Người Việt Odessa
Tin Tức

Tâm nguyện của một người Hội viên

Thứ sáu, 26/04/2013 | 10:09
Đại hội toàn thể Hội người Việt Nam tỉnh Odessa đang đến gần trong sự chờ đợi của cả cộng đồng. Hướng đến Đại hội, mỗi người trong chúng ta đều có những mong mỏi, những dự định, những suy nghĩ riêng…
Nhưng chắc chắn chúng ta đều gặp nhau ở một mong muốn là tiếp tục xây dựng Hội phát triển vững mạnh. Cá nhân tôi cũng đặt kì vọng vào một giai đoạn mới với tư duy mới của những người lãnh đạo…

Kể từ khi thành lập, Hội người Việt Nam tỉnh Odessa hoạt động dưới sự lãnh đạo của tập thể Đảng ủy và Ban Chấp hành Hội. Để có được một cộng đồng phát triển như ngày nay, chúng ta đều hiểu đó là nhờ một phần rất lớn ở sự lãnh đạo đúng đắn của những con người “có tâm và có tầm”. Tuy nhiên, để rút kinh nghiệm cho giai đoạn mới hoạt động được tốt hơn, chúng ta cũng cần nhìn lại một vài hạn chế vẫn còn tồn tại.

Đối với người lãnh đạo, điều dễ phạm phải nhất là lạm quyền. Người lãnh đạo khi lạm quyền sẽ dẫn đến không lắng nghe và tôn trọng ý kiến của tập thể, tự quyết định những vấn đề quan trọng của cả cộng đồng, thậm chí tự quyết định cả những vấn đề ngoài thẩm quyền của mình. Người lãnh đạo lạm quyền đưa ra những quyết định dựa trên hai yếu tố: suy nghĩ của bản thân mình và lợi ích của cá nhân, gia đình mình. Trong thời gian qua, sự lãnh đạo, chỉ đạo của một vài cá nhân lãnh đạo Hội đã có những biểu hiện đó.

Nếu chúng ta có theo dõi Đại hội đại biểu lần thứ VI Hội người Việt Nam tỉnh Kharkov diễn ra giữa tháng Tư vừa qua, sẽ nhận thấy trong Báo cáo tổng kết hoạt động và trong rất nhiều ý kiến tham luận đã khẳng định: phát huy sức mạnh tập thể, vốn dĩ là thế mạnh làm nên thành công của cộng đồng Việt Nam ở Kharkov từ trước đến nay. Sẽ không riêng gì cộng đồng người Việt Nam ở Kharkov mà với bất kì một cộng đồng nào thì việc phát huy sức mạnh tập thể cũng đều là chìa khóa của phát triển bền vững.

Học tập tư tưởng của Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đề ra những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động như “nguyên tắc dân chủ” và “nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” hay tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đó là những nguyên tắc rất cơ bản, rất đúng đắn mà người lãnh đạo cộng đồng của chúng ta cũng cần nắm rõ và tuân thủ.

Hồ Chủ tịch đã luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện và phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng và các tổ chức chính trị, xã hội: “Chế độ ta là chế độ dân chủ…mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình…”.

Người cũng nêu sự cần thiết của “tập thể lãnh đạo”: Vì một người dù khôn ngoan, tài giỏi đến mấy, dù có nhiều kinh nghiệm đến đâu cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Do đó, cần phải có nhiều người, cần phát huy trí tuệ của tập thể, nhiều người sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn, sẽ xem xét toàn diện hơn vấn đề, từ đó vấn đề được giải quyết thấu đáo, tránh sai lầm. Hồ Chí Minh viết: “Lãnh đạo không tập thể thì sẽ đưa đến các tệ bao biện, độc đoán, chủ quan, kết quả là hỏng việc”. Tuy nhiên, tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn đi đôi với nhau.

Bên cạnh đó, tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cũng cần được phát huy sâu sắc hơn nữa để hoạt động của Hội thực sự thu hút, tập hợp được đông đảo bà con. Để cho “dân biết” thì phải công khai, minh bạch các công việc, các kế hoạch, các chủ trương lớn. Dân phải được thông tin đầy đủ, đa chiều. Để “dân bàn” thì ban lãnh đạo và người đứng đầu phải mở lòng, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của dân, thể hiện tinh thần học hỏi, cầu tiến. Để “dân làm” – hăng hái tham gia các công việc chung thì phải trên cơ sở “dân biết” và “dân bàn” thấu đáo, lịch sử dân tộc ta đã chứng minh một chân lí rằng “dễ trăm lần, không dân cũng chịu; khó vạn lần, dân liệu cũng xong”. Ví như cái việc xây cổng Làng Sen, xây đi rồi sửa lại đến mấy lần rồi mà vẫn chưa ổn. Bởi vì cổng làng chứ không phải cổng của riêng một nhà ai, bà con trong làng phải được biết, được cùng bàn bạc góp ý, rồi từ đó mới tham gia đóng góp xây dựng. Có như thế cổng làng xây lên mới đẹp lòng mọi người được. Dân không chỉ được “biết, bàn, làm” mà còn phải được “kiểm tra”, được kiểm tra các công việc chung của cộng đồng là biểu hiện cao nhất của tinh thần “dân chủ”…

Cá nhân tôi không muốn dấn sâu vào việc rao giảng lý luận khi nêu lại tư tưởng Hồ Chí Minh và những chủ trương, đường lối của Đảng ta. Tôi chỉ nghĩ chúng ta cần nhắc lại với nhau một chút, để cùng soi lại mình, nhìn lại những khuyết điểm, hạn chế vẫn còn tồn tại để bước vào giai đoạn mới chúng ta sẽ làm tốt hơn.

Bài viết do bạn đọc chia sẻ