Người Việt Odessa
Tin Tức

Vẫn còn đó nỗi đau chiến tranh

Thứ sáu, 08/05/2015 | 04:01
Cuộc Chiến tranh Vệ Quốc Vĩ đại của nhân dân Liên Xô cách đây tròn 70 năm đã kết thúc thắng lợi, tiêu diệt hoàn toàn Chủ nghĩa Phát-xit và chấm dứt một cuộc Đại chiến thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại.

Trên khắp các quốc gia của Liên Xô trước kia, những Tượng đài Chiến thắng, những Đài Tưởng niệm được xây dựng khá hoành tráng như những lời nhắn gửi tới tương lai về những giá trị của Chiến thắng, của Hòa bình và về những thảm họa khủng khiếp của Chiến tranh. Vậy mà giờ đây, có những nơi, các công trình ấy lại bị phá hủy bởi chính đạn, pháo của Chiến tranh. Và bởi thế “VẪN CÒN ĐÓ NỖI ĐAU CHIẾN TRANH”.

Vẫn còn đó nỗi đau chiến tranh

Đồi mộ Saur tại Donetsk trước tháng 8-2014

Chúng tôi đến Đonetsk, miền Đông Nam Ucraina trong một dịp tiếng súng đã tạm lắng dịu nhờ Thỏa thuận Hòa bình mang tên “Minsk-2” vẫn đang có hiệu lực kể từ giữa tháng 3/2015. Tình hình, bởi thế bớt nguy hiểm và cuộc sống đã phần nào trở lại với nhịp độ của hòa bình ở những thành phố lớn. Thế nhưng dấu tích của sự tàn phá bởi những trận pháo kích giữa các bên xung đột trong nửa cuối năm 2014 thì vẫn còn nguyên. Có những nơi cả một làng gần như bị san phẳng, có nơi người dân đã phải bỏ đi lánh nạn phần lớn, để lại những căn nhà gần như hoang phế... Những khu dân cư, những công trình công cộng và cả những làng mạc xa trung tâm Thành phố Đonetsk vẫn lại là những “nạn nhân” nghiêm trọng của các cuộc chiến hôm nay - 70 năm sau khi Chiến tranh Thế giới đã kết thúc.

Và cụm Tượng đài Tưởng niệm Chiến tranh Vệ Quốc mang tên “Đồi mộ Saur” ở Donetsk cũng đã trở thành một phế tích.

Vẫn còn đó nỗi đau chiến tranh

Khu vực an táng những người mới thiệt mạng trong những xung đột gần đây

Là một quần thể tượng đài, thuộc một trong những công trình tưởng niệm rất lớn được xây dựng ngay sau khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại của nhân dân Liên Xô kết thúc, Quần thể “Đồi mộ Saur” cũng được coi như một biểu tượng lớn của cả một vùng Shakhty thuộc tỉnh Đonetsk, nước Cộng hòa XHCN Ucraina (trong thành phần của LB Xô-viết trước kia). Tượng đài được đặt trên một ngọn đồi mà đỉnh cao trên 270m (so với mực nước biển) thuộc địa phận của làng Stepanovka. Xung quanh việc xây dựng khu tưởng niệm này có rất nhiều câu chuyện cảm động. Thời gian đầu chỉ là một cột đá hình chóp, phía trên cao gắn một Ngôi sao Đỏ và phía dưới có ghi thông tin về sự mất mát, hy sinh của cả một Quân đoàn số 5 với hơn 23.000 sỹ quan và binh lính trong các cuộc chiến khốc liệt vào những năm từ 1941 đến 1943. Về sau, khu tưởng niệm tiếp tục được xây dựng với những công trình lớn xung quanh cột đá cao như biểu tượng người lính, những khối kiến trúc tạo hình ảnh của những con tàu...; những khẩu pháo còn lại sau chiến tranh cũng được đưa về đặt ở đây, tạo nên một quần thể tưởng niệm khá chặt chẽ. Các tổ chức xã hội đã thực hiện nhiều phần việc để xây dựng khu tưởng niệm. Trong đó, Hiệp hội các Kiến trúc sư Ucraina đã tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu tượng đài, thu hút sự tham gia của cả các kiến trúc sư Ucraina và Nga. Rồi khoản tiền để xây dựng khu tưởng niệm cũng được quyên góp bằng rất nhiều những “Ngày lao động Cộng sản” mà nhiều nhóm tình nguyện và lực lượng thanh niên đã rất tích cực phát động và sức lan tỏa cũng rất nhanh, rất rộng.... Lễ khai trương chính thức toàn bộ khu tưởng niệm vào 19/9/1967 đã từng có tới hơn 300 nghìn người là các cựu chiến binh, đại diện các tổ chức xã hội, các phong trào hoạt động và người dân trong vùng tham dự. Rồi kể từ đó, khu tưởng niệm luôn luôn thu hút những người dân trong vùng và du khách gần xa là các cựu chiến binh, là học sinh, sinh viên, là cả những người từng là phía bên kia của cuộc Chiến tranh Vệ quốc ... tới tham quan, tìm hiểu; tới để cùng ôn lại những ký ức của lịch sử, để nhắc nhau hãy đừng để xảy ra thêm nữa những đau thương, mất mát kinh khủng như cuộc Chiến này.

