Người Việt Odessa
Tin Tức

Giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng theo Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ nhật, 02/02/2014 | 14:45
Chủ tịch Hồ Chí Minh – Lãnh tụ thiên tài của Đảng ta, dân tộc ta, trọn đời hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, vì nh&ac

Đặc biệt, trong công cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, chúng ta càng phải nghiên cứu để quán triệt sâu sắc hơn nữa những tư tưởng về xây dựng Đảng mà Người đã căn dặn trước lúc đi xa. Với ý nghĩa đó, ở phạm vi bài viết này, chúng tôi xin cùng trao đổi vấn đề “Giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng theo Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. 
1. Đoàn kết, thống nhất trong Đảng – vấn đề quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng Đảng.
Lúc sinh thời, trên cương vị Chủ tịch – người đứng đầu Đảng ta, vấn đề quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh là củng cố và giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Ngay từ những ngày đầu lãnh đạo toàn dân làm cách mạng, trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Người chỉ rõ: nhiệm vụ hàng đầu của Đảng cách mệnh là đoàn kết lãnh đạo nhân dân đứng lên làm cách mệnh; Đảng có đoàn kết thống nhất mới có thể lãnh đạo được nhân dân. Tại Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh kêu gọi những người cộng sản “Bỏ mọi thành kiến, xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản” thành  Đảng Cộng sản tập trung thống nhất”[1]. Trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo cũng thể hiện rõ sự quan tâm hàng đầu của Người đối với vấn đề đoàn kết nhất trí và xây dựng sự đoàn kết, nhất trí cao trong Đảng. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, lời Người căn dặn đầu tiên là về Đảng, về sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, Bác viết: “Trước hết nói về Đảng (…) Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” [2]. 
Nhìn ở góc độ số lần đề cập đến vấn đề đoàn kết trong các bài viết của Người phần nào càng khẳng định rõ hơn sự quan tâm đặc biệt của Người đối với sự đoàn kết trong Đảng. Theo số liệu thống kê, trong 1.921 bài viết của Bác có tới 839 bài Bác đề cập đến vấn đề đoàn kết thống nhất và có tới 1.809 lần Bác dung từ “đoàn kết”, “đại đoàn kết”. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, vấn đề đoàn kết trong Đảng được Bác nhắc đi, nhắc lại 16 lần. Trong “Di chúc”, thuật ngữ “đoàn kết” được Bác nhấn mạnh 7 lần.
Có thể nói rằng đoàn kết và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng là tư tưởng nhất quán và xuyên thấm từ thời dựng Đảng đến tận phút cuối cùng trọn vẹn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Dành sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng, Người đã phân tích , chỉ rõ: 
Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lênin: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; sự thành công của phong trào công nhân trong mỗi nước chỉ có thể được bảo đảm bằng sức mạnh của sự thống nhất và sự tổ chức. V.I.Lênin nhấn mạnh: “Muốn đưa cách mạng đến thắng lợi, Đảng phải có sự thống nhất ý chí hết sức chặt chẽ, tuyệt đối; đoàn kết là nguồn gốc, sức mạnh chủ yếu, vô tận và vô địch của Đảng”[3], như vậy, đoàn kết thống nhất trong Đảng là yêu cầu chung đối với mọi Đảng Cộng sản. Đối với Đảng ta, đó còn phải xuất phát từ đặc điểm riêng của Việt Nam. Đảng ta ra đời ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, tư tưởng tiểu nông manh mún, gia trưởng, bè phái, bản vị, địa phương cục bộ được khoét sâu bởi chính sách chia rẽ của kẻ thù, Hồ Chí Minh nhận xét: “Lợi dụng một cách xảo trá sự chia cắt ấy, người ta hy vọng làm nguội được tình đoàn kết, nghĩa đồng bào…, tạo ra những mối xung khắc giữa anh em ruột thịt với nhau”[4]. Hơn nữa, vào thời điểm ra đời của Đảng, giai cấp công nhân mới có khoảng trên 22 vạn người gồm tất cả các ngành nghề, trong đó, những người có tay nghề thực thụ (mà chúng ta quan niệm là công nhân hiện đại) chỉ có 893 người. Số đảng viên là công nhân còn rất ít. Đấy chính là thực tế khách quan, là đặc điểm đặt ra yêu cầu bức thiết số 1 trong tiến trình thành lập Đảng cũng như xây dựng Đảng là phải đề cao sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. 
Từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết chặt chẽ thì chúng ta nhất định có thể khắc phục mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi và làm tròn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho chúng ta”. “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên ngay từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”[5]. Như vậy, đoàn kết thống nhất trong Đảng là cội nguồn tạo nên sức mạnh lãnh đạo cách mạng của Đảng, là nhân tố để phát huy cao độ trí tuệ và khả năng sáng tạo của những chiến sĩ tiền phong. Đoàn kết trong Đảng là cơ sở, nền tảng vững chắc để xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân. Đảng đoàn kết, dân tộc đoàn kết và sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân tạo nên sức mạnh vĩ đại để dân tộc ta vượt qua muôn vàn thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù để đi tới thắng lợi. 
Đoàn kết thống nhất là một yêu cầu tất yếu, một thuộc tính có tầm quan trọng đặc biệt của Đảng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối cách mạng Việt Nam. Từ ý nghĩa quan trọng của vấn đề nên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, trên cương vị lãnh đạo Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng. Trước khi đi xa, Người căn dặn: “các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. 
Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết trong Đảng phải biểu hiện ở cả tư tưởng và hành động. Tư tưởng phải thống nhất, hành động cũng phải thống nhất. Đảng tuy nhiều người, song khi tiến hành thì chỉ như một người; đoàn kết không phải là ngoài miệng mà phải đoàn kết trong công tác, trong tự phê bình và phê bình giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, đoàn kết trên nền tảng chủ nghĩa Mác- Lênin, có lý, có tình, bằng tình cảm cách mạng trong sáng, tình thương yêu đồng chí, đồng bào. 
Vậy làm thế nào để giữ gìn được sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng?
Ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ là lãnh đạo nhân dân giành độc lập dân tộc, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, xây dựng xã hội công bằng, văn minh, thực hiện thành công CNXH và cuối cùng là CNCS, hết lòng phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, nên Đảng mới quy tụ được sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân đoàn kết để làm cách mạng và giành thắng lợi vẻ vang. Điều đó có nghĩa là sự đoàn kết nhất trí trong Đảng chỉ có thể được xây dựng và củng cố khi Đảng xây dựng  được đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn.
Xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng, theo Hồ Chí Minh còn cần phải dựa trên nguyên tắc dân chủ tập trung, phải biết gắn bó dân chủ với tập trung, dân chủ với kỷ luật. Tập trung không đối lập với dân chủ mà chỉ đối lập với tình trạng tự do tùy tiện, vô tổ chức. Còn dân chủ là để đi đến tập trung. Người chỉ rõ: “Tập trung trên nền tảng dân chủ … Dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung …Nói tóm lại: Để làm cho Đảng mạnh  thì phải mở rộng dân chủ…, thực hành lãnh đạo tập trung, nâng cao tính tổ chức, tính kỷ luật”. Chỉ có như vậy, mới tạo cho Đảng sự thống nhất cao về tư tưởng, ý chí, hành động, vững vàng trong mọi khó khăn, thử thách.
Để giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng tự phê bình và phê bình. Theo Người, “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”[6]. “Muốn đoàn kết càng chặt chẽ, tiến bộ càng mau chóng thì mọi người phải sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Mà muốn được như thế thì không có cách gì hơn là thật thà tự phê bình và phê bình”. Trong tác phẩm “Tự phê bình và phê bình”, Bác viết “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng mạnh”. Người còn yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải có thái độ phê bình và tự phê bình đúng đắn, thẳng thắn, chân thành, không nể nang, thêm bớt, biết tôn trọng nhau và “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” để bản thân mình và đồng chí mình cùng tiến bộ, làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, phần xấu mất dần đi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ kêu gọi, vận động toàn Đảng phải đoàn kết thống nhất, toàn dân phải đoàn kết, mà chính Người là hiện thân của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, linh hồn của sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Người đã thu hút, tập hợp, cảm hóa mọi người bằng chính tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân; bằng chính cuộc đời cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; bằng tình thương yêu vô hạn đối với con người, trước hết là những người lao động. Sự hài hòa giữa tư tưởng và hành động, nói luôn đi đôi với làm và đạo đức, nhân cách của Người đã thật sự quy tụ mọi lực lượng trong xã hội, trở thành động lực, sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
2. “Giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con người của mắt mình” – thực hiện di huấn của Người để xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. 
