Ngoài ra, cũng có một số bạn trẻ đã gửi về Ban biên tập báo những bài viết rất hay và xúc động. Kể từ số báo này, chúng tôi xin được đăng một số bài viết về những tấm gương tiêu biểu.
PV: Chào bạn! Được biết bạn là một đại diện rất trẻ đã phát biểu cảm tưởng tại lễ kỉ niệm “25 ngày người Việt Nam đầu tiên làm việc tại nhà máy giầy da Odessa”. Xin bạn hãy giới thiệu đôi nét về bản thân cho độc giả cùng biết!
LNT: Mình tên là Lê Ngọc Toàn. Mình sinh cuối năm 1994 tại thành phố Odessa. Gia đình mình đã sống và làm việc ở đây nhiều năm, vì thế mọi người coi mình là thế hệ thứ 2 của người Việt tại Odessa. Hiện tại mình đồng thời theo học Đại học kinh tế Odessa và Học viện Ngoại giao Việt Nam (đều sang năm thứ tư), ngoài ra mình còn làm thêm phần việc của phiên dịch viên cho Đại sứ quán Ucraina tại Việt Nam.
PV: Như vậy, với vai trò là thế hệ thứ 2 của người Việt tại Odessa, xin bạn hãy cho biết cảm nghĩ của mình ?
LNT: Mình cảm thấy vinh dự vì là thế hệ thứ 2 nối tiếp bước chân các cha, các chú đã xây dựng nên cộng đồng người Việt tại thành phố Odessa. Trong khoảng thời gian 25 năm, đó không phải thời gian quá dài nhưng rất ý nghĩa đối với cộng đồng người Việt tại Odessa, từ lúc “thành lập” đến thời điểm cộng đồng đã phát triển với thế hệ thứ 2. Mình mong muốn góp phần nhỏ bé vào việc xây dựng cộng đồng tiếp tục lớn mạnh.
PV: Cùng một lúc bạn tham gia học tập tại 2 trường đại học: Đại học kinh tế Odessa và Học viện Ngoại giao Việt Nam, và là phiên dịch viên cho Đại sứ quán Ucraina tại Việt Nam. Bạn hãy cho biết những thuận lợi cũng như khó khăn hiện tại? Làm cách nào để bạn bố trí và sắp xếp thời gian để có thể tham gia và hoàn thành tốt các nhiệm vụ?
LNT: Nhiều người cho rằng việc học và sử dụng nhiều ngôn ngữ một lúc là rất khó khăn, nhưng do được sinh ra ở đây và sống trong gia đình người Việt, nên đó cũng chính là điều kiện thuận lợi để mình có thể sử dụng thành thạo đến 3 thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Nga, tiếng Ucraina. Ngoài ra mình cũng học tốt môn tiếng Anh và biết tiếng Đức. Đồng thời, Bố mình cũng đã từng làm phiên dịch viên nhiều năm cho nhà máy giầy Odessa, nên bố cũng đã giúp mình học tập từ nhỏ. Về khó khăn hiện tại, như bạn đã nói, thời gian là khó khăn chính. Việc sắp xếp thời gian để đạt được 2 bằng đại học và đi làm phiên dịch là không dễ, phải xem xét nhiều. Nhưng qua thời gian, mình đã quen dần, và bố mình cũng giúp đỡ mình sắp xếp thời gian hợp lý, và bây giờ không còn thấy khó khăn như trước nữa.
PV: Bạn có dự định và mong muốn gì cho tương lai khi mà bạn chọn 2 trường đại học như vậy?
LNT: Dưới định hướng của bố mình và bản thân mình cũng mong đợi là: khi mọi người mất 4 năm để có thể có được một bằng tốt nghiệp đại học, thì nếu học như vậy, mình có thể đạt được đến hai bằng đại học. Đồng thời với công việc hiện tại là làm phiên dịch viên, mình có điều kiện thực tập ngôn ngữ và chuyên môn ngoại giao, để sau này có thể góp phần vào việc củng cố và phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Ucraina, cũng như với các nước khác. Mình rất hy vọng có được vinh dự đó, nên mình luôn cố gắng học tốt và làm việc tốt vì lợi ích của cả xã hội và cộng đồng.
Do bố mình đã giúp mình bố trí thời gian một cách hợp lý cho việc này, nên mình ủng hộ và cố gắng trong việc học hành. Bố mình đã rất khó khăn để cho mình được học như thế, nên mình cũng không muốn làm bố và mọi người thất vọng.
PV: Như bạn vừa chia sẻ thì vai trò của bố rất lớn trong cuộc sống của bạn, và được biết hoàn cảnh gia đình của bạn tương đối neo người, mẹ bạn đã mất sớm khi bạn chỉ mới 11 tuổi. Vậy bạn có muốn chia sẻ với độc giả những tâm sự gì về người cha của mình ?
LNT: Mình và chị mình rất khó khăn khi thiếu mẹ. Nhưng đối với bố mình, sự nghiệp nuôi dạy con cái khi thiếu vợ còn mệt mỏi hơn nhiều. Mọi người đều rất buồn khi mẹ mình mất, nhưng mình không thấy ai phải chịu khổ hơn bố mình do mất mát đó. Khi đọc báo hay xem tivi, mình thường thấy nhiều người đàn ông khi gặp phải mất mát đó thì chỉ biết đầu hàng và chìm trong bia rượu. Nhưng bố mình đã không đầu hàng. Nhờ sự giúp đỡ, động viên của mọi người và nỗ lực của bản thân, ông đứng vững để có thề̉ lo cho cuộc sống gia đình, ông dành hầu hết thời gian giúp mình và chị mình bắt đầu sự nghiệp và học hành. Chính vì thế nên mình luôn cố gắng học và không muốn làm bố và mọi người thất vọng. Mình không muốn phụ công bố và người thân.
PV: Nghe nói chị gái bạn học cũng rất giỏi, chị hiện đang ở đâu và làm gì?
LNT: Chị mình tên là Lê Hoàng Diệu Linh, sinh năm 1992. Chị mình cũng đã tốt nghiệp 2 trường đại học, Đại học Ngoại thương Việt Nam và Học viện Luật quốc gia Ucraina. Hiện tại chị mình đang theo học bậc Thạc sĩ bên Anh Quốc. Chị mình cũng là một tấm gương sáng để mình noi theo.
PV: Như là một đại diện nổi bật của thế hệ người Việt thứ 2 tại Odessa, bạn muốn chia sẻ điều gì với các bạn, các em sinh ra và lớn lên tại đây?
LNT: Mình muốn chia sẻ điều này: cho dù mọi người có sinh ra tại Odessa, thì xin mọi người đừng quên rằng mình có dòng máu Việt trong người. Mọi người đừng quên điều đó và hãy cố gắng giữ gìn bản sắc người Việt và tiếng Việt, cho dù mọi người có dự định sống lâu dài trên lãnh thổ Ucraina. Ngoài ra, xin mọi người hãy sống tốt, học tốt, để người Việt tại Odessa được kính trọng hơn nữa. Đó là những gì mình mong muốn, và mình hi vọng các bạn sẽ lắng nghe mình.
Ban biên tập báo người Việt Odessa xin chân thành cảm ơn Lê Ngọc Toàn! Chúc em thành công và đạt được những hoài bão của mình!