Vẫn còn đó nỗi đau chiến tranh

Những khẩu pháo từ thời Chiến tranh Vệ Quốc đã được đưa về đặt chung vào quần thể Tượng đài

Vậy mà..... đúng vào dịp sắp tròn 70 năm kết thúc cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai, 70 năm Chiến thắng Phát-xít Đức, chiến tranh lại xảy ra ngay trên chính mảnh đất nóng này giữa một bên là lực lượng quân đội của Nhà nước Ucraina và một bên là những lực lượng có vũ trang thuộc tỉnh Donetsk, chủ trương ly khai khỏi Ucraina. Chiến sự lại trở nên căng thẳng vào những tháng 6,7,8 và đến những ngày cuối tháng 8/2014 thì gần như toàn bộ cụm tượng đài trên đỉnh cao nhất đã bị phá hủy hoàn toàn. Từ bức tượng người lính, cột đá cao... đến những công trình xung quanh đều bị phá hỏng toàn bộ hoặc lỗ trỗ vết đạn. 

Vẫn còn đó nỗi đau chiến tranh

Cả Cột đá và bức tượng người lính giờ chỉ còn là đống đổ nát

Cuối tháng Tư vừa qua, chúng tôi tới thăm khu “Đồi Mộ Saur” vào một ngày tạm được gọi là thanh bình trong bối cảnh tình hình xung đột vẫn đang diễn biến rất phức tạp và chưa có hồi kết. Một quang cảnh thật đau lòng vẫn hiển hiện trước mắt: cả một ngôi làng mang tên Stepanovka đã gần như bị san phẳng và không còn chút gì nữa dấu hiệu của sự sống. Trên ngọn đồi cao thì chỉ còn là những tảng đá, khối bê tông nham nhở gãy đổ.

Vẫn còn đó nỗi đau chiến tranh

Một phần của quần thể tượng đài cũng đã bị bắn phá lỗ rỗ

Nhưng chúng tôi vẫn gặp ở đây những nhóm vài ba người hoặc chỉ một, hai người tới thăm và lên tận đỉnh đồi. Nơi đó có chiếc chuông lớn mới được đặt bên chân tượng đài cũ và mỗi khi tới thăm người dân trong làng lại thỉnh lên một tiếng như lời tưởng nhớ những người đã ngã xuống cách đây 70 năm và cả những người vừa mới nằm xuống ngày nay.

Vẫn còn đó nỗi đau chiến tranh
Một chiếc chuông lớn được dựng lên ở phía chân bức tượng Người lính và cột đá cao

Chúng tôi đã trò chuyện với một gia đình có hai cha con tới đây đúng ngày này. Chị con gái tên Tania, đã trưởng thành, chia sẻ với tôi suy nghĩ của mình trước khu tưởng niệm này và trong bối cảnh này rằng: “Quần thể này có một ý nghĩa rất lớn mà tôi hiểu. Có bức tượng một người lính, biểu tượng của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Giờ bức tượng đã bị phá hủy nhưng chúng tôi, những người sống ở đây vẫn tìm về để tưởng nhớ và tri ân.”

Vẫn còn đó nỗi đau chiến tranh

Những vết đạn pháo và sự tàn phá nghiêm trọng quần thể tượng đài

Còn người cha, ông, Nikolai, là một người làm nông thuần túy, sống ở một làng không xa cao điểm này, kể: “Khi diễn ra cuộc chiến tranh Vệ Quốc thì tôi còn chưa ra đời, nhưng sau này tôi biết về những trang lịch sử của mảnh đất tôi đang sống là qua biểu tượng này. Nó sẽ là nơi con cháu các thế hệ của chúng tôi có thể tìm về, có thể lấy đó mà rút ra những bài học đau thương. Vậy mà giờ đây, nó đã bị phá hủy, tôi vô cùng xót xa.”

Vẫn còn đó nỗi đau chiến tranh

Một phần tượng đài với vết đạn pháo đã không còn nguyên vẹn

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, điều mà họ mong muốn nhất lúc này là gì, khi tình hình vẫn đang còn diễn biến phức tạp...? Người cha, nay đã ngoài 60 cho rằng, đối với ông, chẳng bao giờ ông muốn chia cắt Ucraina – Đônetsk... bởi người dân sống ở đây hay ở các vùng khác nhau của Ucraina thì đều là những người anh em, đều cùng một dân tộc. Nhưng ông cũng không muốn Ucraina lại ngả sang bên này hay bên kia trong các mối liên minh không bình đẳng. 

Vẫn còn đó nỗi đau chiến tranh

Một phần của ngôi làng Stepanovka bị phá hủy nặng nề trong những đợt pháo kích

Và cuối cùng, như muốn thay lời của những người dân trong vùng sau những biến cố gần nhất, hiểu cái giá của CHIẾN TRANH, của HÒA BÌNH... ông bày tỏ với chúng tôi, hơn bao giờ hết, ông và người dân ở đây chỉ cầu mong sớm chấm dứt xung đột, bắn phá gây nên những cảnh như chứng tích hủy diệt đang còn đây của cả một công trình tưởng niệm – “Đồi mộ Saur”./.

(Điệp Anh, VOV Moscow, 6/5/2015)


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN