Theo nhận định của Hãng tài chính Bloomberg, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 có thể bị chậm lại, do ảnh hưởng của những vấn đề tiềm ẩn trên chính trường thế giới. Đối với Ukraina, do nền kinh tế nước này mang định hướng xuất khẩu, nên luôn bị ảnh hưởng khá nặng bởi những vấn đề quốc tế.
Các chuyên gia của Bloomberg cho rằng, trên thế giới hiện có 4 nguy cơ lớn, bao gồm: cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc; tình trạng căng thẳng giữa Trung Quốc và một số quốc gia khu vực Đông Nam Á; tình hình EU, hiện không chỉ có Anh mà cả Italia đã đe dọa tách khỏi Liên minh châu Âu; và sự bất ổn định của giá dầu mỏ. Riêng vấn đề cuối cùng này - giá dầu có thể lên hoặc xuống do ảnh hưởng từ quan hệ giữa Mỹ và Iran hoặc Ả Rập Saudi, và quyết định của khối OPEC về lượng dầu khai thác (lượng khai thác càng nhiều thì giá dầu càng rẻ).
Các chuyên gia kinh tế của Ukraina có phần tỏ ra lạc quan hơn so với các đồng nghiệp ở Bloomberg. Giám đốc Trung tâm phân tích Ukraina Aleksandr Okhrimenko cho rằng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khó có khả năng bùng phát mạnh, do lãnh đạo hai cường quốc này đã có thỏa thuận “đình chiến”, cụ thể là tạm ngừng áp dụng các biện pháp chế tài đối với hàng hóa của nhau trong vòng 90 ngày. Điều này cho phép hy vọng Washington và Bắc Kinh sẽ tìm được tiếng nói chung về thương mại song phương và Mỹ sẽ không áp thuế nhập khẩu đối với xe hơi từ châu Á.
Cũng theo ý kiến của huyên gia này, việc Trung Quốc thể hiện sức mạnh quân sự trước các nước láng giềng sẽ không dẫn đến chiến tranh, không những thế, cũng sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của Ukraina với các quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Chuyên gia năng lượng Gennady Riabtsev (Trung tâm “Psikhea”) tỏ ra tin tưởng rằng, năm 2019 dầu mỏ sẽ không tăng giá, kể cả các nước xuất khẩu dầu có nỗ lực hạn chế khai thác, thì nguồn cung trên thị trường vẫn vượt quá cầu.
Ông Okhrimenko nhận định, nếu cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài, Ukraina sẽ được hưởng lợi từ việc gia tăng xuất khẩu hàng hóa (thực phẩm, sắt thép) sang Trung Quốc, thay thế nguồn hàng từ Mỹ. Ukraina cũng có thể trở thành đối tác trung gian giữa Trung Quốc và châu Âu, nhờ Hiệp định thương mại tự do giữa Ukraina và khối EU.
Còn chuyên gia Oleg Pendzin (“Câu lạc bộ tranh luận kinh tế”) nhắc nhở rằng, việc dầu mỏ hạ giá sẽ dẫn đến giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới, trước hết là ở khu vực Trung Đông. Điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Ukraina, do khu vực này có những quốc gia nhập khẩu sắt thép và ngũ cốc số lượng lớn từ Ukraina, đồng nghĩa với việc kim ngạch xuất khẩu và thu nhập ngân sách của Ukraina có thể bị giảm sút. Bên cạnh đó, theo ý kiến ông, Ukraina còn phải đối phó với những vấn đề trong nước - nguy cơ leo thang căng thẳng tại khu vực Donbass trước thềm bầu cử, dẫn đến tâm lý lo ngại trong xã hội, buộc chính quyền phải tập trung nỗ lực để bình ổn kinh tế, trước hết là bình ổn tỷ giá tiền tệ.
Ông Pendzin cũng đề cập đến một vấn đề mà Ukraina không thể tránh khỏi trong năm 2019: trách nhiệm thanh toán nợ công rất nặng, trong đó riêng trả cho IMF đã là 1,9 tỷ đô la, tương đương 5% thu nhập ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, Ukraina đã nhận được tín hiệu giúp đỡ từ phía IMF, qua hành động chưa từng có tiền lệ - lãnh đạo Quỹ đã thông qua chương trình hỗ trợ tài chính bổ sung cho Ukraina, trị giá 4 tỷ đô la, trong đó 1,5 tỷ có thể được chuyển ngay trong tháng 12 này.
Theo dự báo của chuyên gia Oleg Pendzin, người dân Ukraina sẽ dễ dàng vượt qua năm 2019 sắp tới, chính là nhờ các kỳ bầu cử, vì chính quyền sẽ buộc phải nỗ lực cải thiện đời sống để lấy lòng người dân, mặc dù đất nước có nhiều khó khăn về kinh tế. Ông cho rằng Kiev sẽ tìm được tiền để phục vụ mục tiêu này, từ các nguồn tín dụng quốc tế, kể cả phải chấp nhận lãi suất cao. Những biện pháp này sẽ cho phép kiềm giữ lạm phát năm 2019 trong khoảng 10-12% và giá đô la sẽ không lên quá 30 grivna.
Theo TTQH