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 40 năm qua, Đảng ta luôn coi trọng, chăm lo củng cố, giữ vững sự đoàn kết nhất trí trong Đảng. Từ thực tiễn hơn 20 năm đổi mới, Đảng ta càng ý thức sâu sắc ý nghĩa to lớn của tư tưởng đoàn kết, đại đoàn kết Hồ Chí Minh. Kinh nghiệm cho thấy, lúc nào, nơi nào tư tưởng đoàn kết dân tộc và sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng được quán triệt thực hiện nghiêm túc, thì khi đó, nơi đó cách mạng đạt thành tựu và phát triển. Ngược lại, ở đâu mất đoàn kết thống nhất thì ở đó nội lực thường bị phân tán và mất đi mọi tiềm năng, thế mạnh, mất môi trường thuận lợi để phát triển tài năng của mọi thành viên, đồng thời mất luôn anh em, bạn bè, đồng chí. Mất đoàn kết thống nhất nội bộ còn là mất cán bộ, mất của cải, danh dự và niềm tin. Mất đoàn kết thì mất ổn định và phát triển. Vì thế, đoàn kết thống nhất trong Đảng vừa là điều kiện vừa là mục tiêu để xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. 
Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng khẳng định: không ngừng chăm lo củng cố sự đoàn kết thống nhất và tình đồng chí trong Đảng; thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên tự phê bình và phê bình. Trong diễn văn kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2007) và phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định: Đảng ta cần tiếp tục đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng. Trong đó, nhiệm vụ chủ yếu của công tác đổi mới, chỉnh đốn Đảng là: giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng….
Để không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết nhất trí trong Đảng, nhất là ở các tổ chức cơ sở đảng hiện nay, theo chúng tôi cần chú ý một số biện pháp chủ yếu như sau:
Một là, Đảng đề ra đường lối chính trị đúng đắn làm cơ sở để xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng. Theo Hồ Chí Minh đường lối chính trị và đoàn kết thống nhất trong Đảng có quan hệ mật thiết với nhau. Đường lối chính trị đúng đắn là cơ sở tạo nên sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Thực tiễn phong trào cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh điều đó. Đường lối đúng đắn là sự kiên định lí tưởng cách mạng “độc lâp dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.  
Hai là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng trước hết bắt nguồn từ sự hiểu biết và giác ngộ chính trị của mỗi đảng viên. Vì vậy, công tác tuyên truyền trong Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để nâng cao trình độ nhận thức cho mỗi đảng viên, có như vậy mới tạo sự đoàn kết thống nhất cao. Thông qua tuyên truyền của Đảng làm cho làm cho toàn Đảng, cũng như mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết nhất trí trong Đảng và tầm quan trọng của việc giữ gìn đoàn kết nhất trí trong Đảng; làm cho đảng viên hiểu đầy đủ, đúng đắn đường lối để từ đó biết lãnh đạo, tổ chức quần chúng tiến hành thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng.
Ba là, Thực hiện tốt chế độ tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Tự phê bình và phê bình không những là vũ khí sắc bén mà còn là động lực bên trong giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Tự phê bình và phê bình phải khách quan, công khai, trung thực, chân thành. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm. Như thế là một Đảng tiến bộ,…, chân chính”[7]. Do đó, tự phê bình và phê bình cần tiến hành thường xuyên như “rửa mặt hàng ngày” và cần tiến hành từ trên xuống, từ dưới lên. “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để…đoàn kết và thống nhất nội bộ”.[8]. Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là “cách tốt nhất”, hữu hiệu nhất để phát huy ưu điển, sữa chữa sai lầm, khuyết điểm, nâng cao đạo đức cách mạng. Người cũng đặc biệt lưu ý rằng nâng cao đạo đức cách mạng phải đồng thời với kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, coi như hai mặt của một quá trình tu dưỡng, phấn đấu của người đảng viên cộng sản.
