Những ngày gần đây, từ thông tin trên một số trang mạng, trong cộng đồng người Việt đã truyền nhau nhiều tin đồn về chợ “Cây số 7”: Tài khoản của chợ bị đóng, chợ phá sản, chủ chợ bỏ chạy, ai có cửa hàng không bán được…Phóng viên báo Người Việt Odessa đã nhanh chóng vào cuộc tìm hiểu tình hình.
Không có chuyện chợ phá sản
Hiện đang có tranh chấp thương mại giữ công ty “Chợ cây số 7” và nhân viên V từng làm việc ở chợ. Năm 2009, công ty “Chợ cây số 7” không chia lợi tức cho nhân viên V nên ông ta kiện công ty “Chợ cây số 7” ra tòa kinh tế sơ thẩm khu vực Odessa và đã thắng với số tiền đòi chia không phải là nhiều so với số tiền thuế mà công ty “Chợ cây số 7” nộp vào ngân sách nhà nước. Ngay sau khi có quyết định của tòa, công ty “Chợ cây số 7” đã kiện lên tòa phúc thẩm. Tòa phúc thẩm đã hủy quyết định của tòa sơ thẩm. Ngay cả trường hợp tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án thì số tiền công ty “Chợ cây số 7” phải trả là không phải quá lớn so với khả năng của chợ nên không thể có chuyện chợ phá sản và cũng không có tài khoản nào bị đóng cả.
Hoạt động của chợ vẫn bình thường
Hiện tại mọi hoạt động của chợ vẫn diễn ra bình thường, phòng kinh doanh của chợ thông báo là không có việc cấm sang nhượng lại cửa hàng. Tài khoản của chợ vẫn làm việc và hàng ngày các chủ cửa hàng vẫn nộp tiền chi phí các dịch vụ tại chợ. Mỗi tuần, HĐQT chợ họp vào thứ năm và do tình hình hiện nay, ngày nào thành viên HĐQT cũng có mặt đầy đủ tại chợ.
Những sóng gió tại chợ “Cây số 7”
Hơn 20 năm hình thành và phát triển, chợ cũng gặp nhiều khó khăn thử thách:
-Năm 1998, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá thuê và giá công tại khu vực bãi hai giảm gần 50%. Riêng bãi ba không có ai thuê công.
-Năm 2004, trong quá trình diễn ra Cách mạng Cam, nhiều tin đồn là chợ sắp đóng cửa đến nỗi ứng cử viên Tổng thống lúc bấy giờ Andrei Iusenko (sau đó đắc cử Tổng thống) đưa vào chương trình tranh cử là chợ không bị đóng cửa.
-Năm 2010, sau khi Tổng thống Yanukovych đắc cử, Hội đồng quản trị có sự thay đổi về nhân sự: Thêm một thành viên mới và một người ra khỏi. Trước đó, cũng có nhiều tin đồn nào là tất cả các công bán hàng sẽ dẹp bỏ và xây thành trung tâm thương mại, “chợ mới” sẽ nối vào chợ “cây số 7”, hoặc chợ sẽ dời về đường đi Kiev…nhưng sau đó chợ vẫn hoạt động bình thường và ngày càng khang trang và qui củ hơn.
Chợ “cây số 7” luôn vững vàng trong mọi khó khăn
Anh T – một người chuyên cho thuê điểm bán hàng tại chợ cho biết: Tôi có mua một vài cửa hàng để cho thuê, mỗi tháng được lãi 2%. Như vậy sau 4 năm là lấy lại vốn. Do tình hình bất ổn, bây giờ tạm chỉ được 1% tôi cũng thấy hài lòng hơn là đầu tư vào đất đai mà không thu được đồng lãi nào.
Giá cửa hàng ở chợ phụ thuộc vào giá cho thuê, việc buôn bán thuận lợi giá thuê sẽ tăng lúc đó giá trị của hàng sẽ tăng, giống như thị trường chứng khoán vậy, anh X – kinh doanh lâu nay tại chợ cười và cho biết. Anh cũng cho biết thêm phần đông người Việt đầu tư vào chợ đều có lợi nhuận.
Chị Y – chuyên nhập hàng giày dép từ Trung Quốc nhận định: Đây là thời điểm tốt để những chủ hàng mua thêm điểm bán hàng. Giá cả cửa hàng rất hợp lý.
