Người Việt Odessa
Mục hỏi đáp

“Đại cách mạng” ngành y tế Ukraina - những điều cần biết

Thứ sáu, 10/08/2018 | 00:44
Ukraina đang triển khai cải tổ ngành y tế nhằm nâng cấp chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân, với điểm khác biệt cơ bản so với trước đây là bác sỹ được nhận lương theo số lượng người dân ký hợp đồng chăm sóc sức khỏe với mình.

Lương bác sỹ được tính thế nào?

Trong tháng 7 vừa qua, các bác sỹ chăm sóc sức khỏe tuyến 1 - bác sỹ đa khoa, nhi khoa và bác sỹ gia đình - đã được nhận lương lần đầu tiên theo chế độ cải cách. Theo đó, lương của bác sỹ được tính theo số lượng bệnh nhân được họ chăm sóc sức khỏe.

Theo lời Bộ trưởng Y tế Ukraina Uliana Suprun tuyên bố trước thềm cải tổ, cuộc “đại cách mạng” này sẽ cho phép các bác sỹ nhận mức lương xứng đáng với công sức của mình - từ 10 nghìn đến 100 nghìn grivna mỗi tháng.

Thu nhập theo số lượng bệnh nhân - đó chính là nguyên tắc cơ bản của công cuộc cải tổ ngành y tế Ukraina hiện nay. Tạm thời nguyên tắc này mới chỉ được áp dụng với bác sỹ tuyến 1, gồm: bác sỹ đa khoa, nhi khoa và bác sỹ gia đình. Từ năm 2020, cải cách sẽ được triển khai trong toàn bộ ngành y tế.

Công thức tính lương của bác sỹ theo chế độ cải cách hiện nay như sau: cứ ký được hợp đồng chăm sóc sức khỏe với một người dân, bác sỹ sẽ được nhà nước trả trung bình 370 grivna một năm. Tuy nhiên, mức đãi ngộ này có khác biệt theo từng nhóm đối tượng, phụ thuộc vào lứa tuổi và tần suất ốm đau của người dân ký hợp đồng.

Cụ thể, người thuộc độ tuổi từ 18-39 sẽ được áp dụng hệ số 1 - tức là bác sỹ được nhận 370 grivna/người/năm. Trẻ em sơ sinh đến 5 tuổi - áp dụng hệ số 4, tức 1.480 grivna/người/năm.

Với trẻ em 6-17 tuổi, hệ số này là 2,2 - tức 814 grivna/người/năm.

Người từ 40-64 tuổi: hệ số 1,2 - 444 grivna/người/năm.

Người cao tuổi - áp dụng hệ số 2, tức 740 grivna/người/năm.

Giả sử, một bác sỹ đa khoa ký hợp đồng chăm sóc sức khỏe với 2.000 người, thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau - chẳng hạn 40% là người từ 18 đến 39 tuổi, 41% - từ 40 đến 64 tuổi và 19% là người trên 64 tuổi. Đây là tỷ lệ tương đối giống với thực tế nhân khẩu học tại Ukraina hiện nay.

Trong trường hợp này, bác sỹ đa khoa nói trên sẽ được nhà nước cho hưởng mức lương 941.200 grivna/năm. Tức là mỗi tháng 78.400 grivna. Nhưng số tiền này, bác sỹ không được hưởng toàn bộ, vì trong đó bao gồm cả chi phí khám xét nghiệm và lương y tá… Một phần nữa phải trả cho cơ sở y tế, theo thỏa thuận giữa bác sỹ và bệnh viện, nơi bác sỹ này đang làm việc.

Như vậy, sau cải tổ, mô hình tài chính của các bệnh viện sẽ được xây dựng trên cơ sở hợp đồng ký giữa lãnh đạo bệnh viện và bác sỹ.

