vụ và sản xuất điều chỉnh theo nhu cầu của thị trường. Rất hiệu quả và không đọng nhiều vốn.
Ở Nga có rất nhiều doanh nhân tổ chức các xí nghiệp may tương đối bài bản và họ rất thành công trong lĩnh vực này. Ở Odessa thời gian gần đây cũng có vài chục cơ sở may tư nhân. Có 1 đặc điểm là các xí nghiệp may của người Việt chỉ mong muốn được tuyển công nhân người Việt, có lẽ vì tinh thần lao động cần cù, chịu khó, sang tạo và ý thức lao động tốt. Nhưng các chủ xí nghiệp may mặc luôn phải tuyển công nhân từ VN sang với những chi phí ban đầu rất cao cho việc đưa người sang, lo việc giấy tờ hợp pháp, lo vấn đề ăn ở…rất phức tạp. Bởi vậy, nếu nhận người VN đang định cư tại Odessa, thì doanh nghiệp sẽ giảm được rất nhiều chi phí và như thế, giá thành sản phẩm giảm đi nhiều, từ đó sẽ nâng cao được tính cạnh tranh của sản phẩm.
Bởi vậy, theo tôi, phổ cập nghề may cho cộng đồng và mở xưởng may sẽ là một hướng đi đúng sẽ có tương lai lâu dài và phát triển bền vững.
Việc phổ cập dạy nghề may cho bà con không những tạo ra nghề kiếm tiền ổn định, mà còn tạo ra môi trường sinh hoạt cộng đồng gắn bó, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Nếu hướng đi này phát triển tốt, các con, các cháu chúng ta cũng có cơ hội vào làm việc với các mảng quan trọng hơn như thiết kế, quảng cáo, quán lý kinh doanh, hoạt động xuất khẩu…và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Trên đây là nội dung chính trong đề xuất của tôi. 
Ngoài ra, tùy theo khả năng và điều kiện của từng gia đình, để kiếm sống chúng ta có thể mở các dịch vụ như:
1. Dịch vụ ăn uống: nhà hàng Phở Việt Nam, món ngon VN với dịch vụ đưa tận nhà…
2. Dịch vụ sửa chữa nhà ở: sơn tường, dán abôi, thông đường ống, lắp Santecnik, lắp điều hòa…
3. Dịch vụ sửa chữa đồ điện dân dụng
4. Dịch vụ chữa ôtô
5. Các cháu sinh viên có thể lập nhóm làm Dịch vụ tổ chức đám cưới, sinh nhật gồm: giúp tư vấn chọn hội trường, lên chương trình, thuê tiết mục văn nghệ, làm MC, chụp ảnh, quay video…
6. Và một mảng kinh doanh tuy vất vả nhưng cũng hứa hẹn triển vọng là mô hình nông trại.
Nói chung, nếu không ngại việc thì dịch vụ nào cũng sẽ mang lại thu nhập tương xứng với khả năng và quyết tâm của mình.
Song song với kinh doanh, tôi rất mong các bậc phụ huynh quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện cho các con cháu bộc lộ, phát triển tài năng bằng cách cố gắng cho các cháu tham gia các môn học ngoại khóa như: nhạc, vẽ, múa, nhẩy, hát, thể thao... nhằm giúp các cháu thêm kiến thức, thêm sức khỏe, thêm niềm vui, thêm tự tin trong học tập và cuộc sống. Con cái luôn là niềm vui, là chỗ dựa tinh thần và là tài sản quý giá nhất của chúng ta.
Rất cảm ơn mọi người đã chú ý lắng nghe. Kính chúc Ngài Đại sứ, các vị đại biểu và bà con sức khỏe dồi dào, luôn có nhiều niềm vui trong cuộc sống!
Nguyễn Hoàng Lân