Người Việt Odessa
Mục hỏi đáp

Điều gì xảy ra khi công dân Ukraina có hộ chiếu nước ngoài?

Thứ hai, 26/02/2018 | 02:26

Vấn đề người có hai quốc tịch, ba quốc tịch… là khái niệm ít được mọi người tìm hiểu một cách rõ ràng, trong khi Hiến pháp Ukraina quy định: công dân Ukraina chỉ có một quốc tịch duy nhất. Vậy người có quốc tịch thứ hai có thể gặp những phiền phức gì? Xin mời quý độc giả tìm hiểu vấn đề này qua giải thích của luật sư Denis Shkiptan và chuyên viên Cục Di trú Ukraina Yaroslav Bulychev, trong cuộc trao đổi với báo Segodnya.

Khái niệm “hai quốc tịch” và “quốc tịch thứ hai” có gì khác nhau?

Tình trạng “hai quốc tịch”, “ba quốc tịch”… là khi một người sở hữu cùng một lúc quyền công dân của hai, ba… quốc gia khác nhau. Mỗi quốc gia trong số đó đều có quyền đòi hỏi họ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân theo Hiến pháp và pháp luật của mình, đồng thời công nhận người có hai, ba quốc tịch hoàn toàn giống như những công dân bình thường khác. Quy chế người có hai, ba quốc tịch được công nhận ở những nước có ký kết thỏa thuận với nhau về việc chấp nhận quy chế này.

Trên thế giới không có nhiều nước ký kết thỏa thuận nói trên, chủ yếu là những đế quốc trước đây ký với những nước từng là thuộc địa của họ. Chẳng hạn, Anh có thỏa thuận công nhận quy chế hai quốc tịch với Canada, Ấn Độ, Úc… Pháp ký với Canada, Bồ Đào Nha - với Braxin, Tây Ban Nha với một số quốc gia Nam Mỹ.

Còn khái niệm “quốc tịch thứ hai” (thứ ba, thứ tư…) là khi một người nhận quốc tịch của nước thứ hai, thứ ba… mà không thông báo cho quốc gia đầu tiên cấp quốc tịch cho họ biết.

Quy định của luật pháp Ukraina về vấn đề hai quốc tịch

Điều 4 Hiến pháp Ukraina quy định: “Tại Ukraina chỉ tồn tại quy chế một quốc tịch duy nhất”. Nhưng điều đó không có nghĩa là công dân Ukraina bị cấm sở hữu quốc tịch nước khác, mà đơn giản là những giấy tờ công nhận quốc tịch của quốc gia thứ hai, thứ ba… không được Ukraina chấp nhận và không có giá trị sử dụng trên lãnh thổ Ukraina.

Luật quốc tịch Ukraina quy định: “Nếu công dân Ukraina nhập quốc tịch nước khác, thì trong lĩnh vực pháp lý vẫn chỉ được công nhận là công dân Ukraina. Trường hợp người nước ngoài nhập quốc tịch Ukraina, trong lĩnh vực pháp lý cũng chỉ được công nhận là công dân Ukraina”.

Như vậy, nếu một người có hộ chiếu Ukraina và hộ chiếu một nước khác (ví dụ như quốc đảo Síp), thì khi ở Ukraina sẽ chỉ được coi là công dân Ukraina, khi ở Síp chỉ được coi là công dân Síp. Khi sang nước thứ ba, người này có thể quyết định sử dụng hộ chiếu nào có lợi cho mình và sẽ được coi là công dân nước đó. Tóm lại, Ukraina không cấm sở hữu hai, ba… quốc tịch, mà đơn giản là không công nhận quy chế hai, ba… quốc tịch.

Người bị phát hiện có hai quốc tịch bị xử lý thế nào?