Sẽ có sự khác biệt lớn về thu nhập của mỗi bác sỹ

Tại Trung tâm y tế Mezgorsky, thuộc tỉnh Zakarpatie, hợp đồng giữa bệnh viện và bác sỹ sẽ có hiệu lực thi hành từ tháng 9 tới. Theo đó, mỗi bác sỹ bậc cao được hưởng mức lương “cứng” là 6.250 grivna/tháng. Nếu bác sỹ nào ký được hợp đồng chăm sóc sức khỏe với số lượng người dân trên một nửa định mức (2.000 bệnh nhân/1 bác sỹ gia đình), sẽ được nhận thêm tiền thưởng 6.350 grivna/tháng. Trường hợp ký đủ định mức hợp đồng, mức thưởng này là 11.850 grivna/tháng. Tức là bác sỹ có thể nhận lương từ 12.600-18.000 grivna mỗi tháng. Trước cải cách, thu nhập trung bình của bác sỹ (bao gồm cả các loại phụ cấp) vào khoảng 7.000 grivna/tháng.

Theo thông tin của Trung tâm này, đến hết tháng 7 đã có 55% người dân địa phương ký hợp đồng chăm sóc sức khỏe với các bác sỹ tuyến 1.

Một tình huống hoàn toàn ngược lại xảy ra ở thủ đô Kiev - nữ bác sỹ Darina Dmitrievskaia bày tỏ sự bức xúc của mình trong đoạn status trên mạng Facebook, gửi đích danh Bộ trưởng Y tế Uliana Suprun, sau khi cô chỉ nhận được 3.352,98 grivna tiền lương tháng 7. Dòng status này được đính kèm hai hóa đơn điện tử chứng thực việc nhận lương qua ngân hàng, với số tiền 1.600 và 1.752,98 grivna.

“Một ngày làm việc kéo dài 7,42 giờ đồng hồ. Tức là, công việc của bác sỹ chịu trách nhiệm về sức khỏe và cuộc sống của người dân, chỉ được trả có 21 grivna mỗi giờ! Đó là tôi còn chưa nói đến vấn đề phải phục vụ hơn 2.500 người dân, mỗi ngày trung bình 25-35 ca khám bệnh - đây là thực tế đối với tất cả các bác sỹ, vì chúng ta đang thiếu bác sỹ. Trung tâm y tế của chúng tôi hoàn toàn không sửa chữa, nâng cấp, hay mua sắm trang thiết bị gì cả, thậm chí không có cả dụng cụ kiểm tra thành phần đường và cholesterone trong máu. Cửa sổ cũ đã 20-30 năm chưa thay, tường nhà đầy lỗ. Không những thế, sang tháng 9 chúng tôi còn bị yêu cầu trực bổ sung để thay thế bác sỹ cấp cứu bị giải thể!”, - trích status của nữ bác sỹ trên mạng Facebook.

Người dân có quyền đòi hỏi những gì ở bác sỹ?

Theo quy định của Bộ Y tế, trong số tiền nhà nước chi trả cho bác sỹ (370 grivna/người/năm) có bao gồm chi phí xét nghiệm và chẩn đoán cơ bản, cùng rất nhiều trách nhiệm mà bác sỹ phải tuân thủ trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Cụ thể, bác sỹ có bổn phận theo dõi tình trạng sức khỏe, chẩn đoán, ấn định lộ trình chữa trị, theo dõi sức khỏe của phụ nữ có thai, trẻ em… Bác sỹ cũng có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận, bao gồm cả chứng nhận mất sức lao động và giới thiệu người bệnh đi giám định sức khỏe ở các cơ quan chức năng.

Tất cả các thủ tục nói trên, người dân đều không phải trả tiền nếu đã ký hợp đồng chăm sóc sức khỏe với bác sỹ.

Quy định được áp dụng với tất cả các cơ sở y tế, kể cả bệnh viện nhà nước cũng như các trung tâm y tế tư nhân. Điều đó có nghĩa là, nếu người bệnh ký hợp đồng chăm sóc sức khỏe với một bác sỹ tư, thì vị bác sỹ này phải có trách nhiệm đảm bảo thủ tục chẩn đoán, xét nghiệm cho bệnh nhân mà không được yêu cầu trả thêm tiền dịch vụ.

Theo TTQH


Đại sứ quán Việt nam tại Ucraina
Hàng Khô Việt Nam
Khai trương quán ăn Việt - Old Street
 

UnTeks Group

Dệt Kim Unteksgroup

PHÒNG CHẨN TRỊ Y HỌC CỔ TRUYỀN