Vào chiều ngày 18/3/2016, BCH Hội người Việt Nam tỉnh Odessa đã tổ chức cuộc họp toàn thể bà con cộng đồng theo khu vực nhằm tìm phương cách chuyển đổi mô hình kinh doanh. Ông Sergei Dakavenko - Phó giám đốc công ty "An toàn kinh doanh" chợ cây số 7 đã đến dự, giới thiệu về hoạt động của công ty và giải thích một số câu hỏi của bà con.
Ông Sergei Dakavenko cho biết: Giữa công ty "An toàn kinh doanh" và cộng đồng người Việt có sự phối hợp tốt, nên quyền lợi hợp pháp của bà con tiểu thương người Việt luôn được đảm bảo. Hơn thế nữa, Ban giám đốc chợ luôn giành sự ưu ái và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt.
Tuy nhiên, ông Sergei Dakavenko cũng nhấn mạnh: Mỗi bà con tiểu thương tại chợ cây số 7 tự chọn hình thức kinh doanh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kinh doanh của mình. Trong chức năng thẩm quyền và theo quy định của pháp luật cho phép, công ty sẽ hỗ trợ tối đa và bảo vệ lợi ích chính đáng của bà con tiểu thương.
1. Tại sao cần hỗ trợ pháp lý cho tiểu thương?
Lý do đầu tiên là xuất phát từ phía tiểu thương còn hạn chế kiến thức pháp lý. Nhận thức của nhiều tiểu thương về vai trò của pháp luật trong hoạt động kinh doanh còn khá hạn chế, không nắm được kiến thức pháp luật, thường làm việc theo thói quen. Mặc khác, hệ thống pháp luật Ucraina phức tạp và chưa hoàn thiện. Có khoảng 63 cơ quan ban ngành được phép kiểm tra hoạt động kinh doanh chợ cây số 7. Vì thế, vào năm 2011 để chấm dứt tình trạng "bảo kê" tại chợ, Hội đồng quản trị chợ cây số 7 quyết định thành lập công ty "An toàn kinh doanh" với chức năng hoạt động là hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tiểu thương đang kinh doanh tại chợ cây số 7. Tăng cường tuyên truyền và tư vấn để bà con ý thức chấp hành các qui định của pháp luật, từ đó loại bỏ những rủi ro trong kinh doanh bảo đảm cho tiểu thương ổn định và phát triển.
2. Nghĩa vụ của tiểu thương trong hợp đồng hỗ trợ pháp lý
Tiểu thương phải đảm bảo đầy đủ tối thiểu các giấy tờ sau:
- Có giấy tờ sinh sống hợp pháp
- Có giấy phép kinh doanh và nộp thuế môn bài
- Có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa đang kinh doanh
3. Nghĩa vụ của công ty
- Ngăn chặng những hoạt động kiểm tra bất hợp pháp
- Hỗ trợ pháp lý cho tiểu thương khi gặp vấn đề
- Tư vấn pháp lý cho tiểu thương khi cần
4. Một số giải đáp cụ thể
Kiểm tra điểm bán hàng: khi bị nhà chức trách kiểm tra điểm bán hàng, bà con có thể thông qua phiên dịch hoặc gọi điện thoại thông báo trực tiếp theo đường dây nóng của công ty. Đại diện phía công ty sẽ có mặt và kiểm tra xem nhà chức trách có lệnh kiểm tra điểm bán hàng này không. Nếu không có lệnh kiểm tra, đại diện công ty sẽ không cho phép kiểm tra.
Không nộp thuế môn bài: Nếu nhà chức trách phát hiện bà con không nộp thuế môn bài hoặc người bán phụ không ghi tên trong môn bài, theo qui định mới của Bộ tài chính sẽ bị nộp phạp từ 30000 grivna đến 40000 grivna. Trong trường hợp này, luật sư của công ty sẽ tìm những lý do chính đáng để xin nộp phạt với mức thấp nhất.
Kinh doanh hàng nhãn mác: Về nguyên tắc, những bà con kinh doanh loại mặc hàng này và khi bị tịch thu hàng theo lệnh của tòa án, công ty sẽ không chịu trách nhiệm. Nhưng có một số trường hợp khi ra tòa bà con tiểu thương đã đưa ra được nguồn gốc hàng hóa hợp pháp nên luật sư của công ty đã đấu tranh thành công buộc tòa ra quyết định trả lại hàng.
Tạm nghỉ vẫn phải nộp tiền hợp đồng: Trong hợp đồng hỗ trợ pháp lý có ghi rõ mức thù lao hằng tháng. Vì lý do nào đó bà con tạm ngừng kinh doanh nhưng trong thời gian nghỉ này vẫn phải nộp tiền hợp đồng. Chỉ khi hủy hợp đồng bà con không phải nộp tiền này nhưng việc ký lại hợp đồng sau đó sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bị mất hàng tại kho: Công ty luật không cung cấp dịch vụ bảo hiểm vì thế không quản lý lượng hàng nhập - xuất vào kho nên công ty không chịu trách nhiệm khi bà con bị mất trộm hàng. Nhiều trường hợp mất trộm khi tìm được hàng, công ty đã hỗ trợ trong việc chứng minh xuất xứ hàng và tòa đã trả lại chính chủ. Nhằm giảm thiểu việc trộm cắp, công ty có cung cấp dịch vụ báo động và hiện hệ thống này hoạt động rất hiệu quả.
P/v Người Việt Odessa