Ukraine nằm ở trung tâm Đông Âu, nơi giao nhau của những tuyến đường giao thương giữa châu Âu và Châu Á, giữa các nước Scandinavia với khu vực Địa Trung Hải 95, thuộc khu vực ôn đới có diện tích là 604 ngàn km2 và dân số 46 triệu người. Trong số các nước thuộc Liên Xô cũ, Ukraine đứng thứ 2 sau Nga về tiềm lực công nghiệp, nông nghiệp và khoa học kỹ thuật. Nền kinh tế Ukraine có ưu thế đặc biệt, đó là: vị trí địa lý thuận lợi, đất đai phì nhiêu, nhiều tài nguyên thiên nhiên và nguồn lao động có trình độ khoa học kỹ thuật cao. Đây chính là điều kiện quan trọng làm cho nền kinh tế Ukraine phát triển ở mức cao hơn so với các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết cũ, cụ thể: Ukraine đứng thứ nhất thế giới về tài nguyên khoáng sản (45% sản lượng tài nguyên thế giới); Ukraine đứng vị trí thứ 6 thế giới về sản lượng sắt thép và công nghiệp khai khoáng mỏ; 40% sản lượng quặng măng-gan thế giới nằm ở Ukraine; 56% lãnh thổ Ukraine là đất nông nghiệp và 1/3 đất đen của thế giới nằm ở Ukraine; Ukraine đứng vị trí thứ 5 thế giới về chứng chỉ công nghệ tin học 96. Các ngành kinh tế mũi nhọn của Ukraine: Luyện kim, chế tạo máy móc, điện tử, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, công nghệ hóa học và công nghiệp dầu khí, công nghiệp khai khoáng mỏ, công nghiệp hàng không. Các ngành kinh tế có nhiều triển vọng để hợp tác: chế tạo máy móc và ô tô, nông nghiệp và công nghiệp chế biến, tin học và công nghệ cao, giao thông vận tải, truyền thông, công nghiệp hàng không và sản xuất, sửa chữa máy bay.
Việt Nam nằm ở Đông Nam Á khu vực nhiệt đới gió mùa với diện tích 331 ngàn km2 và dân số 90 triệu người năm 2015. Từ sau chiến tranh Việt Nam kết thúc (1975), từ một nền kinh tế suy sụp, Việt Nam hiện nay đã trở thành một trong những nền kinh tế năng động và hứa hẹn nhất Đông Nam Á. Theo các chuyên gia của công ty kiểm toán quốc tế PricewaterhouseCoopers, trong 20 năm tới, Việt Nam sẽ bước vào hai mươi nền kinh tế lớn nhất thế giới. Việt Nam là mối quan tâm lớn cho hợp tác kinh tế của nhiều nước, trong đó có Ukraine. Rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến môi trường đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam cũng là đất nước có nguồn tài nguyên phong phú, bao gồm: tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên biển, tài nguyên rừng, tài nguyên sinh vật, tài nguyên khoáng sản và tài nguyên du lịch, trong đó: Về tài nguyên biển: Việt Nam có 3.260 km bờ biển với vùng lãnh thổ rộng tới 226.000km2. Diện tích nuôi trồng thủy sản là 2 triệu ha, trong đó: 1 triệu ha nước ngọt; 0,62 triệu ha nước lợ và 0,38 triệu ha nước mặn. Phần lớn diện tích này đã được sử dụng để đưa vào khai thác hoặc nuôi trồng thủy sản. Bờ biển Việt Nam còn có 2.028 loài cá biển, trong đó có 102 loài có giá trị kinh tế cao, trữ lượng cá đạt khoảng 3,6 triệu tấn. Việt Nam còn có nhiều cảng biển và tương lai sẽ được nâng cấp và mở rộng đủ năng lực bốc dỡ và neo đậu của các tầu lớn. Qua những cảng này, hàng hóa của Ukraine có chuyển sâu vào khu vực Đông Nam Á.Về tài nguyên khoáng sản: Việt Nam nằm giữa hai vành đại tạo khoáng lớn của thế giới là Thái bình dương và Địa trung hải. Công tác thăm dò địa chất trong những năm qua đã phát hiện hàng nghìn điểm mỏ và tụ khoáng của hơn 60 loại khoáng sản khác nhau từ các khoáng sản năng lượng, kim loại đến khoáng chất công nghiệp và vật liệu xây dựng. Một số loại khoáng sản điển hình là: Dầu khí: Việt Nam có tiềm năng dầu