Pháp luật Ukraina không bắt buộc công dân của mình phải thông báo với chính quyền về việc nhận quốc tịch nước thứ hai, thứ ba… Về nguyên tắc, thông tin về việc sở hữu quốc tịch nước khác có thể được sử dụng làm cơ sở để hủy quốc tịch Ukraina của đương sự. Tuy nhiên, việc hủy quốc tịch này không diễn ra theo cơ chế bắt buộc và đó chính là vướng mắc chủ yếu trong lĩnh vực luật quốc tịch của Ukraina. Về bản chất, chính quyền không có trách nhiệm phải kiểm tra xem công dân của mình có sở hữu quốc tịch nước khác hay không. Và trong trường hợp hủy quốc tịch Ukraina, chỉ Tổng thống mới có quyền ký lệnh hủy quốc tịch, nhưng không có nghĩa là Tổng thống có trách nhiệm phải làm việc đó. Từ đây xuất hiện một vòng tròn luẩn quẩn, dẫn đến thực trạng nhiều chính trị gia và doanh nhân nổi tiếng bị báo chí phanh phui có quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn không bị tước quốc tịch Ukraina.

Có bao nhiêu công dân Ukraina hữu quốc tịch nước khác?

Trên thế giới, mỗi quốc gia đều có quy định riêng của mình về vấn đề công dân nhận quốc tịch thứ hai, thứ ba…, cũng như về hình thức đối sử với những trường hợp như vậy. Chẳng hạn, nhiều nước ở khu vực Caribe (Donimic, Grenada, Antigua, Barbuda…) cho phép người nước ngoài “mua” quốc tịch của mình, thông qua hình thức đầu tư vào kinh tế nước này từ 100 nghìn đô la trở lên. Người nhập quốc tịch các nước này cũng không bị yêu cầu phải từ chối quốc tịch cũ. Ở châu Âu, hai quốc gia thành viên khối EU là Malta và Síp cũng cho phép “mua” quốc tịch nước mình với hình thức tương tự, nhưng với số tiền lớn hơn nhiều (ở Malta là từ 1 triệu euro trở lên, ở Síp là từ 2 triệu euro). Nhiều nước châu Âu cũng cho phép người nước ngoài đổi đầu tư (mua bất động sản, công trái nhà nước, hoặc mở doanh nghiệp…) lấy quyền định cư lâu dài, kèm khả năng được cấp quốc tịch trong tương lai. Một số nước trong số này, ví dụ như Đức, khi cấp quốc tịch cho người nước ngoài có yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận đã từ bỏ quốc tịch cũ.

Theo những nguồn tin khác nhau, tại Ukraina có khoảng một nửa triệu người sở hữu hai quốc tịch trở lên, chủ yếu là quốc tịch Ba Lan, Nga, Hungary, Rumania…

Ngược lại, Ukraina cũng cho phép người nước ngoài được định cư lâu dài trong trường hợp đầu tư vào kinh tế Ukraina từ 100 nghìn đô la trở lên.

Giải quyết vấn đề hai quốc tịch như thế nào?

Trước hết, cần có những quy định rõ ràng về thủ tục nhập quốc tịch và từ bỏ quốc tịch, cũng như thủ tục tước quốc tịch Ukraina. Theo pháp luật hiện hành, việc tước quốc tịch Ukraina của một người nào đó chỉ được phép thực hiện trong trường hợp người này còn quốc tịch nước khác. Tổng thống ký quyết định hủy bỏ quốc tịch Ukraina trên cơ sở đề xuất của một ủy ban đặc biệt. Tuy nhiên, không có bất cứ quy định ràng buộc nào đối với những người có chức năng này, mà hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn cá nhân của họ.

Luật công chức Ukraina, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2016, quy định cấm người có quốc tịch nước khác giữ chức vụ tại các cơ quan nhà nước Ukraina. Điều này là đúng đắn, vì công dân nước ngoài không được phép tiếp cận bí mật quốc gia của Ukraina. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều chính trị gia và quan chức đã bị báo chí phát hiện có sở hữu hộ chiếu nước ngoài nhưng vẫn ra ứng cử và được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng.

Tiếp theo, cần có một chính sách nhất quán dài hạn - Ukraina có công nhận quy chế hai quốc tịch, ba quốc tịch… hay không. Hàng triệu người Ukraina ra nước ngoài và nhiều người trong số họ được cấp quốc tịch nước khác. Vậy có nên tước quốc tịch Ukraina của họ không? Có thể, tốt hơn cả là ký thỏa thuận công nhận quy chế hai quốc tịch với một số quốc gia khác? Hay đơn giản là cứ “nhắm mắt làm ngơ”, coi như không biết. Để giải quyết vấn đề này, trước hết cần có cách tiếp cận rõ ràng với khái niệm “cải cách luật quốc tịch”.

 Theo Segodnya - TTQH