Tại thành phố Perm, Nga vừa diễn ra diễn đàn quốc tế lớn mang tên “Tiếng Nga trong đối thoại của các nền văn hóa” với sự tham dự của các đại biểu đến từ 30 quốc gia thuộc các châu lục Âu, Á, Phi, Mỹ.
Đây là một hoạt động rất bổ ích cho các giáo viên tiếng Nga, cũng như nhiều nhà hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội có sử dụng tiếng Nga hoặc yêu thích tiếng Nga, nước Nga.
Chị Phạm Thị Bích Hồng, giáo viên tiếng Nga của trường THPT chuyên Hà Nội – Amstecđam và chị Phạm Thị Lan Anh, giáo viên tiếng Nga của trường THPT chuyên Trần Phú Hải Phòng đều là những giáo viên trẻ và lần đầu tiên được tham dự một diễn đàn quốc tế lớn.
Họ đã rất tích cực tham gia vào nhiều hoạt động bổ ích, trong đó có những hội nghị bàn tròn với nhiều chuyên đề khác nhau, trao đổi về những phương diện chính trị - xã hội, pháp lý để giữ gìn và phát triển tiếng Nga ra nước ngoài; về chuẩn mực văn hóa Nga trong không gian văn hóa thế giới; vị trí của tiếng Nga trong các ngôn ngữ khác.
Ấn tượng mạnh mẽ với những hoạt động rất sinh động tại đây, chị Hồng kể: “Trong lần này, được tham gia chương trình chủ yếu dành cho các giáo viên tiếng Nga độ tuổi từ 25-35, đã mang lại cho chúng tôi một cảm nhận hoàn toàn mới, giúp chúng tôi có góc tiếp cận mới với tiếng Nga từ góc độ của những người trẻ tuổi”.
“Các bạn trẻ đến từ các nước khác nhau có một sự đồng cảm, gần gũi và rất dễ để làm quen, để trao đổi. Chúng tôi không chỉ trao đổi về phương pháp giảng dạy tiếng Nga, về tình hình học tập tiếng Nga ở các nước khác nhau, mà còn trao đổi với nhau về văn hóa, phong tục tập quán, về lối sống”, chị Hồng nói thêm.
“Ngoài ra, chúng tôi rất vui mừng được tham gia một Festival Đêm trắng ở Perm. Đây cũng là một hoạt động trong chuỗi sự kiện kỷ niệm ngày thành lập thành phố. Trong Festival này chúng tôi không chỉ được làm quen với văn hóa Nga mà còn được tham gia vào những trò chơi dân gian Nga, xem hòa nhạc, xem các gian hàng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Nga... Đây thực sự là một festival rất thú vị”, chị Hồng chia sẻ thêm.
Trong nhiều hội nghị bàn tròn được kết nối trực tuyến tới nhiều quốc gia trên thế giới, các giáo viên tiếng Nga của Việt Nam đã được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với các bạn trẻ của các nước thuộc Cộng đồng các Quốc gia độc lập (SNG) và nhiều quốc gia khác về tiếng Nga về những phương pháp dạy và học tiếng Nga để ngày càng phát triển ngôn ngữ này ở đất nước mình.
Nói về kết quả thu được sau những ngày được tham dự các hoạt động này, chị Phạm Thị Lan Anh, giáo viên trẻ môn tiếng Nga trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng cho biết: “Tôi đã thu nhận được rất nhiều điều bổ ích trong chuyến đi này, đặc biệt là tình cảm của bạn bè quốc tế đối với tiếng Nga”.
“Đó cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục truyền dạy tiếng Nga cho học sinh của mình để làm sao có đóng góp cho phong trào dạy và học tiếng Nga. Chg tôi đã rất vui mừng khi đang ở Moskva được nghe thông tin là một đoàn học sinh Việt Nam mình tham dự cuộc thi Olypic tiếng Nga Quốc tế vừa rồi đã giành thắng lợi giòn giã. Và tôi hy vọng, với sự cố gắng, và với tình yêu của mình, tôi cũng sẽ có những học sinh thành công như vậy trong những kỳ thi Olypic sắp tới”, chị Lan Anh nói.
Các giáo viên Việt Nam cũng chia sẻ rằng tại phiên họp toàn thể, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại LB Nga Phạm Xuân Sơn cũng đã có một bài tham luận, giới thiệu về tiếng Nga ở Việt Nam được cử tọa đánh giá rất cao.
Trong tham luận của mình, khi nói về vị trí của tiếng Nga đối với người Việt Nam, Đại sứ Phạm Xuân Sơn nhấn mạnh rằng, đối với nhiều thế hệ người Việt Nam, tiếng Nga không chỉ là một phương tiện giao tiếp và phục vụ công việc mà còn là một cái gì đó rất gần gũi, thân thương.
Lợi ích của tiếng Nga không chỉ là củng cố tình hữu nghị giữa hai nước và nhân dân hai nước mà còn mở ra cho chúng ta một cánh cửa bước vào thế giới vĩ đại của văn hoá, lịch sử, văn học Nga.
Đại sứ Phạm Xuân Sơn cũng giới thiệu với bạn bè quốc tế tiềm năng của Việt Nam trong phát triển giảng dạy tiếng Nga tại Việt Nam và đưa ra một số đề xuất để thúc đẩy phong trào này mạnh mẽ hơn. Để ngôn ngữ của Pushkin, của Dostoevsky, của Sholokhov... sẽ được ngày càng nhiều người Việt Nam theo học.
Một số hình ảnh về diễn đàn:
>
Điệp Anh/VOV-Moscow