khí đáng kể. Tiềm năng và trữ lượng dầu khí của Việt Nam khoảng 4.300 tỷ tấn dầu qui đổi, trong đó trữ lượng phát hiện là 1.208 tỷ tấn và trữ lượng dầu khí có khả năng thương mại là 814,7 triệu tấn dầu qui đổi. Hiện nay Việt Nam đứng hàng thứ ba ở Đông Nam Á sau Indonesia và Malaysia về trữ lượng dầu khí. Than khoáng: tiềm năng than khoáng các loại ở Việt Nam là rất lớn, nếu tính đến độ sâu 3500m thì dự báo tổng tài nguyên than đạt đến 210 tỷ tấn. Urani: ở Việt Nam đã phát hiện nhiều tụ khoáng Urani ở Đông Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên. Tổng tài nguyên Urani ở Việt Nam được dự báo trên 218.000 tấn U308 có thể là nguồn nguyên liệu khoáng cho các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai. Bauxit: Sở Địa chất Mỹ năm 2010 đã công bố danh sách hàng hóa khoáng sản thế giới và xếp bauxit Việt Nam với trữ lượng đạt khoảng 2,1 tỷ tấn đứng hàng thứ 3 trên thế giới sau Guinea 7,4 tỷ tấn và Australia 6,2 tỷ tấn. Apatit: được đánh giá có tài nguyên đến độ sâu 100m là 2,5 tỷ tấn và trữ lượng đã được thăm dò đạt 900 triệu tấn. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có lực lượng lao động dồi dào. Ngày nay, Việt nam được biết đến như là một quốc gia có đội ngũ lao động trẻ có tay nghề đang ngày càng khẳng định vị trí của mình trên thị trường lao động quốc tế. Theo dự báo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, lực lượng lao động của Việt Nam sẽ tăng gần 57 triệu người vào năm 2020.
Cả hai nước đều có vị trí địa kinh tế - chính trị rất quan trọng trong khu vực mà hai nước có thể hợp tác để mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại trong đó Việt Nam là cầu nối để hàng hóa dịch vụ của Ukraine xâm nhập vào thị trường ASEAN và ngược lại thương mại của Việt Nam sẽ được mở rộng ra khu vực châu Âu nhất là khi Ukraine ra nhập EU. Hiện tại, cảng Odessa của Ukraine được nhiều doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp Trung Quốc) sử dụng làm nơi trung chuyển hàng hóa vào châu Âu. Điều này cho thấy vị trí rất quan trọng của Ukraine mà Việt Nam cần phải tận dụng được. Ngoài ra, cũng do vị trí địa lý khiến hàng hóa nông sản ở hai nước bổ sung cho nhau do đó hai nước có thể trao đổi những mặt hàng nông sản mà hai nước có lợi thế.
Thị trường hai bên đều lớn và tiềm năng: Cả Ukraine và Việt Nam đều là những thị trường lớn đang nổi, có sức mua lớn và nhu cầu đa dạng. Ukraine với dân số 45,4 triệu người, có tiềm năng phát triển khoa học kỹ thuật và kinh tế tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài khai thác tìm kiếm lợi nhuận. Còn Việt Nam với dân số gấp đôi đây đều được đánh giá là những thị trường tiềm năng trên thế giới. Với việc thúc đẩy tự do hóa và hội nhập vào nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp hai nước có rất nhiều cơ hội trong việc xâm nhập và khuyếch trương ảnh hưởng tại thị trường của nhau. Thương mại quốc tế của cả hai nước đều phát triển theo hướng mở cửa. vì vậy 2 nước tiến tới ký hiệp định thương mại tự do Ukriane – Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Để góp phần đẩy nhanh tiến trình ký kết hiệp định thương mại giữa hai quốc gia; Bộ thương mại – công nghiệp Ukraine đã thành lập Hội thương mại – công nghiệp Ukriane – Việt Nam có trụ sở tại Tòa nhà KICOTRANS số 46 Bạch Đằng, phường 2, Tân Bình, TPHCM để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi , giao thương với các tổ chức, doanh nghiệp 2 quốc gia.
Theo tin từ Hội TM-CN Ukraine – Việt Nam