Bốn là, Tăng cường mở rộng dân chủ trong Đảng, đề cao tính tổ chức, tính kỷ luật, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. 
Đoàn kết nhất trí trong Đảng không phải sự đoàn kết suôi chiều, trái lại đoàn kết được xây dựng trên cơ sở đấu tranh để đi đến thống nhất  về tư tưởng, hành động. Vì vậy nhất thiết phải mở rộng dân chủ. Mở rộng dân chủ đi đôi với đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Để làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ, thực hành lãnh đạo tập trung, nâng cao tính tổ chức kỷ luật”[9]. Dân chủ trong Đảng là phải làm cho tất cả đảng viên tự do biểu đạt tư tưởng, nhu cầu, đóng góp ý kiến của mình cho Đảng với ý thức trách nhiệm cao. Các cấp ủy Đảng phải bảo đảm thực hành dân chủ từ cơ sở. Mặt khác, cần thực hiện tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách nhằm tạo cơ sở đảm bảo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Năm là, Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, phát hiện sớm và kiên quyết giải quyết dứt điểm mọi hiện tượng gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng.
Công tác kiểm tra có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường khối đoàn kết thống nhất trong Đảng. Công tác kiểm tra giúp cho các cấp ủy kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguyên nhân, hiện tượng mất đoàn kết. Đồng thời biểu dương kịp thời và có biện pháp cụ thể, thiết thực giúp cho các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm kỷ luật của Đảng, giáo dục cán bộ, đảng viên không ngừng chăm lo vun đắp cho khối đoàn kết thống nhất trong Đảng. Hồ Chí Minh viết : “Muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa, kiểm soát khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt”[10].
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, một mặt phải tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy các cấp, đề cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành, đồng thời cần có cơ chế, qui chế cụ thể để bảo vệ và phát huy vai trò giám sát của quần chúng, nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. 
Sáu là, lựa chọn, bố trí đúng người đứng đầu tổ chức đảng và cơ quan chính quyền cùng cấp, bảo đảm hạt nhân trung tâm đoàn kết. Thực tiễn cho thấy ở cơ sỏ nào cán bộ chủ trì có đủ phẩm chất, năng lực, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thật sự tiên phong gương mẫu; xử lý hài hòa các lợi ích, biết đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân, của tập thể lên trên hết, thì ở đó nội bộ đoàn kết thống nhất, năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền không ngừng được giữ vững và nâng lên. Ngược lại thì đoàn kết trong tổ chức đảng bị rạn nứt, vai trò, uy tín của Đảng bị suy giảm. 
Bảy là, đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là mẫu mực tuyệt vời về tinh thần đoàn kết giai cấp, đoàn kết dân tộc, là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, là hiện thân của sự đoàn kết nhất trí trong Đảng ta. Tăng cường đoàn kết nhất trí trong Đảng phải luôn dựa trên cơ sở tư tưởng của Hồ Chí Minh về đoàn kết. Vì vậy, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, làm cơ sở tạo ra phong trào hành động cách mạng làm theo tấm gương của Người./.
Tài liệu tham khảo: 
[1] HCM:toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 3, tr561.
[2] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, Hà Nội, 1999, tr25,26. 
[3] V.I.Lênin toàn tập, tập 16, Nxb Tiến Bộ, M. 1993, tr705. 
[4] Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t2, tr116. 
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, tr.510. 
[6] Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 12, tr.510. 
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H,2002,tập 5, tr261
[8] Sđd, tập 5, tr232 
[9] HCM toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.1996, tr241 .
[10] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.1995, tr287.

Tác giả : Th.s Phạm Thị Thanh Giang - Gv Khoa Dân vận
Theo 
truongchinhtrina.gov.vn

Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN