Nhìn chung, người dân Odessa từ lâu đã biết đến những người gốc Đông Nam Á sinh sống và làm việc tại Odessa. Nhưng họ sống như thế nào thì đối với đa số người dân vẫn là một câu hỏi. Những người Việt tại Odessa nói rằng: chúng tôi cũng là người dân Odessa, như mọi người khác, chúng tôi muốn sống, học tập, làm việc, như tất cả mọi người khác.
Về cơ bản, những người Việt nam đến Odessa và ở lại cho đến ngày hôm nay, đã đến Odessa trong cuối những năm 1980 - đầu năm 1990 (trước đó, một số lượng nhỏ sinh viên, nghiên cứu sinh đã đến đây học tập sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt). Họ đến đây theo hợp đồng lao động ký kết giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Liên Xô.
Người Việt đã làm việc tại hai nhà máy chế biến da, nhà máy giày. Nhưng khi Liên Xô tan rã, nhiều nhà máy đóng cửa nên không mua vé cho người Việt Nam về nước, do vậy họ đã ở lại đây.
Cộng đồng người Việt tại Odessa ngày nay
Khi ở lại Odessa, người Việt đã tìm kiếm công việc để sinh sống, tồn tại. Như mọi người đã biết hầu hết người Việt bắt đầu từ buôn bán tại chợ "kilomet số 7",thời đó họ thuê những phòng trọ trong ký túc xá rất nghèo nàn và thiếu tiện nghi - ông Nguyễn Như Mạnh, Chủ tịch Hội người Việt tại Odessa cho biết.
Nhưng người Việt luôn có truyền thống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Họ giúp nhau trong công việc, trong cuộc sống. Bằng nội lực của chính mình họ đã xây dựng cho mình khu chung cư “Làng Sen” trên đường Mikhain Grushesky và sinh sống ổn định tại đó. Hiện tại người Việt vẫn chủ yếu làm việc tại chợ “kilomet số 7” nhưng hợp pháp, có giấy phép buôn bán và nộp thuế đầy đủ cho nhà nước.
Nếu nói rằng người Việt chỉ buôn bán cũng không hoàn toàn đúng. Chúng tôi có những chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau.Ví dụ, ông Nguyễn Văn Khanh là Tiến sỹ Y khoa, Trưởng khoa ngoại bệnh viện lao , bác sỹ công huân. Ông là một trong 15 bác sĩ hàng đầu ở Odessa.
Trẻ em sinh ra ở đây đang theo học trong các trường phổ thông, đại học ở Odessa. Tuy vậy chúng tôi cũng có những lớp dạy tiếng Việt cho các cháu ở khu chung cư Làng Sen, Sorsa. Các cháu sinh ra và lớn lên tại đây nói tiếng Nga, tiếng Ucraina thành thạo, đối với các cháu đó chính là tiếng mẹ đẻ. Còn tiếng Việt lại là cội nguồn , để các cháu luôn nhớ về quê hương, bản sắc văn hóa dân tộc.
"Chúng tôi – là thành viên trong đại gia đình các dân tộc Odessa"
Trẻ em tại đây nói tiếng Nga, tiếng Ucraina, và thậm chí học thêm tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Pháp - ông Manh cho biết - Những điệu múa mà chúng tôi thể hiện trong ngày Việt Nam tại Odessa, đều do chính những người Việt Nam đang sinh sống tại nơi đây dàn dựng và biểu diễn. Chúng tôi cũng có đội văn nghệ quần chúng, đã tham gia Ngày châu Âu tại Odessa, tại Quảng trường Duma , và nhận được giải đặc biệt của Ban giám khảo.
Trong số trẻ em Việt Nam nhiều cháu đã giành được những giải thưởng cao tại các kỳ thi Olimpic khác nhau. Thời gian trôi qua,nhiều cháu đã trưởng thành, đã nhận được quốc tịch Ucraina.Các cháu được sinh ra ở đây và tự coi mình là những người dân thực thụ của Odessa, những công dân của Ucraina.
Hội người Việt thành phố Odessa được đăng ký chính thức tại Ủy ban các dân tộc tỉnh Odessa và luôn luôn cố gắng để tham gia vào các chương trình của địa phương, với phương châm "Chúng tôi không phải là người xa lạ", chúng tôi là một phần trong đại gia đình các dân tộc Ucraina. Các hoạt động từ thiện, giúp đỡ các cô nhi viện và trường học là một trong những công việc của Hội. Sau Ngày Việt Nam tại Odessa, Hội người Việt đã giúp Trường trẻ em khuyết tật số 75 khoảng 10.000 grivna - từ số tiền thu được trong hội chợ ở Garden City – ông Mạnh cho biết.
Ông Mạnh 53 tuổi có bốn người con: con gái lớn (21 tuổi) tốt nghiệp đại học tổng hợp mang tên Mechnikov tại Khoa ngôn ngữ, Con trai, 19 tuổi, đang theo học tại đại học trường Bách khoa, hai con gái nhỏ - 7 và 9 tuổi.
Đột nhiên trở thành "người nhập cư bất hợp pháp"
Không phải tất cả đều là màu hồng. Tại Odessa vấn đề của người Việt hiện tại chủ yếu là giấy tờ. Vào năm 2002, Ucraina đã thông qua Luật Định cư cho phép những người Việt Nam đến đây trước tháng 3 năm 1998 theo hiệp định lao động giữa hai nhà nước, nhận được quyền định cư và trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Luật có hiệu lực đến cơ quan định cư nơi mình sinh sống viết đơn sẽ được cấp thẻ định cư không thời hạn (mà ta quen gọi là VID). Tất cả người Việt ở đây trước khi Liên Xô tan rã đều nằm trong số này.
Sau đó, chúng tôi đã nộp đơn tại Ủy ban di trú tỉnh xin cư trú và nhận được câu trả lời rằng : chưa có hướng dẫn cụ thể, các bạn hãy chờ - ông Mạnh nhớ lại. - Chúng tôi đã chờ đợi. Chỉ dẫn đã có một năm sau đó. Và sau đó chúng tôi dần dần nhận được thẻ định cư - trong những năm 2003 và 2004.
Và trong một thời gian dài, tất cả mọi việc đều ổn. Nhưng năm ngoái 2012, có ban hành nghị định: tất cả những người Việt Nam có VID sau 6 tháng khi ban hành đạo luật 2002 – là không hợp pháp. Có nghĩa là, tất cả người Việt Nam đều có giấy tờ không hợp pháp. Nhưng chúng tôi không thể nhận kịp trong thời gian đó vì khi đó chưa có hướng dẫn.
Hóa ra cho đến hôm nay người Việt Nam sống ở đây hơn 20 năm, và bây giờ là dân nhập cư bất hợp pháp, trong đó 10 năm sống với giấy tờ bất hợp pháp. Các giấy tờ sẽ bị tịch thu, và bị trục xuất về Việt Nam. Nhiều người Việt tại Odessa đang phải đối mặt với vấn đề này.
Trẻ em – thành nạn nhân của vấn đề giấy tờ
Đối với chúng tôi, đó là một cú sốc – ông Mạnh cho biết - Nhiều người trong số chúng tôi đã nhận được thông báo hủy giấy phép cư trú ( VID). Chúng tôi có con, được sinh ra ở Odessa. Các cháu không chỉ đơn thuần là được nhận giấy phép cư trú, mà còn là công dân Ukraina, và cha mẹ của họ, hóa ra lại sống bất hợp pháp tại Ucraina. Chúng ta cần phải làm lại giấy tờ dưới dạng đoàn tụ gia đình. Nhưng điều này là không thể.
Cho đến hôm nay, toàn bộ hồ sơ của người Việt Nam bị viện kiểm sát tỉnh Odessa thu giữ để kiểm tra. Điều này không những ảnh hưởng đến việc kinh doanh mà nhiều vấn đề khác: ví dụ, nhiều người không thể nhận được chứng nhận từ nơi cư trú, từ sở thuế …….Công an thường xuyên kiểm tra và giam giữ, đó là một vấn đề lớn.
Nhưng thiệt thòi nhất vẫn là các cháu nhỏ. Đến tuổi trưởng thành, các cháu không thể nhận được giấy tờ định cư hợp pháp. Điều đó có nghĩa là các cháu không thể tiếp tục việc học và thi vào các trường Đại học, mặc dù các cháu đều có giấy khai sinh ở Ucraina.
Đây quả là kinh khủng – chủ tịch Hội người Việt phát biểu. - Theo như tôi biết, Đại sứ quán của chúng tôi đang cố gắng để giải quyết vấn đề này bằng con đường ngoại giao ở cấp Tổng thống, Thủ tướng chính phủ…nhưng hiện chưa có kết quả. Ủy ban nhân dân tỉnh Odessa đã biết về vấn đề này, nhưng cũng chưa thể giúp chúng tôi.
Người Việt Nam ở châu Âu
Trong cuối thời kỳ Xô Viết có nhiều người Việt Nam đã đến khối các nước XHCN cũ. Vậy tình trạng của họ hiện nay ra sao?
Khi bức tường Berlin sụp đổ (1989), chính phủ Đức chi chomỗi người Việt 10-15.000mark để họ trở về nhà. Nhưng nhiều nhười trong số họ vẫn ở lại Đức. Sau đó người Việt tại Đức đều nhận được giấy phép cư trú hợp pháp, vàc nhận quốc tịch. Người Việt Nam tại Cộng hòa Séc hôm nay – làcộng đồng lớn thứ 3, sau cộng đồng Ucraina và Slovakia. Họ sống rất đàng hoàng, phục vụ lợi ích đất nước sở tại. Năm ngoái ở Ba Lan đã "ân xá" cho người Việt - mọi người Việt Nam đã từng bị từ chối giấy phép cư trú trước đây, bây giờ đều nhận được.
Chúng tôi sẽ đối mặt với mọi vấn đề - Chủ tịch Hội người Việt kết luận - Chúng tôi không yêu cầu bất cứ điều gì từ Chính phủ. Chúng tôi chỉ muốn sống bình yên và làm việc hợp pháp tại đây.
Tác giả: Sergey Marin.
Nguồn odessa-life.od.ua