Theo qui luật kinh doanh, chuyện mua bán lại cổ phiếu là chuyện hết sức bình thường. Có thể sắp tới HĐQT chợ lại có sự thay đổi nhân sự nhưng hoạt động kinh doanh của chợ vẫn diễn ra bình thường vì không ai bỏ tiền ra mà không muốn thu về lợi nhuận, nhiều bà con kinh doanh tại chợ lâu nay nhận định như thế. Hơn nữa:
- Odessa là cửa ngõ biển vào Đông âu và Liên bang Nga nên chắc chắn tại Odessa vẫn tồn tại một mô hình dịch vụ kinh doanh như chợ “Cây số 7”
- Chợ có một vị trí địa lý hết sức thuận lợi, với trên 15 ngàn điểm bán hàng và khu kho phụ cận tạo thành một tổ hợp thương mại hoàn hảo qui mô lớn nhất Châu âu
- Chợ tạo công ăn việc làm hơn 200 ngàn người cho tỉnh Odessa
- Hàng năm chợ đóng góp một khoảng thuế không nhỏ cho tỉnh Odessa
- Chợ hoạt động tuân thủ nghiêm chỉnh những qui định của pháp luật Ukraine đặc biệt chú trọng vấn đề vệ sinh dịch tể và phòng cháy chữa cháy.
- Trong hơn 20 năm tồn tại, nhiều trung tâm thương mại khác tại Odessa được mở ra để cạnh tranh với chợ nhưng đều thất bại. Từ những bài học đó, nhiều trung tâm thương mại khác mở ra hoạt động hiệu quả nằm bên cạnh chợ do biết bổ xung và cung cấp những mặt hàng mà chợ chưa có như hàng thực phẩm của Metro, vật liệu xây dựng của Episentr, hàng đồ gỗ của Sectoielement…Và như vậy, xung quanh chợ hình thành trung tâm thương mại khổng lổ chợ là trung tâm.
Mặc dù với những ưu điểm như vậy nhưng việc kinh doanh tại chợ cũng phụ thuộc vào chính sách thuế và hải quan Ukraine. Từ khi Tổng thống Yanukovych lên nắm quyền, chính sách hải quan thay đổi và không hợp lý dẫn đến cảng Odessa không còn là cảng trung chuyển hàng hóa vào thị trường Liên bang Nga. Giá dịch vụ hải quan quá đắt so với khu vực nên hàng hóa mất tính cạnh tranh, chợ mất đi một số lượng khách hàng nhưng nhìn chung việc kinh doanh tại chợ thuận lợi và hiệu quả do chợ có đầy đủ các mặt hàng nên khách mua hàng trong Ukraine, Nga, Belarusia và nhiều nước khác vẫn đến chợ “Cây số 7” để mua hàng.
Sự can thiệp vào hoạt động của chợ là không có lợi về chính trị và kinh tế. Hơn nữa các nhà lãnh đạo cũng ý thức được rằng khó xây dựng một xí nghiệp mà tạo ra công ăn việc làm cho chừng đó con người, nên nhiều chính sách và biện pháp được đưa ra nhằm kiểm soát hoạt động của chợ để mang lại hiệu quả kinh tế cho tỉnh Odessa. Vì vậy, chợ chỉ có thể ngừng hoạt động vì bản thân làm ăn không hiệu quả và mất khả năng cạnh tranh kinh tế. Hiện tại, chưa có một mô hình nào tốt hơn đủ sức cạnh tranh về kinh tế với chợ “cây số 7” nên chợ vẫn tồn tại và phát triển.
Với sự thay đổi chính quyền mới, chính sách thuế và hải quan đang được điều chỉnh để thông thoáng và phù hợp nhằm tăng ngân sách cho nhà nước. Nhiều công hàng đã về thẳng cảng Odessa mà không trung chuyển qua Châu âu nữa, cảng Odessa lại phát huy lợi thế trung chuyển của mình và như vậy chợ “Cây số 7” sẽ nhộn nhịp trở lại. Tạm thời phía trước chợ “Cây số 7” và bà con cộng đồng người Việt tại Odessa còn nhiều sóng gió nhưng nhất định khó khăn sẽ qua đi.
P/V